Thực phẩm bẩn là gì? Sản xuất thực phẩm bẩn từ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc bị phạt tối đa bao nhiêu tiền?
Thực phẩm bẩn là gì?
Tại Luật An toàn thực phẩm 2010 cũng như các văn bản liên quan không có định nghĩa thế nào là "thực phẩm bẩn".
Tuy nhiên, có thể hiểu thực phẩm bẩn là cách gọi chung chỉ những nhóm thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các khâu nuôi trồng, sản xuất, bảo quản và chế biến, đặc biệt là chứa nhiều chất gây nguy hại đến sức khỏe con người.
Về cơ bản, thực phẩm bẩn được chia làm hai nhóm:
(1) Thực phẩm bẩn do sử dụng hóa chất: Đây là loại thực phẩm phổ biến nhất, thường được tìm thấy trong các sản phẩm nông nghiệp như rau củ quả, thịt, cá,... Các loại hóa chất thường được sử dụng trong thực phẩm bẩn bao gồm thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, chất bảo quản,...
(2) Thực phẩm bẩn do nhiễm khuẩn: Đây là loại thực phẩm có chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây hại cho sức khỏe. Các loại thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn bao gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn,...
Thực phẩm bẩn là gì? Sản xuất thực phẩm bẩn từ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc bị phạt tối đa bao nhiêu tiền? (hình từ internet)
Sản xuất thực phẩm bẩn từ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc bị phạt tối đa bao nhiêu tiền?
Theo Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm
1. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng;
b) Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
c) Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.
...
Đồng thời tại Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định này. Đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 22 và khoản 6 Điều 26 Nghị định này nếu áp dụng mức tiền phạt cao nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt tối đa được áp dụng bằng 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 6 Điều 9; khoản 7 Điều 11; Điều 18; Điều 19; điểm a khoản 3 Điều 20; khoản 1 Điều 21; các khoản 1 và 9 Điều 22; Điều 24; khoản 6 Điều 26 Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, pháp luật không quy định cụ thể mức phạt cao nhất cho hành vi sản xuất thực phẩm bẩn từ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, mà sẽ phụ thuộc vào đối tượng vi phạm là cá nhân hay tổ chức và giá trị thực phẩm vi phạm.
Tuy nhiên cần lưu ý, trường hợp đã áp dụng mức phạt tiền cao nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức) mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt tối đa được áp dụng bằng 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm.
Cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn từ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc có bị đình chỉ hoạt động không?
Tại Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm
...
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;
b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.
Như vậy, cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn từ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc không bị áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, tuy nhiên sẽ buộc phải tiêu hủy số nguyên liệu không rõ nguồn gốc cũng như thực phẩm bẩn do cơ sở này tạo ra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn lập Bảng cân đối tài khoản kế toán hợp tác xã chi tiết? Quyền của hợp tác xã được quy định như thế nào?
- Cá nhân kinh doanh khai sai căn cứ tính thuế không bị xử phạt hành chính trong trường hợp nào theo quy định?
- Lịch bắn pháo hoa TP Buôn Ma Thuột ngày 22 11 2024 như thế nào? Thời gian bắn pháo hoa TP Buôn Ma Thuột ngày 22 11 2024 ra sao?
- Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức áp dụng từ 20 11 2024 theo Quyết định 2410 QĐ-NHNN?
- Việc tiếp nhận, xử lý thông tin để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công thương được thực hiện theo quy trình nào?