Phát hiện sự cố tràn dầu mà không báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Phát hiện sự cố tràn dầu mà không báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt người phát hiện sự cố tràn dầu mà không báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền không?
- Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu là gì?
Phát hiện sự cố tràn dầu mà không báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ điểm a khoản 1, điểm a khoản 13 Điều 39 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu như sau:
Vi phạm các quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sau:
a) Để xảy ra sự cố tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu mà không báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu theo quy định;
b) Không cập nhật, bổ sung kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định;
c) Không thông báo kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan để phối hợp triển khai.
...
13. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm để xảy ra tràn dầu hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm, buộc phải bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu gây ra theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại các khoản 8, 9 và 11 Điều này.
Theo quy định trên, người phát hiện sự cố tràn dầu mà không báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đồng thời người này còn bị buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm để xảy ra tràn dầu hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành.
Sự cố tràn dầu (Hình từ Internet)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt người phát hiện sự cố tràn dầu mà không báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền không?
Theo khoản 2 Điều 56 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
...
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với mức phạt tiền tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân.
Do người phát hiện sự cố tràn dầu mà không báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 10.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt người này.
Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu là gì?
Theo quy định tại Điều 39 Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định 12/2021/QĐ-TTg năm 2021 về Bộ Tài nguyên và Môi trường như sau:
Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, quy định hướng dẫn việc sử dụng chất phân tán dầu tràn và ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam.
2. Chủ trì hướng dẫn các các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật bản đồ nhạy cảm môi trường theo địa bàn quản lý và định kỳ cập nhật hệ thống bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực ven biển và các hải đảo của Việt Nam để phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu.
3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.
4. Hướng dẫn các địa phương điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường, xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường do dầu tràn; chỉ đạo việc phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
5. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan truy tìm, xác minh nguyên nhân tràn dầu chưa rõ nguồn gốc xảy ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; hướng dẫn các địa phương xác minh nguyên nhân tràn dầu chưa rõ nguồn gốc xảy ra tại địa bàn.
Như vậy, trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có những trách nhiệm được quy định tại Điều 39 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phòng kinh doanh là gì? Tải sơ đồ quy trình làm việc phòng kinh doanh? Thu nhập chịu thuế TNDN?
- Hội là gì? Khi thành lập hội cần phải đáp ứng những điều kiện nào? Hồ sơ đề nghị thành lập hội gồm những gì?
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn mà không cần báo trước trong trường hợp nào?
- Hợp đồng trọn gói là gì? Gói thầu nào phải áp dụng loại hợp đồng trọn gói? Khi nào áp dụng hợp đồng trọn gói?
- Căn cứ thay đổi Trưởng đoàn thanh tra? Trưởng đoàn thanh tra bị thay đổi khi có vợ hoặc chồng là đối tượng thanh tra đúng không?