Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 12/2021/QĐ-TTg Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

Số hiệu: 12/2021/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trịnh Đình Dũng
Ngày ban hành: 24/03/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2021/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Tờ trình số 665/TTr-BQP ngày 12 tháng 3 năm 2021;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 5 năm 2021, thay thế Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN;
- BCĐ Trung ương phòng, chống thiên tai;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐTCP, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (3)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU
(Kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nội dung và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động chuẩn bị, tổ chức ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự cố tràn dầu và thực hiện hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dầu bao gồm:

a) Dầu thô là dầu từ các mỏ khai thác chưa qua chế biến, là hydrocarbon ở thể lỏng trong trạng thái tự nhiên, asphalt, ozokerite và hydrocarbon lỏng thu được từ khí thiên nhiên bằng phương pháp ngưng tụ hoặc chiết xuất;

b) Dầu thành phẩm là các loại dầu mỏ đã qua chế biến như xăng, dầu hỏa, diesel, nhiên liệu hàng không, nhiên liệu làm chất đốt, các loại dầu, mỡ bôi trơn, bảo quản và các sản phẩm để chế biến xăng dầu, mỡ.

2. Sự cố tràn dầu là hiện tượng dầu từ các phương tiện chứa, vận chuyển khác nhau, từ các công trình và các mỏ dầu thoát ra ngoài môi trường tự nhiên do sự cố kỹ thuật, thiên tai hoặc do con người gây ra.

3. Sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng là sự cố tràn dầu xảy ra với khối lượng lớn dầu tràn ra trên diện rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, môi trường và đời sống, sức khoẻ của Nhân dân.

4. Ứng phó sự cố tràn dầu là các hoạt động sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư nhằm xử lý kịp thời, loại trừ hoặc hạn chế tối đa nguồn dầu tràn ra môi trường.

5. Khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu là các hoạt động nhằm làm sạch đất, nước, hệ sinh thái khu vực bị nhiễm dầu và các biện pháp hạn chế thiệt hại, phục hồi môi sinh, môi trường sau sự cố tràn dầu.

6. Hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu là tất cả các hoạt động từ việc chuẩn bị, ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

7. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu là dự kiến các nguy cơ, tình huống sự cố có khả năng xảy ra tràn dầu cùng các phương án ứng phó trong tình huống dự kiến đó, các chương trình huấn luyện, diễn tập để đảm bảo sự sẵn sàng các nguồn lực kịp thời ứng phó khi sự cố tràn dầu xảy ra trên thực tế.

8. Hiện trường ứng phó sự cố tràn dầu là khu vực triển khai các hoạt động ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

9. Chỉ huy hiện trường là người được phân công hoặc được chỉ định trực tiếp chỉ huy mọi hoạt động ứng phó tại nơi xảy ra sự cố tràn dầu. Quyền hạn và trách nhiệm của chỉ huy hiện trường được quy định cụ thể trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của từng cơ sở, địa phương, đơn vị.

10. Cơ sở là các cơ quan, đơn vị, cá nhân có hoạt động về khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng xăng, dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu.

11. Chủ cơ sở là người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ về pháp lý đối với các hoạt động của cơ sở.

12. Cơ quan chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu là cơ quan tổ chức các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

13. Đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu (đơn vị ứng phó) là các tổ chức có trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu và nhân lực được huấn luyện, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ để tiến hành hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

14. Dự án là dự án đầu tư xây dựng công trình, cơ sở, cảng có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.

15. Khu vực ưu tiên bảo vệ là khu vực có độ nhạy cảm cao về môi trường hoặc kinh tế xã hội, cần ưu tiên bảo vệ khi xảy ra sự cố tràn dầu như rừng ngập mặn, dải san hô, khu bảo tồn sinh thái, khu dự trữ sinh quyển, điểm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, khu di tích lịch sử đã được xếp hạng, khu du lịch, khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung.

16. Khu vực hạn chế hoạt động là khu vực được xác lập bởi các tọa độ trên hải đồ trên biển hoặc bằng các ranh giới, địa giới cụ thể trên bờ, ven biển để cảnh báo, hạn chế sự đi lại trong khu vực để bảo đảm an toàn khi tiến hành cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu.

17. Bên gây ra ô nhiễm tràn dầu là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào gây ra tràn dầu làm ô nhiễm môi trường.

18. Đầu mối liên lạc quốc gia về sự cố tràn dầu (viết tắt là Đầu mối liên lạc quốc gia) là Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn là cơ quan thường trực) chịu trách nhiệm nhận, chuyển phát và xử lý các báo cáo khẩn cấp về các sự cố liên quan đến xăng, dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.

19. DWT là trọng tải của tàu, sức chở lớn nhất được phép của tàu được tính bằng tấn.

20. GT là tổng dung tích, là số đo dung tích của toàn bộ các không gian kín ở trên tàu bao gồm cả thể tích của ống khói.

Điều 4. Nguyên tắc trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

1. Tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, các phương án hợp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu.

2. Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin sự cố tràn dầu kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.

3. Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.

4. Chủ động ứng phó gần nguồn dầu tràn để ngăn chặn, hạn chế dầu tràn ra môi trường. Giám sát chặt chẽ nguy cơ lan tỏa dầu tràn vào đường bờ để xác định thứ tự ưu tiên và tiến hành các biện pháp bảo vệ các khu vực ưu tiên bảo vệ.

5. Đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ trong ứng phó.

6. Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.

7. Bên gây ra ô nhiễm tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tràn dầu gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Phân cấp ứng phó sự cố tràn dầu

Căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp sau đây:

1. Cấp cơ sở

a) Sự cố tràn dầu xảy ra ở cơ sở: Chủ cơ sở tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời. Chủ cơ sở xảy ra sự cố tràn dầu chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường;

b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, nguồn lực tại chỗ không đủ tự ứng phó, cơ sở phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) trợ giúp;

c) Trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng hoặc sự cố tràn dầu xảy ra trong khu vực ưu tiên bảo vệ, Thủ trưởng các cơ quan đang giữ trách nhiệm là chỉ huy hiện trường báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo, kịp thời ứng phó.

2. Cấp khu vực

a) Sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố tràn dầu xảy ra chưa rõ nguyên nhân của các địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì và chỉ định người chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch của địa phương, đồng thời được phép huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các bộ, ngành trên địa bàn, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để ứng phó;

b) Đầu mối chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu là Ban Chỉ huy Phòng chống, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

3. Cấp Quốc gia

a) Trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó;

b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế;

Trong quá trình tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu ở các cấp nêu trên, cơ quan chủ trì hoặc chỉ huy hiện trường chủ động xử lý, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố, đề xuất các kiến nghị cần thiết đến cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Điều 6. Phân loại mức độ sự cố tràn dầu

1. Sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức từ nhỏ, trung bình đến lớn. Cụ thể:

a) Sự cố tràn dầu nhỏ (mức nhỏ) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 m3 (tấn);

b) Sự cố tràn dầu trung bình (mức trung bình) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 m3 (tấn) đến 500 m3 (tấn);

c) Sự cố tràn dầu lớn (mức lớn) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn lớn hơn 500 m3 (tấn).

2. Việc phân loại mức độ sự cố tràn dầu để xây dựng kế hoạch ứng phó và xác định mức độ đầu tư trang thiết bị, nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó kịp thời đối với các cấp độ ứng phó khác nhau.

Chương II

CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 7. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp

1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện kế hoạch; hướng dẫn địa phương, cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quy chế này).

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương, được cập nhập định kỳ hàng năm và trình phê duyệt lại 5 năm một lần.

3. Các cảng, cơ sở, dự án tại địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Khi có sự thay đổi các điều kiện dẫn đến thay đổi nội dung kế hoạch thì phải cập nhật bổ sung và cập nhật định kỳ hằng năm; khi có những thay đổi lớn làm tăng quy mô sức chứa vượt quá khả năng ứng phó so với phương án trong kế hoạch thì phải lập lại kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, báo cáo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thẩm định, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt và thông báo đến Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra sự cố tại cơ sở, dự án.

5. Đối với các Tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ từ 50.000 m3 trở lên, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lớn hơn hoặc bằng 50.000 DWT xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định (Đối với các kho xăng dầu gắn liền với cảng xăng dầu thì xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu chung cho kho, cảng) báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt.

6. Đối với các cảng tại địa phương, các Tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ dưới 50.000 m3, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng dưới 50.000 DWT xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định (Đối với các kho xăng dầu gắn liền với cảng xăng dầu thì xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu chung cho kho, cảng) trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

7. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền, trên sông, trên biển xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hoặc cơ quan chủ quản thẩm định, phê duyệt theo quy định (đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu không thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý). Kế hoạch được thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để phối hợp thực hiện.

8. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực xây dựng kế hoạch, phương án huy động phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực được phân công, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt.

9. Các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên, các tàu khác không phải tàu chở dầu có tổng dung tích từ 400 GT trở lên, có kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên tham gia vào việc chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển có kế hoạch chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Điều 8. Thời gian thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu;

b) Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo mẫu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.

3. Thời gian thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

a) Đối với kế hoạch do Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt, trong thời hạn 30 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu;

b) Đối với kế hoạch do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, trong thời hạn 20 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu;

c) Đối với kế hoạch do Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trong thời hạn 15 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

4. Các kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định từ khoản 1 đến khoản 8 của Điều 7 Quyết định này sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thông báo cho các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan để phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quy định trong kế hoạch.

Điều 9. Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu các cấp

1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thiết lập chương trình và tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập để nâng cao hiệu quả phối hợp ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu cấp quốc gia tại Việt Nam.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu chuyên ngành cho cấp khu vực và quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì xây dựng và tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện, diễn tập để nâng cao hiệu quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại địa phương.

4. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu bảo đảm cho cán bộ, nhân viên được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng khả năng sẵn sàng triển khai các hoạt động ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố. Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực thực hiện tập huấn, diễn tập theo kế hoạch đã được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt.

5. Cơ sở, cảng đầu tư hoặc hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm, huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu dưới 20 tấn phải triển khai quây chặn dầu trong vòng 02 giờ; trên 20 tấn đến dưới 500 tấn triển khai quây chặn dầu trong vòng 24 giờ; từ 500 tấn trở lên triển khai tiếp cận hiện trường trong vòng 48 giờ. sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 10. Bảo đảm tài chính để bồi thường thiệt hại đối với ô nhiễm dầu

1. Chủ các tàu biển Việt Nam và tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài vận chuyển trên 2.000 tấn dạng thô phải có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu theo quy định của Công ước CLC 1992.

2. Chủ các tàu biển Việt Nam có tổng dung tích trên 1.000 GT hoạt động tuyến quốc tế có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu theo quy định của Công ước Bunker 2001.

Điều 11. Tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp

1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu và kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền phê duyệt.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, dự án thuộc địa bàn quản lý.

3. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi thuộc thẩm quyền.

4. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt và phối hợp các cơ quan có thẩm quyền của địa phương kiểm tra thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở tại địa phương trong khu vực.

5. Cơ sở thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt.

6. Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa, cơ quan quản lý đường thủy nội địa chủ trì kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng và các tàu hoạt động trong vùng nước cảng biển, đường thủy nội địa do cảng vụ quản lý.

7. Tàu thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt.

Điều 12. Tổ chức giám sát sự cố tràn dầu

1. Việc giám sát phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu và tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu được thực hiện thông qua các hoạt động: giám sát trực tiếp tại tàu, cảng, cơ sở; giám sát của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đất liền, sông, biển và bằng máy bay; giám sát thông qua hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống ra đa quan trắc môi trường biển và hệ thống viễn thám; tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu do các tổ chức, cá nhân cung cấp.

