Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 02/2013/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 14/01/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 02/2013/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;

Thủ tướng Chính phủ Quyết định ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013 và thay thế Quyết định số 103/2005/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Điều 3. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn;
- BCĐ phòng, chống lụt, bão Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nội dung hoạt động chuẩn bị, tổ chức ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự cố tràn dầu và thực hiện hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Quy chế này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dầu và các sản phẩm của dầu bao gồm:

a) Dầu thô là dầu từ các mỏ khai thác chưa qua chế biến;

b) Dầu thành phẩm là các loại dầu đã qua chế biến như xăng, dầu hỏa, dầu máy bay, dầu Diesel (DO), dầu mazút (FO), và các loại dầu bôi trơn bảo quản, dầu thủy lực;

c) Các loại khác là dầu thải, nước thải lẫn dầu từ hoạt động súc rửa, sửa chữa tàu của tàu biển, tàu sông, các phương tiện chứa dầu;

Dầu trong Quy chế này được hiểu là tất cả các loại nói trên.

2. Sự cố tràn dầu là hiện tượng dầu từ các phương tiện chứa, vận chuyển khác nhau, từ các công trình và các mỏ dầu thoát ra ngoài môi trường tự nhiên do sự cố kỹ thuật, thiên tai hoặc do con người gây ra.

3. Sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng là sự cố tràn dầu xảy ra với khối lượng lớn dầu tràn ra trên diện rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, môi trường và đời sống, sức khoẻ của nhân dân.

4. Ứng phó sự cố tràn dầu là các hoạt động sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư nhằm xử lý kịp thời, loại trừ hoặc hạn chế tối đa nguồn dầu tràn ra môi trường.

5. Khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu là các hoạt động nhằm làm sạch đất, nước, hệ sinh thái khu vực bị nhiễm dầu và các biện pháp hạn chế thiệt hại, phục hồi môi sinh, môi trường sau sự cố tràn dầu.

6. Hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu là tất cả các hoạt động từ việc chuẩn bị, ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

7. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu là dự kiến các nguy cơ, tình huống sự cố có khả năng xảy ra tràn dầu cùng các phương án ứng phó trong tình huống dự kiến đó, các chương trình huấn luyện, diễn tập để đảm bảo sự sẵn sàng các nguồn lực kịp thời ứng phó khi sự cố tràn dầu xảy ra trên thực tế.

8. Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu là phương án triển khai các hoạt động khẩn cấp để ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu.

9. Hiện trường ứng phó sự cố tràn dầu là khu vực triển khai các hoạt động ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

10. Chỉ huy hiện trường là người được phân công hoặc được chỉ định trực tiếp chỉ huy mọi hoạt động ứng phó tại nơi xảy ra sự cố tràn dầu. Quyền hạn và trách nhiệm của chỉ huy hiện trường được quy định cụ thể trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của từng cơ sở, địa phương, đơn vị.

11. Cơ sở là các cơ quan, đơn vị cá nhân có hoạt động về khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu và các sản phẩm dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu.

12. Cơ sở ngoài khơi là bất kỳ thiết bị, cấu trúc lắp đặt cố định hay di động trên mặt biển ở phía bên ngoài lãnh hải Việt Nam tham gia vào việc thăm dò, khai thác hoặc các hoạt động sản xuất, hay xếp dỡ dầu.

13. Chủ cơ sở là người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ về pháp lý đối với các hoạt động của cơ sở.

14. Cơ quan chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu là cơ quan tổ chức các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

15. Đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu (đơn vị ứng phó) là các tổ chức có trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu và nhân lực được huấn luyện, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ để tiến hành hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

16. Dự án là dự án đầu tư xây dựng công trình, cơ sở, cảng có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.

17. Dự án ngoài khơi là dự án đầu tư xây dựng triển khai ở phía bên ngoài lãnh hải Việt Nam.

18. Khu vực ưu tiên bảo vệ là khu vực có độ nhạy cảm cao về môi trường hoặc kinh tế xã hội, cần ưu tiên bảo vệ khi xảy ra sự cố tràn dầu như rừng ngập mặn, dải san hô? khu bảo tồn sinh thái, khu dự trữ sinh quyển, điểm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, khu di tích lịch sử đã được xếp hạng, khu du lịch, khu nuôi trồng thủy sản tập trung.

19. Khu vực hạn chế hoạt động là khu vực được xác lập bởi các tọa độ trên hải đồ trên biển hoặc bằng các ranh giới, địa giới cụ thể trên bờ, ven biển để cảnh báo, hạn chế sự đi lại trong khu vực để bảo đảm an toàn khi tiến hành cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu.

20. Bên gây ra ô nhiễm tràn dầu là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào gây ra tràn dầu làm ô nhiễm môi trường.

