Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng xe ô tô mà không mang theo Giấy phép vận chuyển sẽ bị xử phạt hành chính thế nào?
- Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng xe ô tô có phải mang theo Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ không?
- Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng xe ô tô mà không mang theo Giấy phép vận chuyển sẽ bị xử phạt hành chính thế nào?
- Người vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng xe ô tô phải đáp ứng những yêu cầu nào?
Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng xe ô tô có phải mang theo Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới như sau:
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới
...
3. Phương tiện giao thông cơ giới khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt phải có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ do cơ quan Công an cấp theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng) và phải bảo đảm, duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy sau đây:
a) Các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Động cơ của phương tiện phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm theo quy định;
c) Ống xả của động cơ phải được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ;
d) Sàn, kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải làm bằng vật liệu không cháy;
đ) Các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
e) Phải có dây tiếp đất khi phương tiện giao thông đường bộ vận chuyển chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ;
g) Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (Mẫu số PC01) ở kính phía trước; phương tiện giao thông đường sắt phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (Mẫu số PC01) ở hai bên thành phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển;
h) Phương tiện thủy nội địa, ban ngày phải cắm cờ báo hiệu chữ “B”, ban đêm phải có đèn báo hiệu phát sáng màu đỏ trong suốt quá trình vận chuyển. Quy cách, tiêu chuẩn cờ, đèn báo hiệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
...
Như vậy, theo quy định trên thì khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng xe ô tô phải mang theo Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ do cơ quan Công an cấp theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng) và phải bảo đảm, duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng xe ô tô có phải mang theo Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ không? (Hình từ Internet)
Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng xe ô tô mà không mang theo Giấy phép vận chuyển sẽ bị xử phạt hành chính thế nào?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 34 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ như sau:
Vi phạm quy định trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không bóc, gỡ biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ gắn trên phương tiện vận chuyển khi hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ đã được di chuyển khỏi phương tiện vận chuyển.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sắp xếp hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên phương tiện vận chuyển không đúng theo quy định của pháp luật;
b) Không mang theo giấy phép vận chuyển khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không duy trì đầy đủ các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy khi sử dụng phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trong thời gian vận chuyển;
b) Vận chuyển hàng hóa khác cùng với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên cùng một phương tiện vận chuyển mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền;
c) Chở người không có nhiệm vụ trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
d) Làm mất giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ nhưng không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.
...
Như vậy, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng xe ô tô mà không mang theo Giấy phép vận chuyển có thể bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức xử phạt trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức xử phạt gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Người vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng xe ô tô phải đáp ứng những yêu cầu nào?
Theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP có quy định như sau
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới
...
4. Điều kiện đối với người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ:
a) Người điều khiển phương tiện phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt;
b) Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Như vậy, người điều khiển xe ô tô vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt;
- Phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy mới nhất? Hướng dẫn viết bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy chi tiết?
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?