Tài sản thế chấp của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh xử lý như thế nào trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho khoản vay mà Chính phủ bảo lãnh?
- Tài sản thế chấp cho khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh được quy định như thế nào?
- Tài sản thế chấp của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh được quản lý như thế nào?
- Xử lý tài sản thế chấp của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh như thế nào trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả nợ?
Tài sản thế chấp cho khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh được quy định như thế nào?
Theo Điều 30 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về tài sản thế chấp của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh như sau:
- Doanh nghiệp là đối tượng được bảo lãnh hoặc cá nhân, tổ chức có liên quan đến dự án đầu tư vay vốn được Chính phủ bảo lãnh thực hiện thế chấp tài sản cho cơ quan cấp bảo lãnh chính phủ (Bộ Tài chính) theo quy định của pháp luật.
- Tài sản thế chấp để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của đối tượng được bảo lãnh đối với Bộ Tài chính là tài sản hình thành từ vốn vay, vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tài sản khác từ nguồn vốn chủ sở hữu, vốn hợp pháp khác của đối tượng được bảo lãnh hoặc tài sản của tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh.
- Giá trị tài sản thế chấp tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, được xác định như sau:
+ Đối với quyền sử dụng đất: được xác định theo quy định tại bảng khung giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có tài sản, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan;
+ Đối với các tài sản khác đã hình thành từ khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tài sản khác thuộc sở hữu của đối tượng được bảo lãnh, của tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh: được xác định theo giá trị sổ sách phù hợp với quy định của pháp luật, do một công ty kiểm toán độc lập xác nhận và được sự chấp thuận của bên nhận thế chấp (Bộ Tài chính);
+ Đối với tài sản hình thành trong tương lai từ khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh: bằng giá thỏa thuận trong các hợp đồng thương mại đã ký được tài trợ từ khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; khi quyết toán dự án bằng chi phí thực tế phải trả để hình thành tài sản theo hóa đơn chứng từ liên quan được phê duyệt.
- Tài sản thế chấp phải được Đối tượng được bảo lãnh quản lý, sử dụng đúng mục đích. Không được dùng tài sản đã thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định này.
- Tài sản thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho trừ trường hợp được sự đồng ý của Bộ Tài chính. Giá trị tài sản thế chấp được đánh giá lại theo quy định của pháp luật. Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm thế chấp tài sản khác để bảo đảm cho dư nợ còn lại của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều này trước khi thực hiện giải chấp tài sản đã thế chấp ban đầu.
- Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp trong suốt thời gian thực hiện nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh.
- Chính phủ quyết định việc thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong trường hợp không thể thực hiện được theo quy định của pháp luật, hoặc khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, hoặc khi tài sản thế chấp trở thành tài sản của Nhà nước trước khi khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hết hiệu lực hoặc việc bảo lãnh được thực hiện theo chỉ định của cấp có thẩm quyền.
Tài sản thế chấp của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh
Tài sản thế chấp của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh được quản lý như thế nào?
Việc quản lý đối với tài sản thế chấp của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định 91/2018/NĐ-CP như sau:
- Hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh được ký kết giữa đối tượng được bảo lãnh và Bộ Tài chính hoặc tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền trước khi Bộ Tài chính phát hành Thư bảo lãnh:
+ Bộ Tài chính hoặc tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền và đối tượng được bảo lãnh ký kết một hoặc nhiều Hợp đồng thế chấp tài sản và Phụ lục Hợp đồng theo tính chất của từng loại tài sản thế chấp để đảm bảo việc đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;
+ Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết giữa Bộ Tài chính hoặc tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền và đối tượng được bảo lãnh căn cứ vào xác nhận của công ty kiểm toán độc lập nếu có tài sản phát sinh mới hoặc thay thế trong năm, được hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 của năm liền kề năm phát sinh.
- Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm:
+ Thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm đối với Hợp đồng thế chấp tài sản đã ký theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và đầy đủ của hồ sơ có liên quan đến việc đăng ký biện pháp bảo đảm;
+ Chịu mọi chi phí phát sinh trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm.
- Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm đăng ký biện pháp bảo đảm trước khi Bộ Tài chính phát hành Thư bảo lãnh:
+ Trong vòng 30 ngày sau khi Hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết và công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, đối tượng được bảo lãnh thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm;
+ Trong vòng 10 ngày sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm do cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm cấp, Đối tượng được bảo lãnh nộp lại cho Bộ Tài chính hoặc tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền Giấy chứng nhận kèm theo danh sách toàn bộ tài sản thế chấp và các hồ sơ gốc có liên quan theo yêu cầu cho Bộ Tài chính hoặc tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền;
+ Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản trong năm có phát sinh mới đối với tài sản thế chấp hình thành trong tương lai được ký kết và công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, căn cứ vào xác nhận của công ty kiểm toán độc lập và hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 của năm liền kề năm phát sinh;
+ Đối tượng được bảo lãnh thực hiện việc ký kết Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản và đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm nếu có sai khác so với thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản hình thành trong tương lai trong vòng 30 ngày sau khi hoàn thành quyết toán Dự án.
