Thanh tra hành chính được tiến hành theo những bước nào? Khi nào cuộc thanh tra bị tạm dừng hoặc đình chỉ?
Quá trình tiến hành thanh tra hành chính được thực hiện bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 49 Luật Thanh tra 2022, hoạt động tiến hành thanh tra hành chính được xác định bao gồm những công đoạn sau:
- Công bố quyết định thanh tra;
- Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;
- Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu;
- Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.
Ngoài ra, căn cứ vào Mục 3 Chương IV Luật Thanh tra 2022, quá trình tiến hành thanh tra có thể có thêm những hoạt động sau:
- Xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thanh tra;
- Sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra;
- Tạm dừng hoặc đình chỉ cuộc thanh tra;
- Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.
Như vậy, quá trình tiến hành một cuộc thanh tra hành chính sẽ được thực hiện theo các bước nêu trên.
Thanh tra hành chính được tiến hành theo những bước nào? Khi nào cuộc thanh tra bị tạm dừng hoặc đình chỉ? (Hình từ Internet)
Cuộc thanh tra hành chính bị tạm dừng khi nào?
Dựa vào nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật Thanh tra 2022, cuộc thanh tra bị tạm dừng khi người quyết định thanh tra ra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra trong các trường hợp:
- Có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra;
- Đối tượng thanh tra đề nghị tạm dừng cuộc thanh tra mà có lý do chính đáng và được người ra quyết định thanh tra đồng ý; trong trường hợp này, thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra không quá 30 ngày.
Theo đó, khi tạm dừng cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét hủy bỏ biện pháp đã áp dụng hoặc áp dụng biện pháp theo thẩm quyền nhưng phải bảo đảm không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.
Căn cứ vào khoản 4 Điều 70 Luật Thanh tra 2022, quyết định tạm dừng cuộc thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra.
Đồng thời, khoản 3 Điều 70 Luật Thanh tra 2022 có quy định như sau:
Tạm dừng cuộc thanh tra
...
3. Người ra quyết định thanh tra quyết định tiếp tục cuộc thanh tra khi lý do của việc tạm dừng cuộc thanh tra không còn hoặc hết thời hạn tạm dừng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Như vậy, có thể hiểu, việc tạm dừng thanh tra sẽ chấm dứt và tiếp tục cuộc thanh tra khi có 1 trong 02 trường hợp sau:
- Sự kiện bất khả kháng đã chấm dứt;
- Hết thời hạn 30 ngày tạm dừng theo yêu cầu của đối tượng thanh tra.
Trường hợp nào thì đình chỉ cuộc thanh tra hành chính?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật Thanh tra 2022, các trường hợp người ra quyết định thanh tra ra quyết định đình chỉ cuộc thanh tra bao gồm:
- Đối tượng thanh tra là cá nhân đã chết; cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền và nghĩa vụ;
- Nội dung thanh tra đã được cơ quan thanh tra cấp trên kết luận;
- Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về cùng nội dung thanh tra;
- Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có văn bản yêu cầu đình chỉ cuộc thanh tra;
- Thuộc trường hợp chồng chéo, trùng lặp đã được xử lý theo quy định tại Điều 55 Luật Thanh tra 2022.
Hành vi nào sẽ bị nghiêm cấm trong suốt hoạt động thanh tra?
Căn cứ vào nội dung tại Điều 8 Luật Thanh tra 2022, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra được xác định như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra.
2. Thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt.
3. Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
4. Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra.
5. Tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai.
6. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra.
7. Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.
8. Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.
9. Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.
Như vậy, Luật Thanh tra 2022 quy định có 09 hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện hoạt động thanh tra. Nếu vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị nghiêm cấm sẽ phải chịu các hình thức xử lý nhất định.
Luật Thanh tra 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vì sao thả cá chép cúng ông công ông táo? Khi thả cá chép thả cả túi ni lông có bị phạt hay không?
- Thuế suất chuyển nhượng bất động sản? Các trường hợp áp dụng thuế suất thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản?
- Bài tập Tết môn Tiếng Việt lớp 2 năm 2025? Tải trọn bộ bài tập Tết môn Tiếng Việt lớp 2 năm 2025?
- Cách tổ chức lễ mừng thọ người cao tuổi Xuân Ất Tỵ? Hướng dẫn tổ chức lễ mừng thọ người cao tuổi theo Thông tư 06?
- Bài phát biểu trong lễ mừng thọ của con cháu? Hướng dẫn Trang trí lễ mừng thọ theo Thông tư 06?