Trường hợp nào Văn phòng giám định tư pháp sẽ bị chấm dứt hoạt động? Văn phòng giám định tư pháp có trách nhiệm gì khi chấm dứt hoạt động?
Trường hợp nào Văn phòng giám định tư pháp sẽ bị chấm dứt hoạt động?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 85/2013/NĐ-CP thì Văn phòng giám định tư pháp sẽ bị chấm dứt hoạt động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Tự chấm dứt hoạt động;
(2) Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.
Cụ thể khi Văn phòng thuộc một trong những trường hợp sau đây thì sẽ bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động:
- Không còn đủ giám định viên tư pháp theo quy định;
- Thực hiện giám định tư pháp không đúng lĩnh vực đã đăng ký;
- Vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính lần thứ hai mà còn tái phạm;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Văn phòng giám định tư pháp (Hình từ Internet)
Văn phòng giám định tư pháp có trách nhiệm gì khi chấm dứt hoạt động?
Theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 85/2013/NĐ-CP và khoản 3 Điều 21 Nghị định 85/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 157/2020/NĐ-CP) thì khi chấm dứt hoạt động, Văn phòng giám định tư pháp sẽ có những trách nhiệm như sau:
(1) Trường hợp Văn phòng giám định tư pháp tự chấm dứt hoạt động
- Chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, Văn phòng giám định tư pháp phải có báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.
- Văn phòng giám định tư pháp phải gửi kèm theo báo cáo giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc thực hiện giám định đối với các trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp đã tiếp nhận, nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán xong các khoản nợ theo quy định của pháp luật, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động, đăng báo trung ương hoặc báo địa phương trong hai số liên tiếp về thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động.
(2) Trường hợp Văn phòng giám định tư pháp do bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 85/2013/NĐ-CP.
- Văn phòng giám định tư pháp có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động và đăng báo Trung ương hoặc báo địa phương trong hai số liên tiếp về việc chấm dứt hoạt động; chuyển hồ sơ lưu trữ về việc thực hiện giám định tư pháp cho Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.
- Đối với yêu cầu giám định đã tiếp nhận mà chưa thực hiện thì Văn phòng giám định tư pháp phải trả lại hồ sơ, đối tượng giám định và khoản chi phí giám định đã thu của người trưng cầu, yêu cầu giám định.
Văn phòng giám định tư pháp khi hoạt động sẽ có những quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 85/2013/NĐ-CP thì Văn phòng giám định tư pháp sẽ có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng giám định tư pháp
1. Văn phòng giám định tư pháp có quyền:
a) Thuê giám định viên tư pháp và nhân viên làm việc cho Văn phòng;
b) Thu chi phí giám định tư pháp theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức;
d) Được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.
2. Văn phòng giám định tư pháp có nghĩa vụ:
a) Niêm yết công khai chi phí giám định tư pháp;
b) Thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động thuộc Văn phòng theo quy định của pháp luật;
c) Chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê; chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra;
d) Báo cáo Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo định kỳ hàng năm;
đ) Nộp lệ phí đăng ký hoạt động theo mức lệ phí đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Các quyền và nghĩa vụ theo quy định, của Luật giám định tư pháp, pháp luật về tố tụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giám định tư pháp?
Theo Điều 6 Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020), nghiêm cấm thực hiện những hành vi sau đây trong lĩnh vực giám định tư pháp:
- Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.
- Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
- Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp hoặc lợi dụng việc trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp để gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng.
- Lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi.
- Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp.
- Xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
- Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lời chúc giáng sinh dành cho bạn bè? Lễ giáng sinh Noel có phải là ngày lễ lớn trong năm không?
- Cách điền phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật/ đề nghị thi hành kỷ luật đối với Đảng viên chuẩn Hướng dẫn 05?
- Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư được thể hiện thông qua những gì? Có bao nhiêu giai đoạn đầu tư xây dựng?
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?