Tổ trưởng Tổ kiểm toán có được bảo lưu ý kiến của mình khác với kết luận trong báo cáo kiểm toán không?
Tổ trưởng Tổ kiểm toán có được bảo lưu ý kiến của mình khác với kết luận trong báo cáo kiểm toán không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 1495/QĐ-KTNN năm 2024 như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán
...
2. Quyền hạn
a) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; được truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán để thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán dưới sự giám sát về phạm vi truy cập, khai thác của đơn vị được kiểm toán theo ủy quyền bằng văn bản của Trưởng Đoàn kiểm toán; việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán được phê duyệt;
c) Báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý thành viên Tổ kiểm toán có sai phạm để Trưởng Đoàn kiểm toán xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;
d) Bảo lưu bằng văn bản ý kiến của mình khác với đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị (trong phạm vi công việc có liên quan) trong biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước;
đ) Sử dụng thông tin, tài liệu của cộng tác viên Kiểm toán nhà nước; xem xét tài liệu liên quan đến hoạt động của đơn vị được kiểm toán; thu thập, bảo vệ tài liệu và bằng chứng khác; xem xét quy trình hoạt động của đơn vị được kiểm toán;
e) Đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán làm rõ lý do thay đổi đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị (trong phạm vi công việc có liên quan) trong biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước;
...
Như vậy, Tổ trưởng Tổ kiểm toán được quyền bảo lưu ý kiến của mình khác với kết luận (trong phạm vi công việc có liên quan) trong biên bản kiểm toán.
Lưu ý: Việc bảo lưu ý kiên nêu trên phải được thực hiện bằng văn bản.
Tổ trưởng Tổ kiểm toán có được bảo lưu ý kiến của mình khác với kết luận trong báo cáo kiểm toán không? (Hình từ Internet)
Thời hạn bảo lưu ý kiến của Tổ trưởng Tổ kiểm toán là bao lâu?
Căn cứ vào Điều 25 Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 1495/QĐ-KTNN năm 2024
Bảo lưu ý kiến
1. Kiểm toán viên nhà nước bảo lưu ý kiến trước Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày Tổ kiểm toán tổ chức thảo luận về dự thảo biên bản kiểm toán.
2. Tổ trưởng Tổ kiểm toán bảo lưu ý kiến trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày Đoàn kiểm toán tổ chức thảo luận về dự thảo báo cáo kiểm toán.
3. Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán bảo lưu ý kiến trước Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trong thời hạn 01 ngày, kể từ ngày Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán hoặc bảo lưu ý kiến trước Tổng Kiểm toán nhà nước trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Tổng Kiểm toán nhà nước xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán.
4. Việc bảo lưu ý kiến phải được lập thành văn bản ghi rõ: nội dung ý kiến bảo lưu, cơ sở pháp lý và các bằng chứng làm cơ sở chứng minh cho ý kiến bảo lưu của mình; văn bản bảo lưu ý kiến phải ghi rõ ngày, tháng, năm và phải có chữ ký của người bảo lưu ý kiến. Văn bản bảo lưu ý kiến và văn bản giải quyết của người có thẩm quyền được lưu trữ trong hồ sơ kiểm toán.
...
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì Tổ trưởng Tổ kiểm toán bảo lưu ý kiến trong vòng 03 ngày, kể từ ngày Đoàn kiểm toán tổ chức thảo luận về dự thảo báo cáo kiểm toán.
Việc bảo lưu ý kiến phải được lập thành văn bản ghi rõ:
- Nội dung ý kiến bảo lưu, cơ sở pháp lý và các bằng chứng làm cơ sở chứng minh cho ý kiến bảo lưu của mình;
- Văn bản bảo lưu ý kiến phải ghi rõ ngày, tháng, năm và phải có chữ ký của người bảo lưu ý kiến.
Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải chịu trách nhiệm về ý kiến bảo lưu của mình đúng không?
Căn cứ theo điểm đ khoản 3 Điều 14 Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 1495/QĐ-KTNN năm 2024 có quy định như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán
...
3. Trách nhiệm
a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn kiểm toán về hoạt động của Tổ kiểm toán;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị (trong phạm vi công việc có liên quan) trong biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước;
c) Giải trình các vấn đề có liên quan đến công tác của Tổ kiểm toán theo yêu cầu của Trưởng Đoàn kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định;
d) Chịu trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm toán của thành viên Tổ kiểm toán; chịu trách nhiệm về việc đề nghị tạm đình chỉ thành viên Tổ kiểm toán;
đ) Chịu trách nhiệm về ý kiến bảo lưu của mình, kết quả kiểm toán của thành viên không phải Kiểm toán viên nhà nước trong Tổ kiểm toán;
e) Giữ bí mật về tình hình và kết quả kiểm toán, hồ sơ, tài liệu có liên quan khi chưa được công khai; việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật;
...
Như vậy, Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải chịu trách nhiệm về ý kiến bảo lưu của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch Vạn niên tháng 1/2025 đầy đủ, chi tiết nhất? Lịch âm dương tháng 1/2025 bắt đầu và kết thúc vào ngày nào?
- Luật Tố tụng hành chính quy định những gì và áp dụng cho những hoạt động nào? Quy định về việc tuân thủ pháp luật trong tố tụng hành chính?
- Danh mục hồ sơ hoàn công công trình xây dựng theo Nghị định 06 gồm những gì? Thời hạn lưu trữ hồ sơ?
- Cục cảnh sát giao thông có tiếp nhận vụ tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông xác minh, điều tra, giải quyết không?
- Dự toán và phương pháp xác định chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị theo Thông tư 12/2024 thế nào?