2. Tất cả các cảng, cơ sở đang triển khai thực hiện phải tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ tràn dầu cao trong địa bàn hoạt động của mình để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

3. Tàu dầu tiến hành chuyển tải, sang mạn tàu khác trên vùng biển Việt Nam phải thông báo ít nhất trước 48 giờ kế hoạch chuyển tải, sang mạn cho Đầu mối liên lạc quốc gia hoặc Cảng vụ gần nhất về thời gian, vị trí và khối lượng dầu sẽ tiến hành chuyển tải, sang mạn theo quy định để các cơ quan có thẩm quyền giám sát và có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố tràn dầu. Chỉ được phép thực hiện việc chuyển tải, sang mạn khi được sự đồng ý của Đầu mối liên lạc quốc gia hoặc Cảng vụ.

Chương III

TỔ CHỨC ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Mục 1. PHỐI HỢP VỀ THÔNG TIN TRONG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 13. Đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu

1. Các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời đến một trong các cơ quan sau đây:

a) Đầu mối liên lạc quốc gia về sự cố tràn dầu trên biển;

b) Cảng vụ gần nhất;

c) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực;

d) Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực (trong trường hợp yêu cầu cứu hộ, cứu nạn trên biển);

đ) Các đài thông tin duyên hải Việt Nam để chuyển tiếp thông tin về cơ quan chủ trì ứng phó hoặc cơ quan cứu hộ, cứu nạn;

e) Sở Tài nguyên và Môi trường;

g) Chính quyền địa phương nơi gần nhất;

h) Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan.

2. Máy bay phát hiện vết dầu trên biển thông báo về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn để chuyển tiếp thông tin về cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Ngoài các đầu mối trên, khi để xảy ra tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có thể thông tin đến các đơn vị Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy để xử lý hoặc chuyển tiếp thông tin về cơ quan chủ trì ứng phó.

4. Xử lý thông tin, báo cáo về sự cố tràn dầu.

Khi nhận được thông tin, báo cáo về sự cố tràn dầu, cơ quan chủ trì ứng phó phải:

a) Đánh giá tính xác thực của thông tin về sự cố;

b) Sơ bộ đánh giá tính chất, phạm vi, mức độ và hậu quả có thể của sự cố tràn dầu;

c) Triển khai phương án, biện pháp ứng phó khẩn cấp với tình huống;

d) Thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan về biện pháp, kế hoạch phối hợp ứng phó khẩn cấp và ký kết hoặc quyết định các hoạt động triển khai ứng phó;

đ) Thông báo cho các cơ quan, đơn vị và người dân trong vùng, khu vực bị ảnh hưởng hoặc có khả năng bị ảnh hưởng về sự cố tràn dầu để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả;

e) Báo cáo các cấp có thẩm quyền về tình hình xử lý thông tin và các biện pháp triển khai phối hợp ứng phó cụ thể và các đề xuất, kiến nghị.

Điều 14. Công tác báo cáo trong ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu

1. Trong quá trình ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương phải thường xuyên báo cáo theo phân cấp quy định.

2. Báo cáo sự cố tràn dầu duy trì liên tục từ lúc phát hiện dầu tràn đến khi kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, bao gồm:

a) Báo cáo ban đầu sự cố tràn dầu: thực hiện khi phát hiện về sự cố tràn dầu;

b) Các báo cáo sự cố tràn dầu tiếp theo: thực hiện định kỳ hàng ngày trong quá trình ứng phó sự cố tràn dầu;

c) Báo cáo kết thúc sự cố tràn dầu: thực hiện khi kết thúc các hoạt động ứng phó;

d) Báo cáo tổng hợp sự cố tràn dầu: thực hiện để tổng hợp tình hình ứng phó sự cố tràn dầu từ lúc phát hiện dầu tràn đến khi kết thúc các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

3. Nội dung báo cáo gồm:

a) Thời gian xảy ra hoặc phát hiện sự cố;

b) Vị trí sự cố, tọa độ (nếu có);

c) Loại dầu;

d) Ước tính khối lượng và tốc độ dầu tràn;

đ) Điều kiện thời tiết (sóng, gió, dòng chảy...);

e) Công tác chuẩn bị ứng phó và dự kiến phương án triển khai;

g) Các yêu cầu, đề nghị trợ giúp, cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu.

Mục 2. ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CẤP CƠ SỞ

Điều 15. Ứng phó sự cố tràn dầu do tàu gây ra trên biển

1. Trong trường hợp do tai nạn, sự cố của tàu gây ra tràn dầu liên quan đến các hoạt động cứu hộ, cứu nạn người, tàu gặp nạn và ứng phó sự cố tràn dầu. Việc tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu, cứu hộ, cứu nạn theo các tình huống sau:

a) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực hoặc các đơn vị cứu hộ, cứu nạn hàng hải thực hiện hợp đồng dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu theo đề nghị của thuyền trưởng, chủ tàu hoặc người đại diện, đại lý của chủ tàu;

b) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phối hợp với Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực để tiến hành đồng thời các hoạt động cứu hộ, cứu nạn người và tàu gặp nạn;

c) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực hoặc các đơn vị cứu hộ, cứu nạn hàng hải có trách nhiệm phối hợp khi được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh huy động tham gia ứng phó.

2. Trong trường hợp chỉ có các đơn vị cứu hộ, cứu nạn hàng hải tham gia ứng phó ngoài khơi thì đơn vị nào có năng lực và kinh nghiệm ứng phó hơn sẽ được cơ quan có thẩm quyền chỉ định làm chỉ huy hiện trường. Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực làm chỉ huy hiện trường trong trường hợp được điều động tham gia ứng phó.

3. Cảng vụ hàng hải khẩn trương điều động tàu, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.

4. Trường hợp sự cố tràn dầu do nhiều tàu gây ra, các tàu phối hợp với nhau cùng khắc phục hậu quả và phải chấp hành sự chỉ đạo của cảng vụ và chỉ huy hiện trường.

5. Trường hợp dầu tràn có nguy cơ lan vào bờ, chỉ huy hiện trường báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ven biển có khả năng bị ảnh hưởng biết để tổ chức giám sát và chuẩn bị ứng phó.

6. Trường hợp dầu tràn trên diện rộng và khó có khả năng bao quát toàn bộ hiện trường, chỉ huy hiện trường và cơ quan chủ trì ứng phó phải kịp thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để huy động hỗ trợ giám sát dầu tràn thông qua các hình thức khác như giám sát bằng ra đa, bằng công nghệ viễn thám hoặc giám sát bằng máy bay, phát thông báo hàng hải đề nghị cung cấp thông tin.

7. Cảng vụ và các cơ quan liên quan để tàu tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu một cách nhanh chóng khi có lệnh điều động của các cơ quan có thẩm quyền hoặc có yêu cầu cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu.

8. Có thể tiến hành tạm giữ dầu thu gom để tái sử dụng và bắt giữ tàu gây tràn dầu bảo đảm bồi thường

9. Việc yêu cầu chủ tàu và bảo hiểm của chủ tàu gây ô nhiễm khẩn trương tổ chức bảo đảm bồi thường theo mức giới hạn trách nhiệm dân sự theo quy định.

10. Chỉ huy hiện trường và cơ quan, đơn vị chủ trì ứng phó thực hiện các quy định thông tin, báo cáo về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo và hỗ trợ khi cần thiết.

Điều 16. Ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở, dự án

1. Cơ sở xây dựng kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do cơ sở gây ra.

2. Trong trường hợp tiềm lực và khả năng bị hạn chế, cơ sở hợp đồng với các đơn vị có khả năng ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực hoặc với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để hỗ trợ ứng phó khi sự cố tràn dầu xảy ra.

3. Cơ sở thực hiện đầy đủ các yêu cầu, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có thẩm quyền nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu thiệt hại do ô nhiễm dầu gây ra một cách nhanh nhất.

4. Trường hợp xét thấy cơ sở ứng phó không hiệu quả hoặc sự cố tràn dầu có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp hoặc chỉ định chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó.

5. Khi xảy ra sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, cơ sở báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và triển khai phương án ứng phó theo kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chủ trì và chỉ định chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó.

Điều 17. Ứng phó sự cố tràn dầu tại khu vực cảng

1. Các cảng xây dựng, triển khai ngay kế hoạch khẩn cấp ứng phó để huy động nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu.

2. Trong trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng của cảng, phải hợp đồng với các cơ sở có khả năng ứng phó hoặc với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để tham gia ứng phó sự cố.

3. Cảng vụ phối hợp các cơ quan liên quan tại địa phương tiến hành giám sát, đánh giá tình hình hiệu quả việc khắc phục sự cố tràn dầu.

4. Trường hợp xét thấy cảng ứng phó không hiệu quả hoặc sự cố tràn dầu có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng hơn, Cảng vụ kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trực tiếp chỉ đạo ứng phó.

5. Cảng vụ có thể tạm giữ, bảo quản dầu do thu gom để tái sử dụng hoặc để đảm bảo bồi thường chi phí thiệt hại do dầu tràn gây ra. Việc bàn giao số dầu thu gom căn cứ vào số tiền được bồi thường hoặc cam kết bồi thường đó thống nhất với chủ tàu.

6. Trường hợp chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu không có khả năng bảo đảm bồi thường, Giám đốc Cảng vụ, các cơ quan có thẩm quyền hoặc lực lượng ứng phó làm thủ tục lên Tòa án có thẩm quyền quyết định để yêu cầu bắt giữ tàu nhằm đảm bảo bồi thường chi phí ứng phó, thiệt hại và tổn thất do sự cố tràn dầu gây ra.

7. Việc ứng phó sự cố tràn dầu tại khu vực cảng quân sự, cảng thủy nội địa cũng áp dụng đối với các quy định tại Điều này.

8. Đối với các tàu quân sự, tàu công vụ gây ra sự cố tràn dầu không áp dụng quy định tại khoản 5 và khoản 6 của Điều này.

Mục 3. ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CẤP KHU VỰC

Điều 18. Ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì hoặc chỉ định chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch khẩn cấp ứng phó của tỉnh.

2. Căn cứ tình hình diễn biến của sự cố tràn dầu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định chỉ huy hiện trường, huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các bộ, ngành trên địa bàn để ứng phó.

3. Trường hợp tràn dầu xảy ra trên địa bàn của tỉnh có nguy cơ hoặc lan sang địa bàn của tỉnh khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu chủ động thông báo cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng để phối hợp ứng phó, đồng thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chuẩn bị phương án hỗ trợ khi cần thiết.

Điều 19. Nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương

1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu theo kế hoạch khẩn cấp ứng phó của tỉnh để huy động lực lượng, phương tiện của địa phương và của các bộ, ngành trên địa bàn.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, hướng dẫn các hoạt động bảo vệ môi trường trong khắc phục và làm sạch đường bờ, quản lý chất thải sau thu gom; các phương án bảo vệ vùng nhạy cảm; điều tra, đánh giá thiệt hại về môi trường và xây dựng các chương trình phục hồi môi trường sau tràn dầu; phối hợp với các cơ quan liên quan xác định nguyên nhân gây ra sự cố tràn dầu.

3. Cảng vụ tham mưu về bảo đảm an toàn hàng hải và giao thông đường thủy trong quá trình huy động tàu, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực.

4. Các sở, ban, ngành liên quan của địa phương và các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, Cảnh sát Giao thông đường thuỷ, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đóng quân trên địa bàn tham mưu điều động lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.

5. Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu khác tham gia vào kế hoạch khẩn cấp ứng phó của tỉnh có trách nhiệm thực hiện các hoạt động phối hợp cứu nạn, cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu khi được huy động.

