Theo nguyên tắc thì im lặng trong giao kết hợp đồng có được xem là đồng ý hay không? Trường hợp nào thì hợp đồng giao kết được xem là vô hiệu?
Khi nào thì hợp đồng được xem là đã giao kết thành công?
Theo Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015, thời điểm giao kết hợp đồng được xác định như sau:
"Điều 400. Thời điểm giao kết hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này."
Theo đó, hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Theo nguyên tắc thì im lặng trong giao kết hợp đồng có được xem là đồng ý hay không?
Im lặng có mặc nhiên là chấp nhận giao kết hợp đồng không?
Như ở trên đã nêu, hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được chấp nhận giao kết hợp đồng.
Mà chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Theo khoản 1 Điều 393 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể như sau:
"Điều 393. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
1. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.
2. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên."
Như vậy, việc im lặng của bên nhận đề nghị giao kết hợp đồng không mặc nhiên với việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Im lặng được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Khi giữa các bên tồn tại thỏa thuận xem sự im lặng của bên nhận đề nghị giao kết là chấp nhận toàn bộ lời đề nghị;
- Theo thói quen được thiết lập lặp đi lặp lại, thường xuyên của các bên, không cần phải có sự trả lời.
Đồng thời, theo thực tiễn xét xử (tham khảo Án lệ số 37/2020/AL và Án lệ số 04/2016/AL), sự im lặng là biểu hiện của sự chấp nhận giao kết hợp đồng nếu có sự xuất hiện của các yếu tố:
- Bên im lặng biết bên kia thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng nhưng không phản đối;
- Bên im lặng đã thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên kia;
- Im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng nhưng sau đó yêu cầu bên kia thực hiện hợp đồng.
Tham khảo thêm thực tiễn áp dụng quy định im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng tại các án lệ dưới đây:
Án lệ số 37/2020/AL: Tải về
Án lệ số 04/2016/AL: Tải về
Trường hợp nào hợp đồng được xem là vô hiệu?
Về hợp đồng vô hiệu được quy định tại Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 407. Hợp đồng vô hiệu
1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính."
Như vậy hợp đồng được chi phối bởi các giao dịch dân sự trong hợp đồng đó, hợp đồng vô hiệu khi các giao dịch dân sự đó vô hiệu, cụ thể trong các trường hợp sau:
- Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
- Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần.
Cụ thể về từng trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu tham khảo tại các Điều từ Điều 122 đến Điều 130 Bộ luật Dân sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đi tù về có được vay vốn ngân hàng theo Quyết định 22 hay không? Thời hạn cho vay là bao nhiêu lâu?
- Cách viết đơn xin giao đất mới nhất theo Nghị định 102? Diện tích đất tính tiền sử dụng đất được quy định thế nào?
- Mẫu Báo cáo định kỳ hằng năm của DN sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mới nhất theo quy định hiện nay?
- Giải thể doanh nghiệp có phải mất phí không? Doanh nghiệp có được ký kết hợp đồng mới khi đã có quyết định giải thể doanh nghiệp không?
- Mục đích của chỉ dẫn kỹ thuật trong xây dựng là gì? Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm trình chủ đầu tư chấp thuận nội dung gì?