Tổ chức Thương mại Thế giới là gì? Cơ quan nào có nhiệm vụ giám sát thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến kinh tế và thương mại quốc tế của Việt Nam tại WTO?
Tổ chức Thương mại Thế giới là gì?
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO - World Trade Organization) là tổ chức quốc tế toàn cầu duy nhất thiết lập các quy tắc thương mại giữa các quốc gia.
Trọng tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là các Hiệp định WTO, được đàm phán và ký kết bởi phần lớn các quốc gia thương mại trên thế giới và được quốc hội của họ phê chuẩn.
Mục đích là giúp nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu tiến hành hoạt động kinh doanh của họ.
Dựa theo Mục 1 Phần 1 Tờ trình 150/TTR-CP năm 2006 về kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới do Chính phủ ban hành thì:
Các nguyên tắc cơ bản của WTO là:
(1) Không phân biệt đối xử: là nguyên tắc quan trọng nhất của WTO, thể hiện qua hai chế độ là đối xử tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia (NT).
- Trong đó, đối xử tối huệ quốc MFN quy định một thành viên phải đối xử bình đẳng với tất cả các thành viên khác.
- Đối xử quốc gia NT quy định phải dành cho hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp nước ngoài sự đối xử bình đẳng như dành cho hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp trong nước.
- WTO cho phép có ngoại lệ về đối xử MFN và NT nhưng phải theo đúng quy định của WTO.
(2) Thúc đẩy thương mại quốc tế đối với hàng hoá và dịch vụ thông qua đàm phán dỡ bỏ rào cản giữa các quốc gia: bao gồm cắt giảm thuế nhập khẩu, loại bỏ các biện pháp phi thuế, xử lý các hành vi gây lệch lạc thương mại như trợ cấp, phá giá .v.v..
(3) Minh bạch hoá: bao gồm minh bạch về chính sách và minh bạch về tiếp cận thị trường.
- Trong đó, minh bạch về chính sách yêu cầu mọi quy định có liên quan đến thương mại của một thành viên phải được công bố công khai, dễ tiếp cận, phù hợp với luật lệ của WTO và áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ.
+ Đồng thời, phải dành cơ hội thoả đáng cho các bên có liên quan được góp ý trong quá trình lập quy.
- Minh bạch về tiếp cận thị trường yêu cầu các Thành viên nỗ lực ràng buộc mức trần cho thuế nhập khẩu và đưa ra các cam kết rõ ràng về mở cửa thị trường dịch vụ, giúp cho các doanh nghiệp có thể dự báo và hoạch định chiến lược kinh doanh.
Tổ chức Thương mại Thế giới là gì? (Hình từ Internet)
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi nào?
Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ ngày 11/01/2007.
Có thể nói rằng việc Việt Nam gia nhập WTO là tham gia sâu hơn vào tiến trình toàn cầu hoá kinh tế.
Trong đó, theo Phần 2 Tờ trình 150/TTR-CP năm 2006 về kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới do Chính phủ ban hành thì:
Bộ văn kiện gia nhập WTO của Việt Nam, được Ban Công tác thông qua vào ngày 26 tháng 10 năm 2006 và Đại hội đồng WTO thông qua vào ngày 07 tháng 11 năm 2006, bao gồm các tài liệu sau:
- Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Việt Nam;
- Quyết định của Đại hội đồng về việc gia nhập WTO của Việt Nam;
- Báo cáo của Ban công tác về việc gia nhập của Việt Nam;
- Biểu cam kết về thương mại hàng hóa (bao gồm cam kết về thuế nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan và trợ cấp nông nghiệp);
- Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ.
Lưu ý: Các văn kiện này thể hiện toàn bộ các cam kết WTO của Việt Nam.
Cơ quan nào có nhiệm vụ giám sát thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến kinh tế và thương mại quốc tế của Việt Nam tại WTO?
Đối chiếu với quy định tại khoản 22 Điều 2 Nghị định 96/2022/NĐ-CP về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Công Thương trong hội nhập kinh tế quốc tế:
Nhiệm vụ và quyền hạn
Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
...
22. Về hội nhập kinh tế quốc tế:
a) Tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế; thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam theo quy định của pháp luật;
b) Tổng hợp, xây dựng phương án và tổ chức nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế song phương, đa phương hoặc khu vực về thương mại trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật, bao gồm đàm phán mới, sửa đổi, mở rộng và nâng cấp các điều ước quốc tế này; đàm phán các thoả thuận thương mại tự do; đàm phán các hiệp định hợp tác kinh tế quốc tế, các thỏa thuận mở rộng thị trường giữa Việt Nam với các nước, các khối nước hoặc vùng lãnh thổ;
c) Tổ chức nghiên cứu, đề xuất phương án, tổ chức, điều phối và giám sát thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến kinh tế và thương mại quốc tế của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các Hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã tham gia và các tổ chức, diễn đàn kinh tế quốc tế khác theo phân công của Thủ tướng Chính phủ;
Như vậy, cơ quan có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, đề xuất phương án, tổ chức, điều phối và giám sát thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến kinh tế và thương mại quốc tế của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là Bộ Công Thương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam là gì? Tiêu chuẩn xét tặng đối với cá nhân công tác trong ngành Ngoại giao là gì?
- Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở ngành Kiểm sát nhân dân là gì? Thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu?
- Tổ chức chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại cần đáp ứng những điều kiện nào?
- Nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu đối với dự án đầu tư có sử dụng đất theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ gồm những gì?
- Nội dung kiểm tra hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất gồm những gì?