Mục 4. ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CẤP QUỐC GIA

Điều 20. Ứng phú sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng của cấp khu vực

1. Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cấp khu vực, xảy ra trên diện rộng mang tính liên vùng hoặc sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo các hoạt động ứng phó theo Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu.

2. Ứng phó sự cố tràn dầu trên diện rộng được phân chia theo khu vực ứng phó trên biển và tại các địa phương xảy ra sự cố tràn dầu.

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chủ trì tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương;

b) Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ định một hoặc nhiều chỉ huy hiện trường trên biển để ứng phó theo từng khu vực căn cứ tình hình, diễn biến cụ thể của sự cố tràn dầu;

c) Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 21. Phối hợp quốc tế trong ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam

1. Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu của nước ngoài vào trợ giúp.

2. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì thống nhất với cơ quan liên quan thỏa thuận về yêu cầu hỗ trợ ứng phó.

3. Việc phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam thực hiện theo thỏa thuận về yêu cầu hỗ trợ ứng phó được các Bên thống nhất.

4. Việc cấp phép và phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu thực hiện theo quy định cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng hỗ trợ ứng phó của nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 22. Hỗ trợ các quốc gia khác trong ứng phó sự cố tràn dầu

1. Đối với các quốc gia đã ký kết Điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương với Việt Nam về ứng phó sự cố tràn dầu thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế đã ký kết.

2. Đối với các quốc gia khác, căn cứ theo đề nghị hỗ trợ và khả năng đáp ứng của Việt Nam để thống nhất thỏa thuận hỗ trợ với cơ quan đầu mối về ứng phó sự cố tràn dầu của quốc gia đề nghị.

3. Các đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu có trách nhiệm thường xuyên giữ liên lạc, báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về tình hình và cung cấp đầy đủ các tài liệu, hồ sơ phục vụ việc thanh quyết toán.

Mục 5. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC TRONG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 23. Thông báo về khu vực hạn chế hoạt động

1. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu, cơ quan chủ trì ứng phó có thể thiết lập khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu.

2. Việc xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động về khu vực cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo đề nghị của cơ quan chủ trì ứng phó.

Điều 24. Sử dụng các chất phân tán dầu tràn và chế phẩm sinh học trong ứng phó sự cố tràn dầu

1. Chỉ được sử dụng các chất phân tán dầu tràn và chế phẩm sinh học đăng ký và được phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Chỉ được sử dụng chất phân tán dầu tràn trên biển sau khi xét thấy việc áp dụng các biện pháp thu hồi dầu tràn khác là không phù hợp.

3. Cấm dùng chất phân tán trong khu vực thủy nội địa, cửa sông, ven biển có độ sâu nhỏ hơn 20 m hoặc cách bờ dưới 01 hải lý.

4. Sử dụng các chất phân tán dầu tràn và chế phẩm sinh học không được vượt quá mức cho phép và tuân thủ quy trình, hướng dẫn sử dụng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.

Điều 25. Phối hợp sử dụng tàu bay tham gia ứng phó sự cố tràn dầu

1. Chỉ huy hiện trường hoặc cơ quan chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để điều động tàu bay tham gia giám sát hiện trường dầu tràn và rải chất phân tán, chất hấp thụ dầu.

2. Tàu bay tham gia quan trắc, giám sát, rải chất phân tán thông báo kết quả quan trắc, giám sát, rải chất phân tán tại hiện trường về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu để chuyển tiếp về chỉ huy hiện trường hoặc cơ quan chủ trì ứng phó.

3. Các hoạt động sử dụng tàu bay tham gia ứng phó sự cố tràn dầu thực hiện theo Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển và các quy định có liên quan khác.

Điều 26. Phối hợp bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ trong ứng phó sự cố tràn dầu

1. Ứng phó sự cố tràn dầu tuân thủ các quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ.

2. Cơ quan Phòng cháy và chữa cháy tham mưu cho chính quyền địa phương về phòng, chống cháy, nổ trong các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

3. Chỉ huy lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại hiện trường trực tiếp chỉ huy hoạt động phòng, chống cháy nổ trong ứng phó sự cố tràn dầu.

Điều 27. Tạm dừng và kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

1. Quyết định tạm dừng hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu khi xuất hiện tình huống gây mất an toàn, có nguy cơ xảy ra tiếp các tai nạn, sự cố nghiêm trọng hoặc việc ứng phó không đem lại hiệu quả.

2. Quyết định tiến hành giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của sự cố tràn dầu để tiếp tục triển khai khi điều kiện cho phép.

3. Quyết định tiếp tục cho triển khai các hoạt động ứng phó khi loại bỏ được tình huống gây mất an toàn hoặc thấy hoạt động ứng phó đem lại hiệu quả.

4. Quyết định kết thúc các hoạt động ứng phó khi dầu tràn được làm sạch hoặc tiếp tục ứng phó tại hiện trường không đem lại hiệu quả.

5. Căn cứ từng tình huống cụ thể để quyết định việc tạm dừng hoặc tiếp tục triển khai, kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu tại một, nhiều khu vực hay toàn bộ chiến dịch ứng phó.

Chương IV

KHẮC PHỤC VÀ GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Mục 1. ĐIỀU TRA, XÁC ĐỊNH NGUYÊN NHÂN SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 28. Điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn đầu

1. Cơ sở gây ra sự cố tràn dầu thuộc diện quản lý của chuyên ngành nào thì do cơ quan quản lý chuyên ngành đó chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức điều tra.

2. Việc điều tra cơ sở, dự án gây ra sự cố tràn dầu thuộc diện quản lý của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành.

3. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì thông báo cho cơ quan Cảnh sát điều tra để phối hợp điều tra. Trường hợp cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến tai nạn, sự cố gây tràn dầu phải sao hoặc phô tô lại để phục vụ việc điều tra chuyên ngành; việc chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng phải lập biên bản bàn giao theo quy định.

4. Báo cáo tổng hợp về điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu phải gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có liên quan. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể yêu cầu cơ quan chủ trì điều tra cung cấp các tài liệu, báo cáo trong quá trình điều tra.

Điều 29. Điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu đối với một số trường hợp đặc thù

1. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố do các tàu gây ra tràn dầu trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam do Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý địa bàn thực hiện.

2. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố do các tàu gây ra tràn dầu trên đường thuỷ nội địa do cơ quan giao thông đường thủy nội địa phụ trách phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng tiến hành.

3. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố gây ra tràn dầu tại cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, ngành nào thì cơ quan chuyên môn, thanh tra chuyên ngành của bộ, ngành đó chủ trì phối hợp với và các cơ quan liên quan thực hiện.

4. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố gây ra tràn dầu chưa rõ nguyên nhân thuộc trách nhiệm của tỉnh thì Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với và các cơ quan liên quan tại địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện.

5. Đối với trường hợp sự cố tràn dầu chưa rõ nguồn gốc, xuất hiện trên diện rộng tại nhiều tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân.

6. Trường hợp sự cố tràn dầu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc điều tra, xác định nguyên nhân.

Điều 30. Tạm giữ tàu để phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu

Thực hiện theo quy định tại Điều 114, Điều 115 và Điều 116 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

Điều 31. Tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở để khắc phục tai nạn, sự cố và phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu

1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành chủ quản hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định việc tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở để khắc phục tai nạn, sự cố và phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu.

2. Việc tạm đình chỉ và phục hồi hoạt động trở lại đối với cơ sở gây sự cố tràn dầu thực hiện theo quy định của pháp luật.

Mục 2. GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 32. Xác định thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra

1. Thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra (gọi tắt là thiệt hại) là tổn thất gây ra đối với người, tài sản, kinh tế và môi trường gồm có:

a) Tổn thất gây ra thương tích hoặc tử vong;

b) Tổn thất đối với tài sản của tổ chức hoặc cá nhân;

c) Tổn thất gây ra cho môi trường, nuôi trồng thủy sản, du lịch, sinh thái;

d) Chi phí ứng phó do tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố tràn dầu;

đ) Chi phí để thực hiện các biện pháp hợp lý nhằm khắc phục môi trường;

e) Tổn thất về lợi nhuận do ảnh hưởng của sự cố tràn dầu gây ra.

2. Các tổ chức, cá nhân ứng phó phải lập hồ sơ tổng hợp chi phí ứng phó thực hiện hoặc thuê thực hiện gửi về cơ quan huy động đề nghị thanh toán.

3. Việc xác định thiệt hại, giám định thiệt hại, lập hồ sơ bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Xác định trách nhiệm bồi thường

1. Chủ cơ sở hoặc chủ tàu gây sự cố tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường, chi phí ứng phó và các thiệt hại về kinh tế, tổn thất về môi trường. Bên chịu trách nhiệm bồi thường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.

2. Trường hợp thiệt hại do tràn dầu ảnh hưởng trong phạm vi tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu cấp tỉnh, thành phần gồm đại diện một số cơ quan tham mưu giúp tỉnh trong ứng phó, giải quyết hậu quả và khắc phục môi trường.

3. Trường hợp thiệt hại do tràn dầu trên diện rộng ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương liên quan giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

4. Trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

Điều 34. Quy định về đòi bồi thường

1. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do ô nhiễm tràn dầu có quyền trực tiếp hoặc ủy quyền thông qua luật sư để khiếu nại chủ cơ sở, dự án hoặc chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu bồi thường thiệt hại.

2. Ban chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu lập hồ sơ, xác định tổng giá trị thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra để yêu cầu Bên chịu trách nhiệm bồi thường bảo đảm bồi thường chi trả.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động bồi thường, thiệt hại do ô nhiễm tràn dầu gây ra và các khiếu nại theo quy định.

Điều 35. Sử dụng ngân sách nhà nước cho các hoạt động ứng phó khẩn cấp

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thanh toán chi phí tham gia ứng phó sự cố tràn dầu cho các tổ chức, cá nhân được huy động, đồng thời yêu cầu Bên chịu trách nhiệm phải bồi thường lại các chi phí đã thanh toán.

2. Việc thanh toán tạm thời chi phí ứng phó sự cố tràn dầu thực hiện theo Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa. Tiền bồi thường chi phí ứng phó do Bên chịu trách nhiệm bồi thường chi trả.

3. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu lại được số tiền bồi thường ít hơn số tiền đã thanh toán theo quy định của pháp luật thì ngân sách nhà nước sẽ thanh toán phần bị thiếu còn lại.

4. Trường hợp chưa xác định được đối tượng gây ra sự cố tràn dầu thì ngân sách nhà nước sẽ thanh toán toàn bộ số tiền đã thanh toán cho các hoạt động ứng phó do cơ quan nhà nước huy động.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 36. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn

1. Chủ trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước.

2. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các kế hoạch theo quy định tại Điều 7 Quy chế này; kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.

3. Chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các địa phương để ứng phó sự cố tràn dầu xảy ra theo phân cấp quy định tại Điều 6 Quy chế này.

4. Chỉ đạo tổ chức đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, kiêm nhiệm; tổ chức diễn tập, hiệp đồng, phối hợp các lực lượng; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để chủ động phòng tránh, ứng phó.

5. Chỉ đạo việc điều tra, xác minh sự cố tràn dầu theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, chủ cơ sở hoặc của cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan về những biện pháp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra.

6. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của các nước có liên quan để xử lý sự cố tràn dầu xảy ra trên vùng biển hoặc vùng nước tiếp giáp với các nước khác và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu của các lực lượng thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và báo cáo đột xuất khi có tình huống sự cố tràn dầu.

