Trong tình huống khẩn cấp về thiên tai các biện pháp nào sẽ được áp dụng? Dự án khẩn cấp phòng chống thiên tai được quyết định đầu tư tổ chức thực hiện thế nào?
Các thông tin chính nào sẽ có trong quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai?
Đầu tiên, khái niệm tình huống khẩn cấp về thiên tai được nêu cụ thể theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 66/2021/NĐ-CP quy định thì:
- Tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng như sân bay, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, bến cảng quốc gia, hệ thống lưới cao thế từ 66KV trở lên, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 12 Nghị định này quy định về nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gồm các thông tin chính như sau:
- Diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai hoặc sự cố; sự cố công trình phòng, chống thiên tai hoặc sự cố công trình xây dựng ảnh hưởng do thiên tai; mức độ hư hỏng đối với công trình; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt liên quan đến an toàn về người;
- Các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra;
- Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả.
Tình huống khẩn cấp về thiên tai (Hình từ Internet)
Trong tình huống khẩn cấp về thiên tai thì các biện pháp nào sẽ được áp dụng?
Về các biện pháp được áp dụng trong tình huống khẩn cấp được nêu tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 66/2021/NĐ-CP như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các biện pháp chính gồm:
+ Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán;
+ Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn;
+ Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;
+ Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai;
+ Các biện pháp cần thiết khác;
+ Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.
Dự án khẩn cấp phòng chống thiên tai được quyết định đầu tư tổ chức thực hiện thế nào?
Theo Điều 13 Nghị định 66/2021/NĐ-CP quy định về dự án khẩn cấp phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai như sau:
Dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
1. Dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai là dự án cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra khi có các tình huống khẩn cấp hoặc tình trạng khẩn cấp về thiên tai theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
2. Dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai được quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 130 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, khoản 6 Điều 18, Điều 42 Luật Đầu tư công, Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các quy định liên quan của pháp luật về xây dựng, đầu tư công và đấu thầu; được giao hoặc áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà thầu.
Như vậy, bên cạnh các tình huống khẩn cấp về thiên tai thì ta cũng cần phải đề ra những dự án khẩn cấp phòng chống thiên tai được quyết định đầu tư tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 130 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020, khoản 6 Điều 18, Điều 42 Luật Đầu tư công 2019, Điều 58 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, được giao hoặc áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 để lựa chọn nhà thầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xúi giục, đe dọa người khác phá thai bị xử lý như thế nào? Pháp luật có cấm phá thai hay không?
- Năm cá nhân số 3 năm 2025 có ý nghĩa gì? Cách tính năm cá nhân 2025 theo thần số học chi tiết?
- Xe khách chở quá số lượng người vào dịp Tết Âm lịch từ năm 2025 sẽ bị xử phạt bao nhiêu? Có bị trừ điểm giấy phép lái xe?
- Bài phát biểu chúc Tết của Bí thư Đảng ủy? Tham khảo mẫu bài phát biểu chúc Tết của Bí thư Đảng ủy?
- Phế liệu kim loại màu nhập khẩu là gì? Mẫu biên bản kiểm tra chất lượng Phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo QCVN?