Tài sản riêng của vợ chồng chỉ được dùng để đáp ứng nhu cầu riêng của mình có đúng không? Tài sản riêng của vợ chồng bao gồm những loại tài sản nào?
Trong chế độ tài sản của vợ chồng thì tài sản riêng của vợ chồng bao gồm những loại tài sản nào?
Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về tài sản riêng của vợ chồng như sau:
Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Và theo Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định của pháp luật như sau:
Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật
1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Theo đó, trong chế độ tài sản vợ chồng thì tài sản riêng của vợ chồng bao gồm những loại tài sản sau:
- Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng;
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng sau khi chia tài sản chung của vợ, chồng;
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ;
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Như vậy, trong thời kỳ hôn nhân và trong chế độ tài sản vợ chồng thì vợ, chồng đều có thể có tài sản riêng của mình và nếu là tài sản riêng của vợ, chồng thì sẽ thuộc quyền sở hữu của mỗi người.
Tài sản riêng của vợ chồng chỉ được dùng để đáp ứng nhu cầu riêng của mình có đúng không? (Hình từ internet)
Vợ chồng có quyền gì đối với tài sản riêng của mình?
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoat tài sản riêng như sau:
Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng
1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
Như vậy, vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
Nếu vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
Và trong trường hợp vợ chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
Trong chế độ tài sản của vợ chồng thì tài sản riêng của vợ chồng chỉ được dùng để đáp ứng nhu cầu riêng của mình có đúng không?
Theo quy định tại Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình như sau:
Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
Theo quy định trên thì trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
Do đó, trong chế độ tài sản vợ chồng thì tài sản riêng của vợ chồng không chỉ được dùng để đáp ứng nhu cầu riêng của mình mà trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo số hóa hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Mức tiền hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi là bao nhiêu? Có được hỗ trợ vay vốn tín dụng khi bị thu hồi không?
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?
- Doanh nghiệp mua xe cũ của khách hàng để bán lại có cần sang tên xe từ khách hàng qua công ty không?
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?