Thuế suất thuế giá trị gia tăng với dịch vụ gia công hàng hóa là bao nhiêu? Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công hàng hóa được quy định như thế nào?
Thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ gia công hàng hóa xuất khẩu được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành:
“Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật”.
Điều kiện hưởng thuế suất 0% với dịch vụ xuất khẩu (theo điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC)
- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
Riêng đối với dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, để được áp dụng thuế suất 0%, ngoài các điều kiện về hợp đồng và chứng từ thanh toán nêu trên, tàu bay, tàu biển đưa vào Việt Nam phải làm thủ tục nhập khẩu, khi sửa chữa xong thì phải làm thủ tục xuất khẩu.
Như vậy, thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ gia công hàng hóa xuất khẩu là 0%.
Thuế suất thuế giá trị gia tăng với dịch vụ gia công hàng hóa là bao nhiêu?
Thuế suất thuế giá trị gia tăng với dịch vụ gia công hàng hóa cung ứng trong nước được quy định ra sao?
Tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định thuế suất thuế GTGT 5% như sau:
“Điều 10. Thuế suất 5%
…
Dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp gồm phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, xay xát, bảo quản lạnh, ướp muối và các hình thức bảo quản thông thường khác theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.”
Theo đó, khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC ) quy định các hình thức bảo quản thông thường bao gồm: làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác…”.
Căn cứ các quy định trên:
- Trường hợp công ty ký hợp đồng gia công cho công ty nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện về hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định của pháp luật về xuất khẩu thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.
- Trường hợp công ty ký hợp đồng gia công cho tổ chức, cá nhân trong nước thì áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5% theo quy định trên.
- Các trường hợp thực hiện dịch vụ khác (không thuộc dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm nêu trên) phải áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công hàng hóa được quy định như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công hàng hóa được quy định tại Điều 42 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
"Điều 42. Quyền, nghĩa vụ của bên đặt và nhận gia công
...
2. Đối với bên nhận gia công:
a) Được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa tạm nhập khẩu theo định mức và tỷ lệ hao hụt để thực hiện hợp đồng gia công và đối với sản phẩm gia công xuất khẩu.
b) Được thuê thương nhân khác gia công.
c) Được cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công; phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, phụ liệu, vật tư mua trong nước.
d) Được nhận tiền thanh toán của bên đặt gia công bằng sản phẩm gia công, trừ sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện thì phải tuân thủ các quy định về giấy phép, điều kiện.
đ) Phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động gia công xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất hàng hóa trong nước và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được ký kết.
e) Làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công.
3. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc; thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu quy định tại Điểm e Khoản 1 và Điểm e Khoản 2 Điều này được quy định như sau:
a) Phải tuân thủ quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
b) Phải có hợp đồng mua bán ký giữa thương nhân nước ngoài hoặc người được ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài với thương nhân nhập khẩu."
Như vậy, quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công hàng hóa được quy định như trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đất nghĩa trang có thuộc nhóm đất chưa sử dụng? Đất nghĩa trang được nhà nước giao cho tổ chức kinh tế bằng hình thức nào?
- Mẫu Nhận xét của chi ủy đối với đảng viên cuối năm? Nhận xét của chi ủy đối với đảng viên được thông báo đến ai?
- Tam tai là gì? Cúng sao giải hạn tam tai có phải mê tín dị đoan không? Hành vi mê tín dị đoan bị xử lý thế nào?
- Nhóm kín, nhóm tele, nhóm zalo chia sẻ link 18+, link quay lén trong group kín thì có bị phạt tù không?
- Chủ đầu tư có phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường hay không?