Điều 37. Bộ Quốc phòng

1. Phối hợp và thống nhất với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc giám sát, phát hiện sự c tràn dầu và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố tràn dầu theo địa bàn hoạt động.

2. Phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở thuộc quyền; phối hợp với các địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với chủ cơ sở để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.

3. Chỉ đạo các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực thuộc quyền và huy động lực lượng, phương tiện quân đội tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi có tình huống và theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và tham gia ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu thuộc Bộ Quốc phòng, phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường biển, về ứng phó khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

Điều 38. Bộ Công an

1. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

2. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phối hợp với địa phương tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố tràn dầu theo thẩm quyền.

3. Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương điều tra làm rõ nguyên nhân tràn dầu; khởi tố, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến sự cố tràn dầu.

Điều 39. Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, quy định hướng dẫn việc sử dụng chất phân tán dầu tràn và ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam.

2. Chủ trì hướng dẫn các các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật bản đồ nhạy cảm môi trường theo địa bàn quản lý và định kỳ cập nhật hệ thống bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực ven biển và các hải đảo của Việt Nam để phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu.

3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

4. Hướng dẫn các địa phương điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường, xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường do dầu tràn; chỉ đạo việc phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

5. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan truy tìm, xác minh nguyên nhân tràn dầu chưa rõ nguồn gốc xảy ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; hướng dẫn các địa phương xác minh nguyên nhân tràn dầu chưa rõ nguồn gốc xảy ra tại địa bàn.

Điều 40. Bộ Giao thông vận tải

1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường hàng hải, ngăn ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu chuyên ngành.

2. Chủ trì hướng dẫn việc xây dựng, phê duyệt về triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với các cơ sở hoạt động xăng, dầu thuộc bộ quản lý, các tàu chở dầu và kế hoạch hoạt động chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển theo quy định.

3. Chủ trì tổ chức xây dựng, phát hành hải đồ vùng nước cảng biển và luồng hàng hải, các khu vực có rủi ro xảy ra sự cố tràn dầu để bảo đảm an toàn hàng hải và hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

4. Công bố các tần số (kênh) trực canh, cấp cứu - khẩn cấp của hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam, các phương thức liên lạc với địa chỉ liên lạc của Việt Nam về sự cố tràn dầu, các Trung tâm và các Trạm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, các cảng vụ hàng hải, thủy nội địa để phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu và cứu hộ, cứu nạn.

5. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa tổ chức phối hợp hiệu quả hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, cứu hộ, cứu nạn trên sông, biển.

6. Chỉ đạo ngành Hàng hải hướng dẫn các cảng vụ tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động bơm chuyển dầu tại các cảng, cảng dầu khí ngoài khơi, bơm chuyển dầu giữa tàu với tàu trên biển để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố.

Điều 41. Bộ Công Thương

1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chỉ đạo cho các đơn vị hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển, chuyển tải, lưu chứa, sử dụng dầu có biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường.

2. Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi có tình huống xảy ra; phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với cơ sở, dự án để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.

Điều 42. Bộ Ngoại giao

1. Chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp giải quyết thủ tục cho đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu của Việt Nam tham gia hỗ trợ quốc tế và lực lượng hỗ trợ ứng phó của nước ngoài tại Việt Nam, theo đề nghị của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

2. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, cơ quan ngang bộ thông qua đường ngoại giao trao đổi thông tin, yêu cầu phối hợp hoặc đề nghị trợ giúp ứng phó sự cố tràn dầu khi có sự cố tràn dầu xảy ra ở lãnh thổ, vùng biển nước ngoài, ảnh hưởng đến Việt Nam hoặc dầu tràn ở lãnh thổ, vùng biển Việt Nam ảnh hưởng đến nước ngoài.

3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan về hợp tác quốc tế trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Điều 43. Các bộ, ngành liên quan

1. Phối hợp với các địa phương, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực kiểm tra chủ cơ sở thuộc quyền để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.

2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện theo Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu.

3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan có thẩm quyền huy động.

4. Báo cáo kịp thời sự cố tràn dầu xảy ra thuộc phạm vi bộ, ngành quản lý; hàng năm báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu của bộ, ngành về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Điều 44. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh theo quy định tại Điều 7 và Điều 11 Quy chế này.

2. Phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, cảng trên địa bàn tỉnh theo quy định; kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương.

3. Chỉ đạo và báo cáo kịp thời ứng phó sự cố tràn dầu khi xảy ra trên địa bàn; chủ trì đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở, tàu gây ra tràn dầu bồi thường thiệt hại.

4. Chỉ đạo việc tập huấn, huấn luyện về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để bảo vệ môi trường biển, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó tại địa phương.

5. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Điều 45. Trách nhiệm của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực

1. Là lực lượng chuyên trách, nòng cốt ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực được giao; thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu dầu theo phân cấp và hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở; sẵn sàng cơ động ứng phó sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

2. Triển khai hướng dẫn các tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tham gia vào hội đồng thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở.

3. Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực trên đất liền, trên biển, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt.

4. Kịp thời báo cáo khi có sự cố tràn dầu, kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

5. Tổ chức các khóa huấn luyện, hội thảo, hội nghị trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ về ứng phó sự cố tràn dầu, theo kế hoạch được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, hoặc cơ quan chủ quản phê duyệt.

Điều 46. Trách nhiệm của cảng, cơ sở

1. Các cảng, cơ sở xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả sau khi được ban hành và sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó sự cố tràn dầu theo sự điều động, chỉ huy của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Hàng năm có kế hoạch tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó đi tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng phó. Định kỳ tối thiểu 6 tháng triển khai thực hành huấn luyện ứng phó sự cố tràn dầu tại hiện trường.

3. Có phương án đầu tư trang thiết bị, vật tư để từng bước nâng cao năng lực tự ứng phó của cảng, cơ sở theo quy định; ký kết thoả thuận, hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ quan, đơn vị có năng lực ứng phó để triển khai khi có tình huống.

4. Chủ động triển khai các hoạt động ứng phó, huy động nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố tràn dầu.

Điều 47. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

1. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Các tổ chức, cá nhân có các hoạt động dịch vụ ứng phó tham gia vào kế hoạch ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu.

3. Các tổ chức, cá nhân có khả năng thực hiện dịch vụ ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu báo cáo cơ quan chủ trì ứng phó kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu theo cấp và khu vực mà tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia.

4. Các tổ chức, cá nhân tham gia vào danh sách nguồn lực sẵn sàng huy động, ứng phó sự cố tràn dầu của kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo cấp nào thì chấp hành lệnh điều động của cơ quan chủ trì triển khai kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu cấp đó.

PHỤ LỤC I

ĐỀ CƯƠNG BỐ CỤC, NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CẤP TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)

KẾ HOẠCH

Ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh A

Bản đồ tỷ lệ: 1/5000

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

2. Yêu cầu:

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn (nêu các đặc điểm chính có liên quan)

2. Các hoạt động thăm dò, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến và kinh doanh xăng dầu

a) Khai thác dầu khí: (nếu có)

b) Cơ sở lọc hóa dầu: (nếu có)

c) Các kho trạm xăng dầu hiện có của tỉnh (thống kê các kho trạm xăng dầu và tr lượng của từng kho trạm).

3. Thực trạng lực lượng, phương tiện ứng phó tràn dầu của tỉnh, thành phố

a) Lực lượng chuyên trách: số lượng trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu hiện có của địa phương và các Trung tâm khu vực, các đơn vị có khả năng ứng phó sự cố tràn dầu theo kế hoạch hiệp đồng của từng địa phương.

b) Lực lượng phương tiện kiêm nhiệm

Các cơ sở có khả năng tham gia ứng phó sự cố tràn dầu: số lượng trang thiết bị của các lực lượng kiêm nhiệm và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao

a) Trên đất liền: Các cơ sở sản xuất, kho trạm xăng dầu có nguy cơ xảy ra sự cố.

b) Trên biển: Bao gồm cảng biển và khu chuyển tải xăng dầu, bờ biển, khu vực biển trọng điểm do địa phương quản lý có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.

c) Trên sông: Gồm bến cảng, các phương tiện vận chuyển xăng dầu.

III. TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

1. Tư tưởng chỉ đạo: “ Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.

2. Nguyên tắc ứng phó

- Tiếp nhận thông tin đánh giá, kết luận cụ thể, rõ ràng, chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ứng phó sát, đúng, phát huy sức mạnh tổng hợp theo phương châm 4 tại chỗ ứng phó kịp thời hiệu quả;

- Báo cáo kịp thời theo quy định;

- Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường;

- Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trước, trong sau ứng phó khắc phục hậu quả;

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.

3. Tổ chức sử dụng lực lượng

a) Ứng phó trên đất liền và ven bờ biển: Sử dụng đơn vị nào; lực lượng phương tiện đơn vị nào; bao gồm cái gì; lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả môi trường.

b) Ứng phó trên biển: Sử dụng đơn vị nào; lực lượng phương tiện đơn vị nào; bao gồm cái gì; lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả môi trường.

IV. DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG TRÀN DẦU, BIỆN PHÁP XỬ LÝ

1. Trên đất liền

a) Tình huống: Nêu tình huống giả định xảy ra 01 kho trạm.

b) Biện pháp xử lý

- Tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình sự cố...

- Vận hành cơ chế hợp Ban Chỉ huy ứng phó sự cố...

- Thiết lập sở chỉ huy tại hiện trường để chỉ huy tổ chức ứng phó...

- Tổ chức lực lượng ứng phó sự cố....

2. Trên biển: Tương tự như trên đất liền.

a) Tình huống:

b) Biện pháp xử lý

3. Tại các cảng hoặc trên sông: Tương tự như trên đất liền.

a) Tình huống:

b) Biện pháp xử lý:

V. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

1. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Nêu các nhiệm vụ trong chỉ huy chỉ đạo công tác ứng phó.

2. Bộ chỉ huy Quân sự cấp tỉnh.

3. Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng cấp tỉnh.

4. Công an tỉnh.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường.

6. Sở Công Thương.

7. Sở Giao thông vận tải.

8. Sở Tài chính.

9. Sở Y tế.

10. Sở Thông tin và Truyền thông.

11. Ủy ban nhân dân cấp huyện.

12. Đơn vị phối hợp, hiệp đồng với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực.

VI. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Thông tin liên lạc

- Bảo đảm thông tin cho chỉ huy chỉ đạo;

- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả.

2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu

3. Bảo đảm vật chất cho các đơn vị tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả

4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn

VII. TỔ CHỨC CHỈ HUY

1. Sở chỉ huy

- SCH thường xuyên (cơ bản): …………

- SCH phía trước: Tại hiện trường nơi xảy ra thảm họa tràn dầu.

2. Tổ chức chỉ huy

- Chỉ huy tại SCH thường xuyên gồm: Thành phần gồm;

- Chỉ huy tại nơi xảy ra sự cố: Thành phần gồm.

Nơi nhận:

ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, đóng dấu)

Cấp bậc, họ và tên

PHỤ LỤC II

ĐỀ CƯƠNG BỐ CỤC, NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CẤP HUYỆN VÀ CẤP CƠ SỞ
(Kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)

KẾ HOẠCH

Ứng phó sự cố tràn dầu của........

Bản đồ tỷ lệ: 1/5000

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

2. Yêu cầu:

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên (nêu ngắn gọn vị trí địa lý, khí tượng, thủy văn trong phạm vi địa bàn cơ sở hoạt động).

2. Tính chất, quy mô đặc điểm của cơ sở (Tính chất, quy mô, công nghệ của cơ sở).

3. Lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu hiện có của cơ sở (quân số, trang thiết bị ứng phó, lực lượng phương tiện tham gia phối hợp).