21. Đầu mối liên lạc quốc gia về sự cố dầu tràn, hóa chất độc hại trên biển (viết tắt là Đầu mối liên lạc quốc gia) là đầu mối thường trực chịu trách nhiệm nhận, chuyển phát và xử lý các báo cáo khẩn cấp từ tàu trên vùng biển Việt Nam về các sự cố liên quan đến dầu, hóa chất độc hại.

Điều 4. Nguyên tắc trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

1. Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, các phương án hợp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu.

2. Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin sự cố tràn dầu kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.

3. Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.

4. Chủ động ứng phó gần nguồn dầu tràn để ngăn chặn, hạn chế dầu tràn ra môi trường. Giám sát chặt chẽ nguy cơ lan tỏa dầu tràn vào đường bờ để xác định thứ tự ưu tiên và tiến hành các biện pháp bảo vệ các khu vực ưu tiên bảo vệ.

5. Đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ trong ứng phó.

6. Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.

7. Bên gây ra ô nhiễm tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tràn dầu gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Phân cấp ứng phó sự cố tràn dầu

Căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp sau đây:

1. Cấp cơ sở:

a) Sự cố tràn dầu xảy ra ở cơ sở: Chủ cơ sở phải tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời. Chủ cơ sở xảy ra sự cố tràn dầu chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường.

b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, nguồn lực tại chỗ không đủ tự ứng phó, cơ sở phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) trợ giúp.

c) Trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng hoặc sự cố tràn dầu xảy ra trong khu vực ưu tiên bảo vệ, Thủ trưởng các cơ quan đang giữ trách nhiệm là chỉ huy hiện trường phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để chỉ đạo, kịp thời ứng phó.

2. Cấp khu vực:

a) Sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố tràn dầu xảy ra không rõ nguyên nhân trôi vào bờ biển của các địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì và chỉ định người chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch của địa phương, đồng thời được phép huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các Bộ, ngành trên địa bàn, của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để ứng phó.

b) Đầu mối chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu là Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh.

3. Cấp Quốc gia

a) Trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó.

b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế.

Trong quá trình tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu ở các cấp nêu trên, cơ quan chủ trì hoặc chỉ huy hiện trường phải chủ động xử lý, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố, đề xuất các kiến nghị cần thiết đến cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Điều 6. Phân loại mức độ sự cố tràn dầu

1. Sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức từ nhỏ, trung bình đến lớn. Cụ thể:

a) Sự cố tràn dầu nhỏ (mức nhỏ) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 tấn;

b) Sự cố tràn dầu trung bình (mức trung bình) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 tấn đến 500 tấn;

c) Sự cố tràn dầu lớn (mức lớn) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn lớn hơn 500 tấn.

2. Việc phân loại mức độ sự cố tràn dầu để xây dựng kế hoạch ứng phó và xác định mức độ đầu tư trang thiết bị, nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó kịp thời đối với các cấp độ ứng phó khác nhau.

Chương 2.

CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 7. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp

1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu và chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu từ mức trung bình trở lên phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương trình Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thẩm định và phê duyệt.

3. Các cảng, cơ sở, dự án tại địa phương phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.

4. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình Ủy ban nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) xem xét, phê duyệt. Kế hoạch được phê duyệt phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để tổng hợp trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh.

5. Các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, xin ý kiến Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xảy ra sự cố tại cơ sở, dự án trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thẩm định và trình Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt.

6. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phải xây dựng Kế hoạch, phương án huy động phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực được phân công, trình Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt.

7. Các tàu chở dầu có tổng dung tích từ 150 tấn trở lên, các tàu loại khác có tổng dung tích từ 400 tấn trở lên phải có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm hóa chất được Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt theo quy định.

8. Tàu chở dầu Việt Nam có tổng dung tích từ 150 tấn đăng ký trở lên tham gia vào việc chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển Việt Nam phải có Kế hoạch hoạt động chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển được Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt theo quy định.

9. Chủ tàu phải có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ tàu xảy ra sự cố tràn dầu trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố.

10. Các Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định từ Khoản 1 đến Khoản 9 của Điều này sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thông báo cho các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan về nội dung thực hiện để phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quy định trong Kế hoạch.

Điều 8. Xây dựng nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu các cấp

1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thiết lập chương trình và tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập để nâng cao hiệu quả phối hợp ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu cấp quốc gia tại Việt Nam.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu chuyên ngành cho cấp khu vực và quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì xây dựng và tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện, diễn tập để nâng cao hiệu quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại địa phương.

4. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu phải bảo đảm cho cán bộ, nhân viên được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng khả năng sẵn sàng triển khai các hoạt động ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố. Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực thực hiện tập huấn, diễn tập theo Kế hoạch đã được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt.