- Tài sản thế chấp được Bộ Tài chính hoặc tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền theo dõi trên cơ sở:
+ Giấy chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm do cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm cấp, bảng kê mô tả tài sản đăng ký biện pháp bảo đảm;
+ Danh mục và giá trị tài sản thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Đối tượng bảo lãnh được công ty kiểm toán độc lập (thuộc danh sách công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng do Bộ Tài chính công bố hàng năm) xác nhận hàng năm.
- Trường hợp Đối tượng được bảo lãnh có nhu cầu thế chấp một phần tài sản hình thành từ nguồn vốn được Chính phủ bảo lãnh và các nguồn vốn khác, theo tỷ trọng vốn hình thành nên tài sản đó cho bên thứ ba:
+ Chỉ được thế chấp phần giá trị vượt quá dư nợ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ;
+ Có văn bản đề nghị gửi xin ý kiến của Bộ Tài chính trước khi thực hiện, nêu rõ lý do, giá trị tài sản thế chấp cho bên thứ ba và các nội dung khác có liên quan. Bộ Tài chính có văn bản trả lời trong vòng 15 ngày làm việc;
+ Các bên có liên quan tới tài sản đồng thế chấp thực hiện nghiệp vụ đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật.
- Đối tượng được bảo lãnh chỉ được thay thế tài sản đang thế chấp bằng tài sản khác có giá trị tương đương đối với giá trị phải thế chấp theo quy định nếu được Bộ Tài chính hoặc tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền cho phép bằng văn bản.
- Các bên có liên quan tới tài sản thế chấp có trách nhiệm tuân thủ theo các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm.
- Bộ Tài chính hoặc tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền lưu giữ các hồ sơ gốc liên quan tới tài sản thế chấp và đăng ký tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản được sử dụng để thế chấp cho nhiều bên, các bên nhận thế chấp sẽ thỏa thuận bên lưu giữ hồ sơ gốc hoặc giao cho một tổ chức độc lập lưu giữ.
- Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ các chứng từ, hồ sơ gốc khác có liên quan đến tài sản thế chấp theo yêu cầu của Bộ Tài chính hoặc tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền.
- Hợp đồng thế chấp tài sản chỉ hết hiệu lực khi Đối tượng được bảo lãnh đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ với người cho vay theo Thư bảo lãnh và với Bộ Tài chính theo các văn bản đã ký kết liên quan tới Thư bảo lãnh.
Xử lý tài sản thế chấp của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh như thế nào trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả nợ?
Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho khoản vay đã được Chính phủ bảo lãnh thì tài sản thế chấp của doanh nghiệp được xử lý theo quy định tại Điều 32 Nghị định 91/2018/NĐ-CP như sau:
- Trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ mà Bộ Tài chính đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay và đối tượng được bảo lãnh không có khả năng hoàn trả cho Bộ Tài chính thì tài sản thế chấp được xử lý để bảo đảm thu hồi nợ cho Bộ Tài chính.
- Phương thức xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định của hợp đồng thế chấp tài sản và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
- Bộ Tài chính được phép thuê tổ chức độc lập để định giá, kiểm tra, giám sát tài sản thế chấp trong trường hợp phải cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật và xử lý tài sản thế chấp. Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm thanh toán các chi phí này.
- Trường hợp phải xử lý tài sản có nhiều bên nhận thế chấp theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định này, Bộ Tài chính và các bên liên quan thỏa thuận cách thức xử lý tài sản bảo đảm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với phần tài sản thế chấp cho Bộ Tài chính.
- Tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp được thu về cho Quỹ Tích lũy trả nợ làm nguồn trả nợ cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.
Như vậy, doanh nghiệp thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ và đáp ứng các điều kiện theo quy định thì được Chính phủ chấp thuận cấp bảo lãnh đối với khoản vay của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động cấp bảo lãnh này, doanh nghiệp phải thực hiện thế chấp tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Trong trường hợp, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì tài sản thế chấp của doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Những bệnh không đủ điều kiện sức khỏe thi lái xe theo Thông tư 36/2024 áp dụng từ 2025 thế nào?
- Quân nhân khi tiếp xúc với nhân dân mà có hành vi đòi hỏi, yêu sách có thể bị tước danh hiệu quân nhân?
- Ngoài bản đồ địa giới đơn vị hành chính cấp xã, hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp xã còn có gì?
- Lập, chỉnh lý, cập nhật, quản lý, khai thác hồ sơ địa chính như thế nào khi địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai?
- Quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì sẽ được thực hiện như thế nào?