Phí giám sát hoạt động chứng khoán đối với sở giao dịch chứng khoán là bao nhiêu theo quy định?
Sở giao dịch chứng khoán có là đối tượng nộp phí và lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán?
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 25/2022/TT-BTC quy định tổ chức thu và đối tượng nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán là các tổ chức, cá nhân có các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán được quy định trong Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 25/2022/TT-BTC.
Cụ thế, các đối tượng như sau:
- Đối tượng nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán:
+ Công ty chứng khoán.
+ Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
+ Công ty đầu tư chứng khoán.
+ Quỹ đầu tư chứng khoán.
+ Chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam.
+ Văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trong nước và nước ngoài.
+ Phòng giao dịch chứng khoán.
+ Công ty thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng
+ Sở GDCK (Sở Giao dịch chứng khoán).
+ Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
+ Ngân hàng thanh toán.
- Tổ chức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán được thực hiện bởi Ủy ban chứng khoán Việt Nam.
Như vậy, Sở giao dịch chứng khoán là đối tượng nộp phí và lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.
Phí quản lý và giám sát hoạt động chứng khoán đối với sở giao dịch chứng khoán là bao nhiêu theo quy định? (Hình từ Internet).
Phí giám sát hoạt động chứng khoán đối với sở giao dịch chứng khoán là bao nhiêu?
Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 25/2022/TT-BTC có quy định về mức thu phí, lệ phí như sau:
Mức thu phí, lệ phí
Mức thu phí quản lý và giám sát hoạt động chứng khoán; lệ phí cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán được quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư này.
Dẫn chiếu đến Mục 2 Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư 25/2022/TT-BTC quy định phí giám sát hoạt động chứng khoán đối với Sở Giao dịch chứng khoán như sau:
- Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm: 0,0081% giá trị giao dịch.
- Đối với trái phiếu doanh nghiệp: 0,00315% giá trị giao dịch.
- Đối với công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công:
+ Giao dịch thông thường, giao dịch mua bán lại (giao dịch repo) trái phiếu Chính phủ kỳ hạn trên 14 ngày: 0,00245% giá trị giao dịch.
+ Giao dịch mua bán lại (giao dịch repo) trái phiếu Chính phủ kỳ hạn đến 14 ngày: 0,00028% giá trị giao dịch.
- Đối với chứng khoán phái sinh: 10% doanh thu giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh.
Giá trị giao dịch được xác định căn cứ trên số liệu công bố trên hệ thống giao dịch của Sở GDCK và giá trị giao dịch chuyển quyền sở hữu chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở GDCK do VSDC chuyển sang cho Sở GDCK theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với giao dịch mua bán lại (giao dịch repo) trái phiếu Chính phủ, giá trị giao dịch chỉ tính một lần theo giá trị giao dịch mua, không tính đối với giao dịch bán lại.
Sở giao dịch chứng khoán nộp phí giám sát hoạt động chứng khoán cho Ủy ban chứng khoán khi nào?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 25/2022/TT-BTC có quy định như sau:
Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí của người nộp
1. Phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán thu bằng đồng Việt Nam.
2. Thu, nộp lệ phí: Người nộp lệ phí phải nộp toàn bộ số tiền lệ phí khi được cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
3. Thu, nộp phí giám sát hoạt động chứng khoán: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Sở GDCK), Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi tắt là VSDC), ngân hàng thanh toán nộp phí giám sát cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hàng quý, thời gian nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo.
4. Thu, nộp phí quản lý công ty đại chúng chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch một lần khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.
5. Thu, nộp phí quản lý đối với quỹ mở
a) Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ mở, công ty quản lý quỹ phải nộp phí quản lý như sau:
- Trường hợp được cấp giấy chứng nhận từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 06 hàng năm, mức phí phải nộp là 10 triệu đồng/quỹ.
- Trường hợp được cấp giấy chứng nhận từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm, mức phí phải nộp là 5 triệu đồng/quỹ.
b) Các năm tiếp theo, công ty quản lý quỹ phải nộp phí là 10 triệu đồng/quỹ, thời gian nộp từ ngày 01 tháng 12 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Như vậy, theo quy định nêu trên, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Sở GDCK) sẽ phải nộp phí giám sát cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hàng quý, thời gian nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lớp cảm tình Đảng là gì? Điều kiện để học lớp cảm tình Đảng? Những nội dung cần nắm khi học lớp cảm tình Đảng?
- Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân có quyền ký giấy chuyển viện hay không? Điều kiện được chuyển viện cho bệnh nhân là gì?
- Xử lý tang vật tạm giữ liên quan đến hành vi trốn thuế như thế nào theo quy định của pháp luật?
- Mẫu bài phát biểu tổng kết chi bộ 2024? Bài phát biểu tổng kết chi bộ 2024 thế nào? Chi bộ Đảng có nhiệm vụ gì?
- Báo cáo tình hình sử dụng lao động cuối năm nộp trực tiếp như thế nào? Khi nào phải nộp báo cáo trực tiếp?