4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao: dự kiến từ 2 - 3 khu vực.

* Kết luận: Khả năng ứng phó của cơ sở ở mức độ nào.

III. TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

1. Tư tưởng chỉ đạo: “ Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.

2. Nguyên tắc ứng phó

- Tiếp nhận thông tin đánh giá, kết luận cụ thể, rõ ràng, chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ứng phó sát, đúng, phát huy sức mạnh tổng hợp theo phương châm 4 tại chỗ ứng phó kịp thời hiệu quả;

- Báo cáo kịp thời theo quy định;

- Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường;

- Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trước, trong sau ứng phó khắc phục hậu quả;

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.

3. Biện pháp ứng phó

- Thông báo, báo động;

- Tổ chức ngăn chặn;

- Tổ chức khắc phục hậu quả.

4. Tổ chức sử dụng lực lượng

- Lực lượng thông báo, báo động;

- Lực lượng tại chỗ;

- Lực lượng tăng cường;

- Lực lượng khắc phục hậu quả;

- Ứng phó trên đất liền và ven bờ biển: Sử dụng đơn vị nào; lực lượng phương tiện đơn vị nào; bao gồm cái gì; lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả môi trường;

- Ứng phó trên biển: Sử dụng đơn vị nào; lực lượng phương tiện đơn vị nào; bao gồm cái gì; lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả môi trường.

IV. DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG TRÀN DẦU, BIỆN PHÁP XỬ LÝ

1. Trên đất liền

a) Tình huống: (Nêu tình huống giả định xảy ra 01 kho trạm)

b) Biện pháp xử lý:

- Tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình sự cố...

- Vận hành cơ chế hợp Ban Chỉ huy ứng phó sự cố...

- Thiết lập Ban Chỉ huy tại hiện trường để chỉ huy tổ chức ứng phó...

- Tổ chức lực lượng ứng phó sự cố....

2. Trên biển (tương tự như trên đất liền)

a) Tình huống

b) Biện pháp xử lý

V. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

1. Lãnh đạo chỉ huy cơ sở (nêu nhiệm vụ trong chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó).

2. Lực lượng tiếp nhận cấp phát.

3. Lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ.

4. Các ban ngành của cơ sở.

5. Phối hợp với các đoàn thể, xã hội và ban, ngành của địa phương.

6. Công tác đào tạo, diễn tập: Xây dựng kế hoạch đào tạo, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.

7. Cập nhật kế hoạch triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và báo cáo.

VI. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Thông tin liên lạc

- Bảo đảm thông tin cho chỉ huy chỉ đạo;

- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả.

2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu

- Do đơn vị tự trang bị;

- Ký kết hợp đồng với các đơn vị có khả năng ứng phó sự cố.

3. Bảo đảm vật chất cho các đơn vị tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.

4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn.

VII. TỔ CHỨC CHỈ HUY

Chủ cơ sở trực tiếp chỉ huy.

Nơi nhận:

ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN (CHỦ CƠ SỞ)
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, đóng dấu)

Cấp bậc, họ và tên

PRIME MINISTER
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 12/2021/QD-TTg

Hanoi, March 24, 2021

 

DECISION

ISSUING REGULATIONS ON OIL SPILL RESPONSE

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on Amending and Supplementing certain Articles of the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Inland Waterway Traffic dated June 15, 2004; the Law on Amendments and Supplements to certain Articles of the Law on Inland Waterway Traffic dated June 17, 2014;

Pursuant to the Law on environmental protection dated June 23, 2014;

Pursuant to the Law on Marine and Island Resources dated June 25, 2015;

Pursuant to the Law on Vietnam’s Sea dated June 21, 2012;

Pursuant to the Vietnam Maritime Code dated November 25, 2015;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Pursuant to the Government’s Decree No. 02/2019/ND-CP dated January 2, 2019 on civil defence;

In light of the Written Request of the Minister of National Defence No. 665/TTr-BQP dated March 12, 2021;

The Prime Minister hereby issues the Decision to issue regulations on oil spill response.

Article 1. Regulations on oil spill response activities are annexed hereto.

Article 2. This Decision shall take effect as from May 10, 2021, replacing the Prime Minister's Decision No. 02/2013/QD-TTg dated January 14, 2013, issuing the Regulations on oil spill response activities, the Prime Minister's Decision No. 63/2014/QD-TTg dated November 11, 2014, amending and supplementing a number of articles of the Regulations on oil spill response activities annexed to the Prime Minister’s Decision No. 02/2013 /QD-TTg dated January 14, 2013.

Article 3. National Committee for Search and Rescue of Vietnam, Ministers, Heads of Ministry-level agencies, Heads of Governmental bodies, and Presidents of People’s Committees of centrally-affiliated cities and provinces, shall be responsible for implementing this Decision./.

 

 

PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Trinh Dinh Dung

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

REGULATIONS

ON OIL SPILL RESPONSE
(Annexed to the Prime Minister’s Decision No. 12/2021/QD-TTg dated March 24, 2021)

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

These Regulations prescribe details of, and responsibilities of organizations and individuals for, preparatory and management actions for response, mitigation and remedy against oil spills occurring within the territory and territorial sea of Vietnam.

Article 2. Subjects of application  

These Regulations apply to domestic and foreign organizations and individuals directly or indirectly causing oil spills and taking oil spill response actions within the territory and territorial sea of Vietnam.

Article 3. Interpretation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Oil, including:

a) Crude oil means oil from fields which has not yet been processed, is a natural hydrocarbon gas liquid, asphalts, ozokerite and hydrocarbon liquid obtained from a natural gases through condensation or absorption;

b) Finished oil is any kind of processed petroleum products, such as gasoline, kerosene, diesel, jet fuel, heating fuel, lubricating or preservative oil, grease, and other products used for production of fuel oils and greases.

2. Oil spill means a phenomenon where oil from various storage and transportation equipment, facilities, structures and oil fields is escaped into the natural environment due to technical incident, natural disaster or human activity.

3. Major oil spill means an oil spill that occurs with a large amount of oil spilled over a wide area, involving many provinces and cities, seriously threatening life, property, environment and health of the people.

4. Oil spill response means any activity carried out using forces, means, equipment and supplies to promptly handle, eliminate or minimize the amount of oil spilled into the environment.

5. Mitigation of consequences of an oil spill is any activity aimed at cleaning up soil, water and ecosystem of an oil-contaminated area and any measure taken to limit damage and restore the ecology and environment after each oil spill.

6. Oil spill response activities encompass all activities from preparation, response, mitigation and remedy for consequences of an oil spill.

7. Oil spill response plan means a projection of risks and incidents that are likely to cause an oil spill together with response plans in these projected situations, training and drilling programs to ensure the readiness of resources for timely response to an oil spill that may occur in reality.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. On-scene commander means a person designated or appointed to directly command all response activities at the incident scene. Rights and responsibilities of an on-scene commander are specified in each local or intramural oil spill response plan.

10. Establishment/facility means any entity, legal or natural person involved in extraction, transportation, transfer or use of gasoline and oil causing or posing the risk of causing an oil spill.

11. Establishment/facility owner means the head of an entity assuming total legal responsibility for an establishment’s operations.

12. Lead agency means an authority presiding over and taking charge of oil spill response operations.

13. Response unit means an organization that has oil spill response equipment and personnel professionally educated and trained to gain competency in conducting oil spill incident response activities.

14. Project means a construction project, facility, port or harbor posing the risk of causing an oil spill. 

15. Prioritized protection area means an area with high environmental or socio-economic sensitivity that needs to be protected when an oil spill occurs, such as mangroves, coral reefs, ecological conservation areas, biosphere reserves, drinking/domestic and industrial sources of water, rated historical relics, tourist sites, concentrated aquaculture areas.

16. Restricted area means an area defined by coordinates on a maritime chart or by specific onshore or coastal boundaries and landmarks to warn and restrict movements in that area to ensure safety when conducting rescue, salvage or response to an oil spill.

17. Responsible party means any organization or individual causing an oil spill resulting in environmental pollution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

19. DWT means the amount of weight in tonnes that a vessel can carry when loaded to the maximum permissible draught.

20. GT means the gross tonnage, which is a measure of the volume of all enclosed spaces on board the ship, including funnel.

Article 4. Oil spill response principles

1. Actively develop plans, invest in equipment and contracts to get ready to respond to oil spills that may occur.

2. Take charge of receiving and processing information on oil spill incidents in a timely manner, prioritize provision of information for response activities, and promptly report to competent authorities if the incident is beyond the response capacity.

3. Coordinate and mobilize all resources to improve the effectiveness of oil spill preparedness and response with priority given to victim rescue and environmental protection.

4. Actively perform response activities near the source of oil spills to prevent and limit oil from being spilled into the environment. Closely monitor the risk of spread of spilled oil towards the shoreline to determine the order of priority and take measures to protect prioritized protection areas.

5. Ensure fire safety and prevention while carrying out response activities.

6. Uniformly command, cooperate and closely collaborate with forces, means and equipment participating in response activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 5. Decentralization of oil spill response authority

Based on the incident severity, there are three levels at which response activities are carried out accordingly:

1. Local level

a) Local oil spills: Establishment owners shall be accorded authority to lead and command their own forces, means and equipment or those stated in oil spill response contracts to carry out response activities in a timely manner. Owners of establishments blamed for oil spills shall be responsible for being put in command of the oil spill scene;

b) In case an oil spill is beyond the capacity of an establishment’s capacity or local resources are not affordable for response activities, the establishment must promptly report such situation to the governing body or the People's Committee of a province or centrally-affiliated city (hereinafter referred to as provincial state authority) to seek their support;

c) In case where a serious oil spill occurs or an oil spill occurs in a prioritized protection area, the head of the authority who are assigned as the on-scene commander shall report to the People's Committee of the province where the oil spill occurs and the National Committee for Search and Rescue to seek their orders or directives to take timely actions against the oil spill.

2. Regional level

a) If an oil spill occurs beyond the establishment's response capacity or an oil spill occurs due to unknown causes at localities, the People's Committee of the province where the oil spill occurs shall directly responsible for leading and appointing an on-scene commander to take charge of response activities according to the local plan, and can urgently requisition necessary resources from local establishments, ministries and central authorities and the regional oil spill response center located within the province to take response actions;

b) The contact point that helps the provincial People's Committee take charge of spill oil activities is the provincial Steering Committee for Search and Rescue.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) In case where a major oil spill is beyond the local authority’s capacity, the People's Committee of the province where that oil spill occurs shall promptly report it to the National Committee for Search and Rescue to directly take control of and cooperate with relevant agencies in response activities;

b) In case an oil spill is beyond the response capacity of domestic forces, the National Committee for Search and Rescue shall solicit the Prime Minister to issue the decision to seek international support;

In the course of responding to oil spill incidents at the above-mentioned levels, lead agencies or on-scene commanders should proactively address and promptly report on incidents, submit necessary recommendations to relevant competent authorities and take responsibility for their decisions.

Article 6. Ranking of oil spill incidents

1. An oil spill may be ranked into 3 levels, including minor, moderate and major, depending on the spill amount or the amount of oil involved or released, specifically as follows:   

a) Small oil spill (minor level) is an oil spill involving the spill amount which is less than 20 m3 (tonnes);

b) Medium-sized oil spill (moderate level) is an oil spill involving the spill amount which ranges from 20 m3 (tonnes) to 500 m3 (tonnes);

c) Large oil spill (major level) is an oil spill involving the spill amount which is greater than 500 m3 (tonnes).

