Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị đánh giá tàu biển có bắt buộc phải nộp trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam không?
Đánh giá tàu biển là gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 40/2016/TT-BGTVT giải thích đánh giá tàu biển như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
4. Đánh giá là hoạt động bao gồm xem xét hồ sơ tài liệu và kiểm tra thực tế để xác nhận hệ thống quản lý của đối tượng được đánh giá được thiết lập và thực thi phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
...
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị đánh giá tàu biển có bắt buộc phải nộp trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 12 Thông tư 40/2016/TT-BGTVT quy định về đánh giá, cấp giấy chứng nhận quản lý an toàn cho tàu biển theo Bộ luật ISM như sau:
Đánh giá, cấp giấy chứng nhận quản lý an toàn cho tàu biển theo Bộ luật ISM
1. Hệ thống quản lý an toàn của tàu biển phải thỏa mãn quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý an toàn và ngăn ngừa ô nhiễm trong khai thác tàu biển và Bộ luật ISM.
2. Hồ sơ đề nghị đánh giá tàu biển bao gồm:
a) 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) 01 (một) bản sao tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quản lý, thuê tàu trần và cam kết thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của Bộ luật ISM nếu công ty không phải là chủ sở hữu tàu biển (đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận tạm thời hoặc lần đầu).
3. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
4. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì thống nhất thời gian đánh giá tàu biển tại địa điểm do người nộp hồ sơ yêu cầu.
5. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá hệ thống quản lý an toàn tại tàu biển, nếu đạt yêu cầu thì cấp hoặc xác nhận hiệu lực giấy chứng nhận quản lý an toàn (SMC) theo quy định của Bộ luật ISM trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ khi hoàn thành đánh giá; nếu không đạt yêu cầu thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.
6. Tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá hệ thống quản lý an toàn của tàu biển nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.
Như vậy tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị đánh giá tàu biển đến Cục Đăng kiểm Việt Nam bằng một trong các hình thức sau đây:
- Nộp hồ sơ trực tiếp
- Qua hệ thống bưu chính
- Bằng hình thức phù hợp khác
Chính vì vậy mà anh không cần đến trực tiếp Cục Đăng kiểm Việt Nam để nộp hồ sơ mà anh có thể nộp thông qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác.
Tàu biển (Hình từ Internet)
Nội dung đăng kiểm tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 19 Thông tư 40/2016/TT-BGTVT quy định như sau:
Đăng kiểm tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn
1. Nội dung đăng kiểm tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn bao gồm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7 và khoản 10 Điều 4 của Thông tư này.
2. Công tác đăng kiểm tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn thực hiện theo quy định tại các Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 18 của Thông tư này.
Và căn cứ theo Điều 4 Thông tư 40/2016/TT-BGTVT quy định như sau:
Nội dung công tác đăng kiểm tàu biển
1. Duyệt các tài liệu hướng dẫn tàu biển.
2. Thẩm định thiết kế tàu biển.
3. Kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu và khai thác sử dụng.
...
5. Giám định trạng thái kỹ thuật phục vụ việc mua, bán, thuê tàu biển, điều tra sự cố, tai nạn tàu biển theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc chủ tàu biển, người mua, bán bảo hiểm, người mua, bán và thuê tàu biển.
6. Kiểm định và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho công-te-nơ, máy, vật liệu, trang thiết bị sử dụng cho tàu biển trong chế tạo, lắp ráp, nhập khẩu, sửa chữa phục hồi, hoán cải.
7. Đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển; đánh giá, chứng nhận năng lực cơ sở thử nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật, phòng ngừa ô nhiễm môi trường tàu biển.
...
10. Cấp giấy chứng nhận thợ hàn theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển.
Như vậy đăng kiểm tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn sẽ gồm những 07 nội dung như trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bấm biển số xe máy trên VNeID được không? Lệ phí bấm biển số xe máy trên VNeID là bao nhiêu?
- Chữ ký số ký ngoài giờ hành chính có giá trị pháp lý không? Điều kiện của chữ ký số là gì?
- Đề minh họa thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội 2025 kèm đáp án chính thức thế nào?
- Việc lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính phải tuân thủ nguyên tắc gì? Trình tự lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính gồm mấy bước?
- Nghị định 153/2024 quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với khí thải từ ngày 5/1/2025 thế nào?