Đất công trình phòng chống thiên tai là đất gì? 07 Nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai?
Đất công trình phòng chống thiên tai là đất gì?
Theo điểm e khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về phân loại đất như sau:
Phân loại đất
...
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
...
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
...
Và theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp như sau:
Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp
...
6. Đất sử dụng vào mục đích công cộng, bao gồm:
...
d) Đất công trình phòng, chống thiên tai là đất xây dựng công trình phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, gồm công trình đê điều chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai;
...
Như vậy, đất công trình phòng chống thiên tai là một trong những loại đất sử dụng vào mục đích công cộng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp dùng để xây dựng công trình phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, gồm công trình đê điều chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.
Đất công trình phòng chống thiên tai là đất gì? 07 Nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai? (Hình từ Internet)
Khi sử dụng đất công trình phòng chống thiên tai có cần phân định rõ diện tích đất sử dụng không có mục đích kinh doanh và có mục đích kinh doanh không?
Căn cứ theo Điều 207 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
1. Việc sử dụng đất vào mục đích công cộng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành có sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đất sử dụng vào mục đích công cộng phải phân định rõ diện tích đất sử dụng không có mục đích kinh doanh và diện tích đất sử dụng có mục đích kinh doanh.
Đối với diện tích đất sử dụng không có mục đích kinh doanh thì Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 118 của Luật này; đối với diện tích đất sử dụng có mục đích kinh doanh thì Nhà nước cho thuê đất theo quy định tại Điều 120 của Luật này.
3. Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có sử dụng đất theo quy định của Luật này.
4. Chế độ quản lý, sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư phải tuân theo quy định của Luật này và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất, giao đất cho lực lượng Công an nhân dân khi có yêu cầu để bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Theo quy định thì đất sử dụng vào mục đích công cộng phải phân định rõ diện tích đất sử dụng không có mục đích kinh doanh và diện tích đất sử dụng có mục đích kinh doanh.
Như vậy, khi sử dụng đất công trình phòng chống thiên tai cần phải phân định rõ diện tích đất sử dụng không có mục đích kinh doanh và diện tích đất sử dụng có mục đích kinh doanh.
07 Nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai là những nguyên tắc nào?
07 Nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai được quy định tại Điều 4 Luật phòng, chống thiên tai 2013 gồm:
(1) Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
(2) Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.
(3) Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
(4) Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
(5) Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.
(6) Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
(7) Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn, ma túy dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ? Bị phạt bao nhiêu?
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử khi bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là khi nào?
- Mẫu bản cam kết của tổ thẩm định đấu thầu mới nhất theo Thông tư 07? Tải về file word mẫu bản cam kết?
- Đất công trình phòng chống thiên tai là đất gì? 07 Nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai?
- Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện do cơ quan nào thực hiện xây dựng báo cáo Chính phủ?