2. The ranking of oil spills can help develop response plans and determine the level of investment in equipment and resources to get prepared and respond in a timely manner for different levels of response.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

PREPAREDNESS FOR OIL SPILL RESPONSE

Article 7. Formulation, review and approval of all-level oil spill response plans

1. The National Committee for Search and Rescue shall preside over, and cooperate with ministries, ministerial-level authorities and local authorities in, formulating the National Plan for Oil Spill Response and submitting it to the Prime Minister to seek his approval and shall be responsible for leading the implementation of the plan; shall guide local authorities and establishments to develop oil spill response plans (according to the sample given in the instructions of Appendix I and II to these Regulations).

2. Provincial People's Committees shall develop local oil spill response plans and submit them to the National Committee for Search and Rescue for its review and approval. Local oil spill response plans should be annually updated and re-submitted for approval every 5 years.

3. Local ports, establishments and projects shall develop their oil spill response plans and submit them to the provincial People's Committees for their review and approval. When there is any change in conditions leading to any change in the contents of a plan, the plan must be updated on an annual basis; When there are any major changes that increase the storage capacity to the extent of exceeding the response capacity in comparison with predetermined response plans, the plan must be reworked and submitted to the competent authority to seek their approval.

4. Offshore oil and gas facilities and projects develop plans to respond to oil spills, report them to the Vietnam Oil and Gas Group for its review, submit them to the National Committee for Search and Rescue to seek its approval and notify the People's Committee of the province at risk of being affected by incidents that may occur at these facilities or projects.

5. Gasoline stockpiles, warehouses or storage facilities with total reserve volume of 50,000 m3 or more, and petrol ports capable of receiving ships with a tonnage of 50,000 DWT or more, should develop incident response plans and report on them to their governing entities for review (Gasoline warehouses or storage facilities connected with petrol ports should develop a common oil spill response plan for use at these warehouse ports) and then submit them to the National Committee for Search and Rescue for its approval.

6. Local ports, gasoline stockpiles, warehouses or storage facilities, each of which has a total reserve volume of less than 50,000 m3, petrol and oil ports capable of receiving the ship of less than 50,000 DWT shall develop oil spill response plans, represent them to governing bodies for their review (Petrol warehouses or storage facilities connected with petrol ports shall develop a common oil spill response plan for both the storage facilities and ports) and submit them to the provincial People's Committees to seek their approval.

7. Petrol and oil trading establishments that may pose a small risk of oil spills on land, in rivers or at sea should develop oil spill response plans and submit them to the district-level People's Committees for their approval or governing bodies for their review and approval according to regulations (for those not under the management of the district-level People's Committees). These plans must be notified to the district-level People’s Committees for their cooperation in execution of these plans.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Oil tankers flying the flag of Vietnam, each of which has total tonnage of 150 GT or more, other ships other than oil tankers, each of which has total tonnage of 400 GT or more, must have their oil pollution response plans approved by competent authorities of the Ministry of Transport; oil tankers flying the flag of Vietnam, each of which has total tonnage of 150 GT or more, engaged in the transshipment of oil between ships at sea must develop plans for oil transshipment between ships at sea to seek approval from competent authorities of the Ministry of Transport.

Article 8. Period of review and approval of oil spill response plans

1. Organizations and individuals must send application dossiers for review and approval of oil spill response plans directly or by post or via other appropriate means to competent authorities.

2. An application dossier for review and approval of an oil spill response plan is composed of:

a) Application form;

b) Text of the plan prepared by using the form given in Appendix I and II hereto.

3. Period of review and approval of an oil spill response plan

a) For a plan approved by the National Committee for Search and Rescue, within 30 working days (excluding holidays) from the date of receipt of a complete and valid dossier, the National Committee for Search and Rescue shall be responsible for verifying and issuing the decision on whether  the oil spill response plan is approved;

b) For the plan put under the approval authority of the People’s Committee, within 20 working days (excluding holidays) from the date of receipt of a complete and valid dossier, the National Committee for Search and Rescue shall be responsible for verifying and issuing the decision on whether  the oil spill response plan is approved;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. After being granted approval by competent authorities, oil spill response plans prescribed in Clause 1 through Clause 8 of Article 7 of this Decision must be notified to relevant agencies, units and local authorities so that they cooperate on execution thereof according to the functions, tasks and responsibilities specified in the plan.

Article 9. Setting up all-level oil spill response forces

1. The National Committee for Search and Rescue shall take charge of, and cooperate with ministries, ministerial-level agencies and local authorities in, designing programs and organizing training, practice and drills to improve effectiveness in cooperation in responding to and mitigating consequences of the national oil spill incident in Vietnam.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment and the Ministry of Transport shall design and organize specialized training courses on oil spill response and consequence remediation for regional and national levels.

3. Provincial-level People's Committees shall take charge of designing and organizing training courses, drills and exercises to improve the effectiveness of responding to and mitigating consequences of oil spills occurring within their remit.

4. Regional oil spill response centers and oil spill response units shall ensure that their officers and employees are professionally trained and drilled to make them ready for emergency response activities in case of any incident that may occur. A regional oil spill response center may provide training and drilling sessions according to the plan approved by the National Committee for Search and Rescue.

5. Establishments and ports shall either make investment or enter into contracts to get prepared for response to oil spills with establishments that have means and equipment used for response activities or with Regional Oil Spill Response Centers at the level commensurate with possibilities of oil spill occurring in areas under their jurisdiction, and promptly mobilize means, equipment and supplies to carry out response activities, e.g. in case of an oil spill with the released amount of less than 20 tonnes of oil, containing the released oil within 02 hours; from over 20 tonnes to less than 500 tonnes, containing the released oil within 24 hours; from 500 tonnes or more, approaching the scene within 48 hours; and shall get ready to mobilize means, equipment and supplies to participate in cooperation in response to and remediation of consequences of oil spills at the request of competent authorities.

Article 10. Financial assurance for oil pollution compensation

1. Owners of Vietnamese ships and foreign-flagged ships transporting more than 2,000 tonnes of crude must have certificates of insurance or financial assurance for civil liability for damage inflicted by oil pollution in accordance with the provisions of the 1992 CLC Convention.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 11. Implementation of all-level oil spill response plans

1. The National Committee for Search and Rescue shall preside over and cooperate with relevant ministries, central and local authorities in implementing the National Plan for oil spill response and checking the implementation of oil spill response plans under their approval-granting authority.

2. Provincial-level People's Committees shall implement approved oil spill response plans and inspect the implementation of oil spill response plans of establishments and projects within their remit.

3. Vietnam Oil and Gas Group shall collaborate with competent authorities in inspecting the implementation of oil spill response plans of offshore oil and gas facilities and projects under its authority.

4. Regional oil spill response centers shall implement approved oil spill response plans and cooperate with local competent authorities to inspect the implementation of their oil spill response plans of local facilities within their remit.

5. Facilities shall execute approved oil spill response plans.

6. Maritime Administrations, Inland Waterway Port Authorities and other inland waterway regulatory agencies shall take charge of inspecting and supervising the execution of oil spill response plans at ports and ships under way within port waters and on inland waterways under their jurisdiction.

7. Ships shall execute approved oil spill response plans.

Article 12. Monitoring oil spill incidents

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. All active ports and facilities must closely monitor activities with high risk of oil spills occurring within their remit in order to promptly implement appropriate response measures.

3. Oil tankers carrying out transshipment or side-to-side transfer to other ships in Vietnamese waters must notify the plan of transshipment or side-to-side transfer at least 48 hours in advance to the nearest National Contact Point or Port Authority in terms of the time, location and the volume of oil to be transshipped or transferred side to side according to regulations so that competent authorities can monitor and take timely response measures in case of an oil spill occurring. Transshipment and side-to-side transfer shall be allowed only after receipt of the consent from the National Contact Point or the Port Authority.

Chapter III

CONDUCT OF OIL SPILL RESPONSE ACTIVITIES

Section 1. COOPERATION IN COMMUNICATION OF INFORMATION ABOUT OIL SPILL RESPONSE

Article 13. Points of contact for oil spill incident reporting

1. Organizations and individuals that cause or detect an oil spill shall have the responsibility to promptly report it to one of the following agencies:

a) National contact point for oil spills at sea;

b) Nearest port authorities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Regional Centers for maritime search and rescue cooperation (in case of requesting rescue or salvage at sea);

dd) Vietnam’s coastal radio stations used for relaying information to lead agencies or rescue and emergency response agencies;

e) Departments of Natural Resources and Environment;

g) Nearest local authorities;

h) Permanent agencies for search and rescue of relevant ministries, ministry-level authorities and local authorities.

2. When detecting oil slick drift at sea, aircraft shall report to the air traffic service provider or search and rescue service provider to relay information to the competent authority as prescribed in Clause 1 of this Article.

3. In addition to the above contact points, once an oil spill occurs or is detected, it can be reported to the Navy, Border and Coast Guard, Water Police for processing or forwarding of information to the lead agency.4. Processing oil spill information and reports.

Upon receipt of information or reports related to an oil spill, the lead agency must:

a) Verify information about the incident;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Carry out emergency response plans and measures;

d) Notify relevant agencies and units about measures and plans for emergency response collaboration, and sign or decide on response activities;

dd) Inform agencies, units and populace in the areas affected or potentially affected by an oil spill of this incident in order for them to proactively respond to and mitigate the consequences;

e) Report to competent authorities on how information is processed and specific measures to cooperate on response, suggestions and recommendations.

Article 14. Reporting of oil spill response and recovery

1. In the process of responding to and recovering from an oil spill, the National Committee for Search and Rescue, ministries, ministerial-level authorities and local authorities must regularly report on issues falling within their decentralized authority.

2. Oil spill reporting must be continued without stop from the time of oil spill detection to the end of oil spill response activities, including:

a) The preliminary incident report, which is made when detecting an oil spill;

b) The follow-up incident report, which is made on a daily basis during the oil spill response process;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The comprehensive incident report, which is made to aggregate oil spill response activities from the time of detection to the end of these activities.

3. Each report must contain the following information:

a) Time of occurrence or detection of the incident;

b) Location and coordinates of the incident 9if any);

c) Oil type;

d) Estimation of weight and speed of movement of spilled oil; 

dd) Weather condition (e.g. wave, wind, currents, etc.);

e) Response preparation and recommended plans for implementation of response actions;

g) Demands and requests for help, rescue and response to the oil spill incident.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 15. Response to ship-source oil spills at sea

1. In case where a ship’s accident or incident causes an oil spill involving rescue of casualties, ships in distress and response to oil spills, organizing oil spill response and rescue activities falls into the following situations:

a) Regional oil spill response centers or marine rescue units shall perform oil spill response service contracts at the request of the ship master, owner or his/her representative or agent;

b) Regional Oil Spill Response Center in conjunction with Regional Maritime Search and Rescue Cooperation Center simultaneously conduct rescue of casualties and ships in distress;

c) Regional oil spill response centers or marine rescue units shall be responsible for cooperating when being called on by the National Committee for Search and Rescue or the People's Committee to participate in response activities.

2. In case where only marine rescue units participate in offshore response operations, the one that has more capacity and experience in responding may be appointed by the competent authority as an on-scene commander. Regional oil spill response centers shall act as on-scene commanders if they are called on to participate in response activities.

3. Maritime administrations should take urgent actions to dispatch ships and equipment to participate in oil spill rescue and response activities and cooperate with relevant agencies to monitor activities involved in rescue of casualties and ships in distress at sea.

4. In case where any oil spill is caused by multiple ships, these ships must work together to mitigate the consequences and must comply with the orders of the port authority or maritime administration and the on-scene commander.

5. In case where the oil spill poses the risk of getting close to the shore, the on-scene commander shall immediately report to the National Committee for Search and Rescue, the People's Committee of the coastal province that is likely to be affected by that oil spill to organize the monitoring of and preparation for response activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Maritime administrations and related agencies must enable ships to participate in rescue and response activities quickly when there is a dispatch order from the competent authority or there is any request for rescue and response activities involved in oil spills.

