Phụ nữ có thai mắc COVID-19 có triệu chứng nào thì cần đến ngay cơ sở y tế? Cần theo dõi sức khỏe sức khỏe như thế nào?
Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với phụ nữ mang thai
Tại tiểu mục 1 Mục III Hướng dẫn chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định 775/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn về cách hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với phụ nữ mang thai cụ thể như sau:
*Theo dõi tình trạng sức khỏe
- Đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày;
- Các dấu hiệu của thai kỳ: cử động thai; các dấu hiệu bất thường về sản khoa.
- Thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu bất thường tại Mục 5.1.3 của “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19” hoặc có một trong bất cứ dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa như đã nêu tại Mục 1, Phần II của Hướng dẫn này.
*Quản lý thai, chăm sóc thai nghén
- Duy trì khám thai định kỳ theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, khám thai vào bất kỳ thời điểm nào nếu phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc khi có chỉ định của nhân viên y tế;
- Nếu thai phụ đến ngày hẹn khám thai và không có các dấu hiệu bất thường về sản khoa, có thể khám thai từ xa hoặc tư vấn thai phụ đợi đến ngày hết cách ly;
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, vận động và tập thể dục, bổ sung vi chất dinh dưỡng, không sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc thụ động, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, chất gây nghiện khác;
- Duy trì bổ sung sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế (tạm dừng khi có các triệu chứng nôn, tiêu chảy).
Đối với phụ nữ có thai mắc COVID-19 thì những trường hợp nào cần phải đến cơ sở y tế?
Tiểu mục 1 Mục 2 Hướng dẫn chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định 775/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn những trường hợp cần phải đến cơ sở y tế đối với phụ nữ có thai mắc COVID-19 là:
+ Đau bụng liên tục và/hoặc tăng dần;
+ Ra máu âm đạo;
+ Ra nước ối;
+ Ngất hoặc co giật;
+ Phù mặt, chân, tay;
+ Đau đầu, nhìn mờ;
+ Không có cử động thai (đối với thai > 20 tuần) hoặc cử động thai yếu hơn bình thường;
+ Hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường khác.
Những loại thuốc nào được sử dụng cho phụ nữ có thai mắc COVID-19?
Tại Mục IV Hướng dẫn chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định 775/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn những loại thuốc được sử dụng cho phụ nữ có thai mắc COVID-19 cụ thể như sau:
- Thuốc hạ sốt: sử dụng khi thân nhiệt > 38,5°C hoặc đau đầu nhiều, chỉ dùng thuốc hạ sốt loại có chứa Paracetamol đơn thuần (liều lượng như hướng dẫn cho người lớn tại Mục 5.2 của “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19”).
Tiểu mục 5.2 Mục 5 Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19 Quyết định 604/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt dành cho người lớn cụ thể như sau:
5.2. Điều trị
a) Thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,50 C hoặc đau đầu nhiều:
- Người lớn: paracetamol, mỗi lần 01 viên 500mg hoặc 10-15 mg/kg, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ. Lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 4g (4000mg)/ngày.
- Thuốc điều trị các triệu chứng khác khi cần thiết:
+ Ho: Dùng các phương pháp dân gian như chanh, mật ong, súc miệng bằng dung dịch Natriclorua 0,9%. Các thuốc có thể dùng như thuốc ho có chứa hoạt chất Dextromethorphan, Guaifenesin... hoặc thuốc ho có nguồn gốc thảo dược. Không dùng các loại thuốc chống chỉ định đối với phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con bú;
+ Ngạt mũi, chảy mũi: xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch Natri Clorua 0,9%;
+ Tiêu chảy: bổ sung Oresol, kẽm (10-20 mg/ngày).
- Tiếp tục sử dụng thuốc theo đơn ngoại trú nếu có bệnh nền hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý: Không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú... khi chưa có chỉ định, kê đơn.
Như vậy, đối với phụ nữ có thai mắc COVID-19 mà có những dấu hiệu như đau bụng liên tục và/hoặc tăng dần; ra máu âm đạo; ra nước ối; ngất hoặc co giật; phù mặt, chân, tay; đau đầu, nhìn mờ; không có cử động thai (đối với thai > 20 tuần) hoặc cử động thai yếu hơn bình thường hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường khác thì cần phải liên lạc hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được đảm bảo an toàn nhất về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Trên đây là một số thông tin về hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với phụ nữ có thai mắc COVID-19 mà chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải bảng tổng hợp chi phí tư vấn đầu tư xây dựng mới nhất? Công thức xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng?
- Tổng hợp cách tra cứu phạt nguội toàn quốc 2025 nhanh chóng? Cách kiểm tra phạt nguội online toàn quốc chi tiết thế nào?
- Bản tự đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh cuối kì 1 năm học 2024 2025? Viết bản tự xếp loại hạnh kiểm học sinh cuối kì 1?
- Quyền hưởng dụng là gì? Có được cho thuê quyền hưởng dụng không? Có được hưởng giá trị hoa lợi, lợi tức khi quyền hưởng dụng chấm dứt không?
- Mẫu biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng nhà ở mới nhất là mẫu nào? Tải về?