5. Cơ sở, cảng, dự án phải đầu tư hoặc hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm để huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu dưới 20 tấn phải triển khai quây chặn dầu trong vòng 1 giờ; trên 20 tấn đến dưới 100 tấn triển khai trong vòng 12 giờ; trên 100 tấn đến 500 tấn triển khai tiếp cận hiện trường trong vòng 24 giờ. Sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 9. Bảo đảm tài chính để bồi thường thiệt hại đối với ô nhiễm dầu

1. Chủ của các tàu có tổng dung tích lớn hơn 1000 tấn đăng ký trở lên phải mua bảo hiểm hoặc các bảo đảm tài chính khác theo mức trách nhiệm dân sự được pháp luật quy định để bồi thường thiệt hại đối với ô nhiễm dầu. Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính phải có trên tàu để xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

2. Chủ cơ sở, dự án có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu có cam kết bảo đảm tài chính để bồi thường mọi thiệt hại đối với ô nhiễm dầu do cơ sở, dự án gây ra. Cam kết bảo đảm tài chính phải thể hiện trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp

1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu và kiểm tra việc thực hiện các Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền phê duyệt.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, dự án thuộc địa bàn quản lý.

3. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc thực hiện các Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi thuộc thẩm quyền.

4. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt và phối hợp các cơ quan có thẩm quyền của địa phương kiểm tra thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở tại địa phương trong khu vực.

5. Cơ sở thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt.

6. Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa, cơ quan quản lý đường thủy nội địa chủ trì kiểm tra, giám sát thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng và các tàu hoạt động trong vùng nước cảng biển, đường thủy nội địa do cảng vụ quản lý.

7. Tàu thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt.

Điều 11. Tổ chức giám sát sự cố tràn dầu

1. Việc giám sát phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu và tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu được thực hiện thông qua các hoạt động: Giám sát trực tiếp tại tàu, cảng, cơ sở; giám sát của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đất liền, sông, biển và bằng máy bay; giám sát thông qua hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống ra đa quan trắc môi trường biển và hệ thống viễn thám; tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu do các tổ chức, cá nhân và từ các nguồn khác cung cấp.

2. Tất cả các cảng, cơ sở, dự án đang triển khai thực hiện phải tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ tràn dầu cao trong địa bàn hoạt động của mình để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

3. Tàu dầu tiến hành chuyển tải, sang mạn tàu khác trên vùng biển Việt Nam phải thông báo ít nhất trước 48 giờ Kế hoạch chuyển tải, sang mạn cho Đầu mối liên lạc quốc gia hoặc Cảng vụ gần nhất về thời gian, vị trí và khối lượng dầu sẽ tiến hành chuyển tải, sang mạn theo quy định để các cơ quan có thẩm quyền giám sát và có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố tràn dầu. Chỉ được phép thực hiện việc chuyển tải, sang mạn khi được sự đồng ý của Đầu mối liên lạc quốc gia hoặc Cảng vụ.

Chương 3.

TỔ CHỨC ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

MỤC 1. PHỐI HỢP VỀ THÔNG TIN TRONG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 12. Đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu

1. Các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời đến một trong các cơ quan sau đây:

a) Đầu mối liên lạc quốc gia về sự cố tràn dầu trên biển;

b) Cảng vụ gần nhất;

c) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực;

d) Trung tâm phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực (trong trường hợp yêu cầu cứu hộ, cứu nạn trên biển);

đ) Các đài thông tin duyên hải Việt Nam để chuyển tiếp thông tin về cơ quan chủ trì ứng phó hoặc cơ quan cứu hộ, cứu nạn;

e) Sở Tài nguyên và Môi trường;

g) Chính quyền địa phương nơi gần nhất;

h) Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành và địa phương liên quan.

2. Máy bay phát hiện vết dầu trên biển thông báo về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn để chuyển tiếp thông tin về cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Ngoài các đầu mối trên, khi để xảy ra tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có thể thông tin đến bất kỳ địa chỉ liên lạc nào như: Các đài thông tin duyên hải, Ủy ban nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); các đơn vị Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy để xử lý hoặc chuyển tiếp thông tin về cơ quan chủ trì ứng phó.

