Trọng tài quy chế khác trọng tài vụ việc như thế nào? Quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp theo cơ chế trọng tài quy chế?
Trọng tài quy chế khác trọng tài vụ việc như thế nào?
Căn cứ khoản 6 và khoản 7 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 có nêu ra định nghĩa về trọng tài quy chế khác trọng tài vụ việc như sau:
- Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.
- Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận.
Theo đó, trọng tài vụ việc được thành lập khi phát sinh tranh chấp và giải thể sau khi vụ tranh chấp kết thúc, quy tắc tố tụng và lựa chọn Trọng tài viên do các bên tự thỏa thuận. Thông thường trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành và danh sách trọng tài viên cố định. Và kết quả giải quyết vụ tranh chấp được thực hiện dựa trên thỏa thuận lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng của các bên.
Còn trọng tài quy chế (trọng tài thường trực) là hình thức trọng tài được tổ chức chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc cố định và thường có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng.
Tại Việt Nam, cơ chế giải quyết thông qua trọng tài vụ việc còn chưa phổ biến mà cơ chế trọng tài quy chế đang được áp dụng phổ biến thông qua những tổ chức chủ yếu là dưới hình thức trung tâm trọng tài.
Trọng tài quy chế khác trọng tài vụ việc như thế nào? Quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp theo cơ chế trọng tài quy chế? (Hình từ Internet)
Quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp theo cơ chế trọng tài quy chế tại Trung tâm trọng tài?
Bước 1: Nguyên đơn gửi đơn kiện. Nội dung của đơn phải được đảm bảo các nội dung tại khoản 2 Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Bước 2: Trung tâm trọng tài gửi bản sao đơn khởi kiện và thỏa thuận trọng tài, các tài liệu có liên quan đến nội dung tranh chấp cho bị đơn trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện từ nguyên đơn, trừ trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác
Bước 3: Bị đơn nộp bản tự bảo vệ và đơn khởi kiện lại nguyên đơn (nếu có) cho Trung tâm trọng tài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, trừ trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác
Bước 4: Thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài để tiến hành giải quyết tranh chấp.
Bước 5: Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của các bên (nếu có).
Bước 6: Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp
Bước 7: Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài.
Cơ chế thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài?
Căn cứ Điều 40 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về Thành lập Hội đồng trọng tài trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế tại Trung tâm trọng tài như sau:
Thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không quy định khác, việc thành lập Hội đồng trọng tài được quy định như sau:
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn Trọng tài viên do Trung tâm trọng tài gửi đến, bị đơn phải chọn Trọng tài viên cho mình và báo cho Trung tâm trọng tài biết hoặc đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên. Nếu bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn;
2. Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện do Trung tâm trọng tài gửi đến, các bị đơn phải thống nhất chọn Trọng tài viên hoặc thống nhất yêu cầu chỉ định Trọng tài viên cho mình. Nếu các bị đơn không chọn được Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn;
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày các Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định, các Trọng tài viên này bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Hết thời hạn này mà việc bầu không thực hiện được, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài;
4. Trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định Trọng tài viên duy nhất.
Như vậy, khi chọn giải quyết vụ việc theo cơ chế trọng tài quy chế tại Trung tâm trọng tài thì việc thành lập Hội đồng trọng tài sẽ được thực hiện theo quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong giáo dục, niên chế nghĩa là gì? Đối với giáo dục đại học, chương trình giáo dục được tổ chức thực hiện theo niên chế hay theo tín chỉ?
- Tảo mộ là gì? Đi tảo mộ vào ngày mấy Tết Âm lịch? Nghỉ Tết Âm lịch bắt đầu từ ngày mấy Dương lịch?
- Cá nhân đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất có được gửi hồ sơ qua bưu điện không?
- Điều kiện thành lập trung tâm học tập cộng đồng công lập hoặc cho phép thành lập trung tâm học tập cộng đồng tư thục?
- Thủ tục từ chức lãnh đạo, quản lý, xin thôi việc đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Nội vụ như thế nào?