8. It is possible to temporarily seize the collected oil for reuse and seize the ship causing the oil spill to request compensation.

9. The ship owner and the insurer providing insurance for the owner of the ship causing pollution shall be requested to take urgent action to pay compensation according to the prescribed limit of civil liability.

10. On-scene commanders and agencies and units in charge of response activities shall implement regulations on communication and report to the National Committee for Search and Rescue for their direction and support when necessary.

Article 16. Response to local oil spill incidents occurring at establishments or projects

1. Facilities must develop emergency plans to respond to oil spills and organize forces to ensure timely and effective prevention of and response to oil spills at the level corresponding to the possibility of oil spills caused by establishments.

2. In the case of limited resources and capabilities, establishments should contract with units capable of responding to oil spills in the area or with the Regional Oil Spill Response Center to assist in response activities when any oil spill may occur.

3. Establishments must fully conform to the requirements and instructions of the Departments of Natural Resources and Environment and other competent agencies in order to prevent or minimize damage caused by oil pollution as quickly as possible.

4. In case of deeming that the establishment responds ineffectively or the oil spill is likely to cause serious consequences, the provincial People's Committee shall directly take up the position as or appoint an on-scene commander to organize response activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 17. Response to oil spill incidents occurring in ports and harbors

1. Ports and harbors shall develop and immediately execute emergency response plans to mobilize resources to respond to oil spills.

2. In the event that an oil spill exceeds the port's capacity, a contract to participate in the incident response with establishments having responding capacity or with the Regional Oil Spill Response Center must be made.

3. The port authority shall cooperate with relevant local agencies in monitoring and evaluating the effectiveness of oil spill recovery.

4. In case of deeming that the port or harbor responds ineffectively or the oil spill is likely to cause more serious consequences, the port authority shall promptly report to the provincial People’s Committee to directly take their orders for response actions to be taken.

5. The port authority may impound and preserve the collected oil for reuse or as a preventive measure to ensure compensation for damage caused by the oil spill. The transfer of the collected oil shall be based on the received compensation amount or the compensation commitment with the ship owner.

6. In case where a ship owner causing the oil spill is unable to guarantee compensation, the Director of the port authority, competent authorities or emergency response forces shall request the jurisdictional Court to make a decision on impoundment of the ship to ensure compensation for response costs, damage and losses caused by oil spills.

7. The response to oil spills in military ports and inland waterway areas shall also be governed by the provisions of this Article.

8. Military ships and official ships that cause oil spills shall not be governed by the provisions of Clause 5 and 6 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 18. Response to local oil spill incidents

1. The People's Committee of the province where an oil spill occurs shall be responsible for directly leading response activities, and appoint an on-scene commander to organize response activities according to the provincial emergency response plan.

2. Based on the developments of the oil spill, the provincial People's Committee shall appoint the on-scene commander and urgently mobilize necessary resources from establishments, ministries and regulatory authorities within their remit.

3. In case an oil spill occurring in a province poses the risk of spreading or spreads to ​​another province, the People's Committee of the province where the oil spill occurs shall proactively notify the People's Committees of the affected provinces and cities to cooperate in response activities and, at the same time, reporting to the National Committee for Search and Rescue to prepare support plans when necessary.

Article 19. Duties of local competent authorities 

1. The Steering Committee for Search and Rescue at the provincial level shall lead oil spill response activities according to the province's emergency response plan to mobilize forces and means from central and local authorities located within the province.

2. Departments of Natural Resources and Environment shall give counsels on and provide manuals for implementation of environmental protection activities involved in the environmental remediation and clean-up of shorelines, post-collection waste management; implementation of plans to protect sensitive areas; shall investigate, measure environmental damage and formulate environmental remediation programs after each oil spill; shall cooperate with relevant authorities to determine the causes of the oil spill.

3. Port authorities shall give counsels on maritime safety assurance and water transport matters during the process of mobilizing ships and means for participation in response to oil spills occurring within the area. 

4. Relevant local authorities and central and local military forces, water police, fire prevention and fighting police, environmental crime prevention police garrisoned within the local area shall give counsels on mobilizing forces to participate in response and consequence mitigation activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 4. RESPONSE TO NATIONAL OIL SPILL INCIDENTS

Article 20. Response to oil spill incidents occurring beyond the regional-level capacity

1. In case an oil spill occurs beyond the capacity of the regional-level response, occurs on a large inter-regional scale, or is specially serious, the National Committee for Search and Rescue shall directly give orders for response activities according to the National Oil Spill Response Plan.

2. Duties to response to major oil spills shall be assigned, depending on marine response areas and the localities where oil spills occur.

a) Provincial People’s Committees shall directly take charge of local oil spill response activities;

b) The National Committee for Search and Rescue shall appoint one or more on-scene commanders at sea to respond in each area, depending on the specific situations and developments of the oil spill;

c) The National Committee for Search and Rescue shall directly give orders for activities of responding to major oil spills.

Article 21. International cooperation on response to oil spills occurring in Vietnam

1. In case where an oil spill occurs beyond the response capacity of domestic forces, the National Committee for Search and Rescue in conjunction with ministries and ministerial-level agencies shall report to the Prime Minister to seek his permission to call for aid or assistance from foreign emergency response forces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Cooperation on response to oil spills occurring in Vietnam shall be subject to agreements on emergency response support requirements between parties.

4. Granting permission for and cooperating in response to oil spills shall be subject to regulations on granting permission and cooperating in response activities with foreign emergency response forces in Vietnam.

Article 22. Assisting other countries in responding to oil spill incidents

1. For countries that have signed bilateral or multilateral treaties with Vietnam on response to oil spills, the provisions of these treaties shall apply.

2. For other countries, based on Vietnam's request for assistance and responsiveness, support agreements with national lead agencies of the requesting countries must be concluded.

3. Oil spill response units shall be responsible for regularly keeping in contact with, reporting to the National Committee for Search and Rescue on the situation, and providing adequate documentary evidence of payment and settlement.

Section 5. SEVERAL OTHER OPERATIONS INVOLVED IN OIL SPILL RESPONSE

Article 23. Notification of restricted areas

1. In order to facilitate incident rescue, salvage and response, the lead agency may establish a restricted area to prioritize rescue, salvage and response operations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 24. Use of dispersants and biological products in oil spill response activities

1. Only oil spill dispersants and biological products registered and authorized by the Ministry of Natural Resources and Environment may be used.

2. Oil spill dispersants may be used at sea only after judging that other methods for recovery of the spilled oil are inappropriate.

3. Using dispersants in internal waters, estuaries and coastal areas with a depth of less than 20 m or less than 01 nautical mile off the shore shall be prohibited.

4. Spilled oil dispersants and biological products may be used provided that they do not exceed the permissible amounts and comply with the procedures and instructions for use adopted by the Ministry of Natural Resources and Environment.

5. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge of, and cooperate with the Ministry of Science and Technology in, introducing the List of dispersants permitted for use at sea in Vietnam and adopting instructions about the procedures for using dispersants in response to oil spills at sea.

Article 25. Cooperate in using aircraft in response to oil spill incidents

1. The on-scene commander or the lead agency shall report to the National Committee for Search and Rescue to mobilize aircraft to participate in observation and monitoring activities at the oil spill scene, and scatter oil spill dispersants and absorbents.

2. Aircraft participating in observation, monitoring and scattering of dispersants shall notify the results of observation, monitoring and scattering at the incident scene to the air traffic service provider for transfer thereof to the on-scene commander or the lead agency.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 26. Cooperation in fire and explosion safety in response to oil spills

1. Response to oil spills must conform to fire and explosion safety regulations.

2. Fire control authorities shall advise local authorities on fire and explosion prevention and control measures in oil spill response activities.

3. Commanders of fire safety forces while on duty at the incident scene shall directly command fire and explosion prevention and fighting activities involved in response to oil spills.

Article 27. Temporary suspension and termination of oil spill response activities

1. Decisions on temporary suspension of oil spill response activities can be made when an unsafe situation, ongoing accidents or serious incidents may occur, or response activities are proven ineffective.

2. Decisions on close monitoring and observation of developments of the oil spill can be made as a basis to take further action as conditions permit.

3. Decisions on continued response activities can be made when the unsafe situation is eliminated, or response activities have been proven effective.

4. Decisions on termination of oil spill response activities can be made when the spilled oil is cleaned up, or the continued response activities at the scene have been proven ineffective.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter IV

OIL SPILL RECOVERY AND CONSEQUENCE MITIGATION

Section 1. OIL SPILL INVESTIGATION AND IDENTIFICATION OF CAUSES OF OIL SPILLS

Article 28. Oil spill investigation, identification of causes of oil spills

1. If any establishment causes an oil spill under the management of any specialized regulatory authority, that authority must lead or cooperate with concerned agencies in investigation activities.

2. The investigation into establishments and projects causing oil spills under the local management shall be conducted by the provincial People's Committees.

3. During the investigation process, in case of detecting any act constituting a crime, the investigating police agency must be reported for cooperation in investigation. In case where the investigating police agency requests the transfer of records, documents and material evidence related to an accident or incident causing an oil spill, they must be scanned or photocopied for specialized investigation activities; the transfer of records, documents and material evidence must be documented in the form of handover minutes according to regulations.

4. A comprehensive report on investigation and identification of causes of an oil spill must be sent to the National Committee for Search and Rescue, the Ministry of Natural Resources and Environment and relevant local authorities. In case where necessary, the National Committee for Search and Rescue and the Ministry of Natural Resources and Environment may request the agency in charge of the investigation to provide documents and reports during the investigation process.

Article 29. Investigation, identification of causes of oil spills in certain particular circumstances

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Inland waterway authorities in conjunction with Departments of Natural Resources and Environment and other competent authorities shall investigate and identify the causes of ship-source oil spill accidents and incidents in internal waters.

3. Investigating and identifying the causes of oil spill accidents and incidents at establishments fall within the remit of any ministry or central authority, specialized agencies or inspectors of that ministry or central authority shall preside over and cooperate with concerned agencies in implementation of these tasks.

4. Investigating and identifying the causes of oil spill accidents and incidents due to unknown causes fall within the scope of the provincial authority, Departments of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with concerned local agencies in giving counsels to provincial People’s Committees on implementation of these tasks.

5. In case where an oil spill is caused due to unknown causes and occurs on a large area in many provinces, the Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with relevant ministries and central authorities in investigating and identifying the causes of that oil spill.

6. In case where an oil spill causes extremely serious consequences, the National Committee for Search and Rescue shall preside over and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment, relevant ministries and central authorities in directing investigation and determination of the causes of that oil spill.

Article 30. Temporary arrest or detention of ships for investigation and identification of causes of oil spills

These actions must comply with the provisions of Articles 114, Article 115 and Article 116 of the 2015 Vietnam Maritime Code, amended and supplemented in 2018, and the Government’s Decree No. 58/2017/ND-CP dated May 10, 2017, detailing a number of articles of the Vietnam Maritime Code on management of maritime activities.

Article 31. Temporary suspension of business of establishments for accident, incident recovery, investigation and identification of causes of oil spills

1. The National Committee for Search and Rescue, governing ministries, central authorities or provincial People's Committees can make decisions on temporary suspension of business of establishments for accident, incident recovery, investigation and identification of causes of oil spills.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 2. OIL SPILL CONSEQUENCE MITIGATION

Article 32. Measurement and quantification of damage caused by oil spills

1. Damage caused by an oil spill (briefly called damage) is any human, property, economic and environmental damage, including:

a) Damage resulting in physical injuries or death;

b) Damage to property of an entity or person;

c) Damage to the environment, fishery, aquaculture, tourism and ecology;

d) Response costs and expenses incurred by entities or persons participating in response to oil spills;

dd) Costs and expenses incurred from carrying out reasonable measures for environmental remediation;

e) Loss of earnings due to impacts caused by oil spills.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Identifying and measuring damage and making application packages for compensation shall be subject to laws.

