Post Clearance Audit là gì? Kiểm tra sau thông quan được pháp luật hải quan quy định như thế nào?
Post Clearance Audit là gì? Kiểm tra sau thông quan được quy định thế nào?
Post Clearance Audit là tên gọi bằng tiếng Anh của kiểm tra sau thông quan, kiểm tra sau thông quan được quy định tại Điều 77 Luật Hải quan 2014, cụ thể như sau:
(1) Kiểm tra sau thông quan là hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan đối với hồ sơ hải quan, sổ kế toán, chứng từ kế toán và các chứng từ khác, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến hàng hóa; kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện sau khi hàng hóa đã được thông quan.
Việc kiểm tra sau thông quan nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, hồ sơ mà người khai hải quan đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan hải quan; đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan và các quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu của người khai hải quan.
(2) Kiểm tra sau thông quan được thực hiện tại trụ sở cơ quan hải quan, trụ sở người khai hải quan.
Trụ sở người khai hải quan bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, cửa hàng, nơi sản xuất, nơi lưu giữ hàng hóa.
(3) Thời hạn kiểm tra sau thông quan là 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Post clearance audit là gì? Kiểm tra sau thông quan được pháp luật hải quan quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Kiểm tra sau thông quan được thực hiện trên cơ sở nào khi không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan?
Căn cứ quy định tại Điều 78 Luật Hải quan 2014 như sau:
Các trường hợp kiểm tra sau thông quan
1. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì việc kiểm tra sau thông quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
3. Kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
Như vậy, trong trường hợp không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thì việc kiểm tra sau thông quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
Trong kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan, công chức hải quan có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Căn cứ quy định tại Điều 81 Luật Hải quan 2014, trong kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan, công chức hải quan có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
(1) Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan:
- Ban hành quyết định kiểm tra, thành lập Đoàn kiểm tra;
- Gia hạn thời gian kiểm tra trong trường hợp cần thiết;
- Ban hành kết luận kiểm tra; xử lý kết quả kiểm tra; quyết định xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của pháp luật;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
(2) Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn kiểm tra:
- Tổ chức, chỉ đạo thành viên đoàn kiểm tra thực hiện đúng nội dung, đối tượng, thời hạn kiểm tra ghi trong quyết định kiểm tra;
- Yêu cầu người khai hải quan cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra, xuất trình hàng hóa để kiểm tra trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện;
- Lập biên bản và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với hành vi không chấp hành, cản trở, trì hoãn thực hiện quyết định kiểm tra của người khai hải quan;
- Tạm giữ, niêm phong tài liệu, tang vật trong trường hợp người khai hải quan có biểu hiện tẩu tán, tiêu hủy tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;
- Lập, ký biên bản kiểm tra;
- Báo cáo kết quả kiểm tra với người ban hành quyết định kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó.
(3) Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn kiểm tra:
- Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn kiểm tra;
- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn kiểm tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo;
- Lập, ký biên bản kiểm tra theo sự phân công của Trưởng đoàn kiểm tra.
Lưu ý: Người khai hải quan trong kiểm tra sau thông quan có nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 82 Luật Hải quan 2014, cụ thể như sau:
(1) Thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 18 Luật Hải quan 2014.
(2) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác hồ sơ, chứng từ theo yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ, chứng từ đó.
(3) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra, thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(4) Nhận bản kết luận kiểm tra và yêu cầu giải thích nội dung bản kết luận kiểm tra; bảo lưu ý kiến trong bản kết luận kiểm tra.
(5) Yêu cầu Trưởng đoàn kiểm tra xuất trình quyết định kiểm tra, giấy chứng minh hải quan trong trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan.
(6) Chấp hành yêu cầu kiểm tra sau thông quan, cử người có thẩm quyền làm việc với cơ quan hải quan.
(7). Giải trình những vấn đề liên quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan.
(8) Ký biên bản kiểm tra.
(9) Chấp hành quyết định xử lý của cơ quan hải quan và các cơ quan có thẩm quyền.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?