Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thế nào đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại?
- Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại là trách nhiệm của ai?
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thế nào đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại?
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trực tiếp xử lý, cải tạo và phục hồi đối với khu vực ô nhiễm môi trường do lịch sử để lại hay không?
Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại là trách nhiệm của ai?
Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại là trách nhiệm của ai? (Hình từ Internet)
Căn cứ quy định khoản 2 Điều 152 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Hoạt động bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của địa phương
...
2. Xử lý, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường, bao gồm:
Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, gồm: khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất trong chiến tranh; khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; khu vực đất bị ô nhiễm khác trên địa bàn thuộc trách nhiệm xử lý của địa phương; xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt sông, hồ trên địa bàn thuộc trách nhiệm xử lý của địa phương.
...
Như vậy việc xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại là trách nhiệm của địa phương.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thế nào đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại?
Tại Điều 14 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Điều tra, đánh giá, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất thuộc trách nhiệm của nhà nước
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá sơ bộ đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này; điều tra, đánh giá chi tiết, xây dựng phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm trên địa bàn theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Nghị định này để làm căn cứ lập dự án quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực ô nhiễm môi trường đất thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo việc tổ chức điều tra, đánh giá sơ bộ đất quốc phòng, đất an ninh theo quy định tại Điều 15; điều tra đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất quốc phòng, đất an ninh theo quy định tại Điều 16 Nghị định này; phê duyệt dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực ô nhiễm môi trường đất quốc phòng, đất an ninh đã được điều tra, đánh giá theo quy định tại Điều 16 Nghị định này và pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Khuyến khích việc đa dạng hóa nguồn vốn để xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất theo quy định của pháp luật.
Theo đó đối với khu vực bị ô nhiễm do hậu quả của lịch sử để lại thì Ủy ban nhân cấp dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá chi tiết, xây dựng phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.
Từ đó làm căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phê duyệt dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại.
Và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đối với khu vực nêu trên.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trực tiếp xử lý, cải tạo và phục hồi đối với khu vực ô nhiễm môi trường do lịch sử để lại hay không?
Tại Điều 17 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường
1. Việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực ô nhiễm môi trường đất căn cứ vào báo cáo kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ, điều tra, đánh giá chi tiết quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định này và phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.
2. Nội dung chính của phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường bao gồm:
a) Thông tin chung về khu vực ô nhiễm môi trường đất;
b) Kết quả điều tra và đánh giá mức độ ô nhiễm của khu vực ô nhiễm môi trường đất;
c) Lựa chọn phương thức xử lý tại chỗ hoặc vận chuyển đến địa điểm xử lý theo quy định;
d) Công trình, biện pháp kỹ thuật, công nghệ giảm thiểu hoặc loại bỏ các chất gây ô nhiễm tồn lưu tại khu vực ô nhiễm môi trường đất; bảng so sánh các biện pháp kỹ thuật, kèm theo các phân tích để lựa chọn phương án tối ưu;
đ) Lộ trình và kế hoạch thực hiện phương án xử lý ô nhiễm;
e) Giám sát, kiểm soát trong và sau xử lý.
3. Sau khi hoàn thành việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất, đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này có trách nhiệm báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh về kết quả xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.
4. Đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, sau khi hoàn thành việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hoặc ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh công bố thông tin cho cộng đồng về kết quả xử lý, cải tạo và phục hồi.
5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành biểu mẫu phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường quy định tại khoản 2 Điều này.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để bảo vệ, cải tạo, phục hồi và nâng cao độ phì đất nông nghiệp.
Theo quy định trên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ không trực tiếp xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đối với khu vực ô nhiễm môi trường do lịch sử để lại.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thực hiện công bố hoặc ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh công bố thông tin cho cộng đồng về kết quả xử lý, cải tạo và phục hồi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phương tiện đo nhóm 2 không có quy trình kiểm định thì có chuyển sang hiệu chuẩn thay thế được không?
- Chức năng của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là gì? Ai có thẩm quyền thành lập Hội đồng nghệ thuật?
- Chính quyền địa phương ở thị trấn là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị trấn?
- Khi Nhà nước thu hồi đất, chủ sở hữu cây trồng được tự thu hồi cây trồng, vật nuôi trước khi bàn giao lại đất cho Nhà nước không?
- Nguyên tắc đặt tên giao dịch quốc tế của trường cao đẳng sư phạm? Trường CĐSP phải công khai giải trình thể hiện ở những hoạt động nào?