Article 33. Determination of compensation liabilities

1. Owners of establishments or owners of ships causing oil spills must be liable for compensation, response costs and economic and environmental damage. The party liable for compensation shall cooperate with the competent authority to handle compensation.

2. In case the damage caused by an oil spill has impacts within a province, the People's Committee of the province shall take charge of determining damage and compensation liabilities, and shall establish a provincial Steering Committee for mitigation of consequences of the oil spill which is composed of representatives of a number of advisory agencies assisting the province in response actions, consequence mitigation and environmental remediation.

3. In case of a large oil spill causes damage affecting many provinces, the National Committee for Search and Rescue shall take charge of cooperating with relevant ministries, ministerial-level agencies and local authorities in dealing with the consequences of the oil spill.

4. In case where the oil spill is particularly serious or affects many countries, the National Committee for Search and Rescue shall report to the Prime Minister to set up the Government’s Steering Committee to handle consequences of the oil spill.

Article 34. Regulations on compensation claims

1. Organizations and individuals that suffer damage due to oil pollution shall have the right to directly or authorize a lawyer to file a complaint against owners of establishments, projects or ships that cause oil spills to claim their compensation.

2. The Steering Committee for handling of consequences of oil spills shall prepare dossiers on and determine the total value of damage caused by the oil spill to request the Party responsible for compensation to ensure payment of compensation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 35. State budget allocations for emergency response activities

1. Competent state authorities shall be responsible for paying costs of participation in oil spill response activities to mobilized organizations and individuals and, at the same time, requesting the responsible party to reimburse the prepayment.

2. The temporary payment of costs of response to oil spills shall comply with the Regulations on financial management of search, rescue and response to natural disasters and calamities. Compensation shall be covered by the responsible party.

3. In case the competent state authority recovers the compensation amount less than the prepayment amount as prescribed by law, the state budget will pay the remaining deficit.

4. In case where the person causing the oil spill has not been identified yet, the state budget will fully reimburse the prepayment for response activities at the request for mobilization of state authorities.

Chapter V

RESPONSIBILITIES OF ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS INVOLVED IN OIL SPILLS

Article 36. National Committee for Search and Rescue

1. Acting as the lead agency to direct and organize the implementation of the National Plan to respond to oil spills nationwide.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Direct and mobilize forces and equipment of ministries, central authorities, regional oil spill response centers and local authorities to respond to oil spills occurring under the authority decentralized as specified in Article 6 of these Regulations.

4. Direct provision of specialized and professional training and coaching courses in response to oil spills for full-time, semi-full-time and part-time forces; organize drills, enter into synergies and cooperation with forces; propagate, educate the community in and disseminate knowledge about risks and dangers of oil spills to proactively take preventive and response actions.

5. Direct the investigation and verification of oil spills at the request of ministries, central and local authorities, establishment owners or competent authorities; recommend measures to prevent and minimize damage caused by the oil spill to the Prime Minister and relevant state agencies.

6. Cooperate with competent agencies of relevant countries to deal with oil spill incidents occurring on the seas or waters contiguous to other countries and report to the Prime Minister.

7. Send periodic general reports to the Prime Minister on oil spill response activities of the forces of ministries, ministerial-level agencies and local authorities, and make sudden reports in case of any oil spill that occurs.

Article 37. Ministry of National Defense

1. Cooperate and agree with the National Committee for Search and Rescue to develop and implement plans to combine the use of forces and means of the Navy, Air Force, Border Guard, Coast Guard and other forces of the Army for performing the tasks of the Ministry of National Defense with the monitoring and detection of oil spills, and get ready to participate in activities of responding to oil spills occurring under their respective remit.

2. Approve the oil spill response plan of the establishment under its authority; collaborate with local authorities to inspect the compliance of establishment owners with regulations to prevent and minimize the likelihood of any oil spill.

3. Direct regional oil spill response centers under their authority and mobilize military forces and means to participate in oil spill response in case of emergency and at the request of the National Committee for Search and Rescue and provincial People's Committees.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 38. Ministry of Public Security

1. Cooperate with relevant ministries, central and local authorities in dispatching forces and means to participate in response to, recovery and mitigation of consequences of oil spills.

2. Direct public security forces of units and local authorities to set up scene security forces; ensure political security, social order and safety, and cooperate with localities in evacuating people and property from the area where an oil spill occurs under their jurisdiction.

3. Cooperate with ministries, ministerial-level agencies and local authorities in investigating and clarifying causes of an oil spill; initiate the process of investigation into signs of offences against law related to an oil spill.

Article 39. Ministry of Natural Resources and Environment

1. Preside over, and cooperate with concerned ministries, central and local authorities in, promulgating or requesting competent authorities to promulgate documents on supervision, risk assessment, remedy and mitigation of consequences of oil spills, regulations on instructions about the use of oil spill dispersants, and issuing a list of dispersants permitted for use in the sea of ​​Vietnam.

2. Take charge of guiding ministries, central and local authorities to develop and update environmental sensitivity maps within respective areas under their management and periodically update the system of environmental sensitivity maps of coastal areas and islands of Vietnam for oil spill response purposes.

3. Cooperate with the National Committee for Search and Rescue and relevant ministries, central and local authorities in perform the tasks of response to, recovery and mitigation of consequences of oil spills.

4. Guide local authorities to investigate, assess, determine damage and prepare compensation dossiers for environmental damage, develop and implement plans to remediate the environment deteriorated by oil spills; direct the cooperation with provincial-level People's Committees in organizing the implementation thereof within two or more provinces or centrally-run cities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 40. Ministry of Transport

1. Take charge of, and cooperate with concerned ministries, central and local authorities in, promulgating or requesting competent authorities to promulgate documents on technical standards and regulations on maritime environment protection, prevention and response of specialized oil spills.

2. Take the lead in guiding the formulation and approval of the implementation of emergency response plans for petrol and oil establishments under their management, oil tankers, and plans for oil transshipment between ships at sea according to regulations.

3. Assume the prime responsibility for organizing the creation and publication of nautical charts of seaport waters and navigational channels, areas posing risk of causing oil spills to ensure maritime safety and oil spill response activities.

4. Announce on-the-watch and emergency frequencies (channels) of the Vietnam Coastal Radio, methods of communication with Vietnam's contacts about oil spills, centers and maritime search and rescue cooperation stations, maritime and inland waterway administrations to cooperate in oil spill response and rescue.

5. Cooperate with the National Committee for Search and Rescue, direct maritime, aerial and internal-waters search and rescue systems to effectively cooperate in response to oil spills, rescue and salvage activities on rivers and at sea.

6. Directing maritime authorities to guide port authorities to closely monitor oil transfer operations at ports, offshore oil and gas ports and ports, and between ships at sea to be ready to take response actions in case of any incident occurring.

Article 41. Ministry of Industry and Trade

1. Cooperate with the National Committee for Search and Rescue, the Ministry of National Defense, the Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Transport and the provincial People's Committees in directing the units involved in oil exploration, extraction, processing, trading, transportation, transshipment, storage and use of oil to have measures to respond to oil spills and protect the environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 42. Ministry of Foreign Affairs

1. Direct ministries' agencies and overseas Vietnamese representative agencies to cooperate in completing required procedures for Vietnam's oil spill response units to participate in international support and foreign response support forces in Vietnam at the request of the National Committee for Search and Rescue.

2. Cooperate with the National Committee for Search and Rescue, ministries and ministerial-level agencies through diplomatic channels in exchanging information, requesting cooperation or offer assistance in responding to incidents if any oil spill occurs within an overseas territory or sea, affecting Vietnam, or an oil spill occurring within Vietnam's territory or sea affecting foreign countries.

3. Cooperate with the National Committee for Search and Rescue and relevant ministries and central authorities in international cooperation in oil spill response operations.

Article 43. Relevant ministries and central authorities

1. Collaborate with local authorities and regional oil spill response centers to inspect owners of establishments under their jurisdiction to prevent and minimize the likelihood of any oil spill.

2. Direct agencies and units under the control of ministries and central authorities to submit plans for use of forces and means according to the National Plan for oil spill response to the National Committee for Search and Rescue.

3. Direct agencies and units under the control of ministries and central authorities to promptly organize forces and means to participate in oil spill response activities when they are requisitioned by the National Committee for Search and Rescue and competent authorities.

4. Report on oil spills occurring under the management of ministries and central authorities; annually report on the situation and results of implementation of oil spill response tasks of ministries and central authorities to the National Committee for Search and Rescue.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Provincial People’s Committees shall be responsible for implementing provincial oil spill response plans according to the provisions of Article 7 and 11 in these Regulations.

2. Approve oil spill response plans of local facilities and ports according to regulations; inspect and supervise the implementation of local oil spill response plans.

3. Promptly direct and report on response to oil spills that may occur within the provinces; take charge of assessing and measuring damage, preparing complete legal documents, and requesting the owners of facilities or ships that cause oil spills to pay compensation.

4. Direct training and coaching courses in response to and mitigation of consequences of oil spills within their remit; propagate, raise public awareness, disseminate knowledge about risks and dangers of oil spills to protect the marine environment, proactively prevent and take response actions within their jurisdiction.

5. Report to the National Committee for Search and Rescue on the situation and results of implementation of local oil spill response plans on a 6-month and annual basis.

Article 45. Responsibilities of regional oil spill response centers

1. Act as a specialized and key force to respond to oil spills occurring at the areas within their remit; implement oil spill response activities under their delegated authority and oil spill response contracts with facilities; get ready for response to oil spills occurring nationwide under the direction of the National Committee for Search and Rescue.

2. Implement and guide provincial authorities to develop oil spill response plans under the direction of the National Committee for Search and Rescue, and participate in the panel for assessment of the incident response plan of the facility.

3. Develop regional oil spill response plans on land, at sea and submit them to the National Committee for Search and Rescue for its review and approval.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Organize specialized and professional training courses, seminars and workshops on oil spill response according to the plan approved by the National Committee for Search and Rescue, or the governing body.

Article 46. Responsibilities of ports, establishments/facilities

1. Ports and facilities should formulate and submit their own oil spill response plans to competent authorities for their review and approval and organize effective implementation thereof after being released and get ready to participate in joint response activities at the mobilization request or under the command of competent authorities.

2. On an annual basis, plan training sessions or send officers or staff members directly participating in response activities to training courses on improvement of response skills. On a 6-month basis, organize practice and exercise sessions in response to oil spills at the scene.

3. Have plans to invest in equipment and supplies to gradually improve the autonomous response capacity of ports and facilities as prescribed; sign agreements and contracts on preparedness for oil spill response with agencies and units having response competence to execute these plans in case of emergency.

4. Proactively launch response activities, mobilize resources to respond promptly and effectively to any oil spill likely to occur.

Article 47. Responsibilities of entities and persons

1. Domestic and foreign organizations and individuals should invest in infrastructure and equipment used for oil spill response and environmental protection activities in accordance with Vietnamese law.

2. Organizations and individuals providing response services should participate in oil spill response and recovery plans.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. If any organization and individual is named in the list of resources ready to be requisitioned, mobilized for response to oil spills in a plan for response to an oil spill at a particular level, they must comply with the mobilization order of the agency in charge of implementing the emergency plan for response to the oil spill at that level.

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/03/2021 về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


30.483

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.17.207
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!