Việc gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư sẽ không được thực hiện trong các trường hợp nào?
- Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trên cơ sở nào?
- Việc gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư sẽ không được thực hiện trong các trường hợp nào?
- Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không được gia hạn thời hạn hoạt động là những dự án nào?
Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trên cơ sở nào?
Đối chiếu với quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư:
Theo đó, trừ trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư khi kết thúc thời hạn hoạt động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đó nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có);
- Phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình kế hoạch phát triển nhà ở (đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị);
- Đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (đối với trường hợp đề nghị gia hạn sử dụng đất).
Việc gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư sẽ không được thực hiện trong các trường hợp nào?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư 2020 về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư:
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
1. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.
2. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.
3. Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.
4. Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ các dự án đầu tư sau đây:
a) Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;
b) Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, việc gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư sẽ không được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;
- Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.
Việc gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư sẽ không được thực hiện trong các trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không được gia hạn thời hạn hoạt động là những dự án nào?
Theo quy định tại khoản 10 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì:
Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên không được điều chỉnh, gia hạn thời hạn hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 44 của Luật Đầu tư 2020 gồm:
(i) Dự án sử dụng dây chuyền công nghệ khi hoạt động không đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; hoặc công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi dây chuyền công nghệ trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất của dây chuyền công nghệ còn lại dưới 85% so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; hoặc mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng vượt quá 15% so với thiết kế.
Trường hợp không có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường liên quan đến dây chuyền công nghệ của dự án thì áp dụng chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường;
(ii) Dự án sử dụng máy móc, thiết bị để sản xuất có mã hàng hóa (mã số HS) thuộc các Chương 84 và 85 Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam có tuổi vượt quá 10 năm hoặc khi hoạt động không đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Trường hợp không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường liên quan đến máy móc, thiết bị của dự án thì áp dụng chỉ tiêu kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Lưu ý: Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xác định máy móc, thiết bị trong một số lĩnh vực có tuổi vượt quá 10 năm nhưng không thuộc công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản họp hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc thành lập chi nhánh thế nào? Tải về mẫu biên bản họp?
- Kinh phí chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hay kinh phí hoạt động?
- Tháng củ mật là gì? Tháng củ mật là tháng mấy 2025? Tại sao lại gọi tháng Chạp là tháng củ mật?
- Công trình và trang thiết bị phòng thủ dân sự được quy định thế nào? Quy định về việc chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị trong phòng thủ dân sự?
- Ký hiệu biển số xe quân sự 2025? Ký hiệu biển số xe của các cơ quan, đơn vị theo Thông tư 69 như thế nào?