Trách nhiệm nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy là của ai? Nếu không nghiệm mà đưa vào sử dụng sẽ bị phạt như thế nào?
Trách nhiệm nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy là của ai?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy như sau:
"1. Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Chủ đầu tư, chủ phương tiện phải đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng."
Theo đó, đối với công trình có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy và phải đề nghị cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Như vậy, đối với trường hợp bạn trao đổi, công trình hiện chưa có biên bản nghiệm thu thì có thể hiểu rằng công trình này chưa thực hiện thủ tục nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Do đó, chủ đầu tư mới có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu theo quy định để đưa công trình vào sử dụng.
Phòng cháy và chữa cháy (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền kiểm tra kết quả nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì cơ quan đã thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy sẽ đến kiểm tra kết quả nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy.
Và căn cứ theo khoản 12 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy như sau:
"12. Thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:
a) Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: Dự án, công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (trừ các dự án, công trình đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư); công trình có chiều cao trên 100 m; công trình xây dựng trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; phương tiện đường thủy có chiều dài từ 50 m trở lên vận chuyển hành khách, vận chuyển chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ; dự án đầu tư xây dựng công trình do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh đề nghị, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự;
b) Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: Đồ án quy hoạch đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch trên địa bàn quản lý; dự án, công trình không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền; phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự."
Như vậy những cơ quan trên có thẩm quyền duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và cũng có quyền đến kiểm tra kết quả nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy mà mình đã thẩm duyệt.
Không nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy mà đưa vào sử dụng thì bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng như sau:
"4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này;
b) Buộc thực hiện nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này;"
Như vậy, không nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy mà đưa vào sử dụng thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc thực hiện nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Và căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên áp dụng với cá nhân còn tổ chức sẽ gấp 02 lần.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sản phẩm phái sinh là gì? Kinh doanh ngoại hối và sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại như thế nào?
- Tháng 12 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Xem lịch âm tháng 12/2024 chi tiết, đầy đủ nhất?
- Thiệp chúc mừng năm mới khách hàng đối tác 2025 Ất Tỵ? Thiệp chúc mừng năm mới 2025 khách hàng, đối tác?
- Năm 2025, xe khách không thực hiện đúng về giá cước, giá dịch vụ niêm yết bị phạt bao nhiêu tiền?
- 'Tam giác vàng' là gì? Buôn bán thuốc phiện tại Việt Nam thì hình phạt nặng nhất là gì? Nhẹ nhất là gì?