Tiền lương làm thêm giờ tết âm lịch có tính thuế thu nhập cá nhân không? Tiền lương làm thêm giờ dịp tết tính thế nào?
Tiền lương làm thêm giờ Tết Âm lịch có tính thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ vào điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:
Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
...
i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
Ví dụ 2: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ
i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
...
Như vậy, tiền lương tiền công mà người lao động đi làm thêm dịp Tết Âm lịch sẽ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Người lao động sẽ được miễn thuế đối với phần tiền lương, tiền công được trả cao hơn khi làm việc ban đêm, làm việc thêm giờ. Còn phần tiền lương tính theo ngày làm việc bình thường vẫn phải đóng thuế TNCN.
Tiền lương làm thêm giờ tết âm lịch có tính thuế thu nhập cá nhân không? Tiền lương làm thêm giờ dịp tết tính thế nào? (hình từ internet)
Tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày dịp tết tính thế nào?
Căn cứ vào Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, trong trường hợp người lao động làm thêm giờ ban ngày vào ngày Tết Âm lịch thì tiền lương làm thêm giờ dịp tết của người lao động được tính thêm 300% lương của ngày làm việc bình thường.
Như vậy, nếu tính cả lương ngày Tết Âm lịch được hưởng khi nghỉ thì người lao động làm thêm giờ vào ban ngày của ngày Tết Âm lịch sẽ được hưởng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Công ty trả lương làm thêm giờ dịp tết không đúng hạn cho người lao động bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
Theo đó, người sử dụng lao động có hành vi trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 50.000.000 đồng, mức phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp thì mức phạt sẽ gấp 02 mức phạt cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công văn 10225/SNV-CCVC thực hiện chế độ thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP TPHCM như thế nào?
- Xử lý ra sao khi người đứng đầu không được tái bố trí sau sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo Công văn 7968?
- Mẫu Đơn đề nghị cấp Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng mới nhất? Hồ sơ đề nghị cấp mới Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng?
- QCVN 14:2024/BGTVT quy định về gương chiếu hậu xe máy, mô tô 2025 thế nào? Mức phạt không gương xe máy 2025 là bao nhiêu?
- Thông tư 19 quy định một số điều Luật Đấu giá tài sản 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024?