4. Xử lý thông tin, báo cáo về sự cố tràn dầu.

Khi nhận được thông tin, báo cáo về sự cố tràn dầu, cơ quan chủ trì ứng phó phải:

a) Đánh giá tính xác thực của thông tin về sự cố;

b) Sơ bộ đánh giá tính chất, phạm vi, mức độ và hậu quả có thể của sự cố tràn dầu;

c) Triển khai phương án, biện pháp ứng phó khẩn cấp với tình huống;

d) Thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan về biện pháp, kế hoạch phối hợp ứng phó khẩn cấp và ký kết hoặc quyết định các hoạt động triển khai ứng phó;

đ) Thông báo cho các cơ quan, đơn vị và người dân trong vùng, khu vực bị ảnh hưởng hoặc có khả năng bị ảnh hưởng về sự cố tràn dầu để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả;

e) Báo cáo các cấp có thẩm quyền về tình hình xử lý thông tin và các biện pháp triển khai phối hợp ứng phó cụ thể và các đề xuất, kiến nghị.

Điều 13. Công tác báo cáo trong ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu

1. Báo cáo sự cố tràn dầu duy trì liên tục từ lúc phát hiện dầu tràn đến khi kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, bao gồm:

a) Báo cáo ban đầu sự cố tràn dầu: Thực hiện khi phát hiện về sự cố tràn dầu;

b) Các báo cáo sự cố tràn dầu tiếp theo: Thực hiện định kỳ hàng ngày trong quá trình ứng phó sự cố tràn dầu;

c) Báo cáo kết thúc sự cố tràn dầu: Thực hiện khi kết thúc các hoạt động ứng phó;

d) Báo cáo tổng hợp sự cố tràn dầu: Thực hiện để tổng hợp tình hình ứng phó sự cố tràn dầu từ lúc phát hiện dầu tràn đến khi kết thúc các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

2. Nội dung báo cáo gồm:

a) Thời gian xảy ra hoặc phát hiện sự cố;

b) Vị trí sự cố, tọa độ (nếu có);

c) Loại dầu (dầu thô, dầu thành phẩm ...);

d) Ước tính khối lượng và tốc độ dầu tràn;

đ) Điều kiện thời tiết (sóng, gió, dòng chảy...);

e) Các thông tin liên quan khác;

g) Các hoạt động đã và dự kiến triển khai;

h) Các yêu cầu, đề nghị trợ giúp, cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu.

3. Trong quá trình ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành và địa phương phải thường xuyên báo cáo theo phân cấp quy định.

MỤC 2. ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CẤP CƠ SỞ

Điều 14. Ứng phó sự cố tràn dầu do tàu gây ra trên biển

1. Khi xảy ra sự cố tràn dầu, tàu phải triển khai ngay các biện pháp khắc phục sự cố theo Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại của tàu nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế lượng dầu tràn ra môi trường, đồng thời phải báo cáo khẩn cấp về Đầu mối tiếp nhận thông tin sự cố tràn dầu theo quy định tại Điều 12 của Quy chế này.

2. Trong trường hợp do tai nạn, sự cố của tàu gây ra tràn dầu liên quan đến các hoạt động cứu hộ, cứu nạn người, tàu gặp nạn và ứng phó sự cố tràn dầu. Việc tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu, cứu hộ, cứu nạn theo các tình huống sau:

a) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực hoặc các đơn vị cứu hộ, cứu nạn hàng hải thực hiện hợp đồng dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu theo đề nghị của thuyền trưởng, chủ tàu hoặc người đại diện, đại lý của chủ tàu;

b) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phối hợp với Trung tâm phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn hàng hải khu vực để tiến hành đồng thời các hoạt động cứu hộ, cứu nạn người và tàu gặp nạn;

c) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực hoặc các đơn vị cứu hộ, cứu nạn hàng hải có trách nhiệm phối hợp khi được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh huy động tham gia ứng phó.

3. Trong trường hợp chỉ có các đơn vị cứu hộ, cứu nạn hàng hải tham gia ứng phó ngoài khơi thì đơn vị nào có năng lực và kinh nghiệm ứng phó hơn sẽ được cơ quan có thẩm quyền chỉ định làm chỉ huy hiện trường. Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực làm chỉ huy hiện trường trong trường hợp được điều động tham gia ứng phó.

4. Cảng vụ hàng hải khẩn trương điều động tàu, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.

5. Trường hợp sự cố tràn dầu do nhiều tàu gây ra, các tàu phải phối hợp với nhau cùng khắc phục hậu quả và phải chấp hành sự chỉ đạo của cảng vụ và chỉ huy hiện trường.

6. Trường hợp dầu tràn có nguy cơ lan vào bờ, chỉ huy hiện trường phải báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng bị ảnh hưởng biết để tổ chức giám sát và chuẩn bị ứng phó.

7. Trường hợp dầu tràn trên diện rộng và khó có khả năng bao quát toàn bộ hiện trường, chỉ huy hiện trường và cơ quan chủ trì ứng phó phải kịp thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để huy động hỗ trợ giám sát dầu tràn thông qua các hình thức khác như giám sát bằng ra đa, bằng công nghệ viễn thám hoặc giám sát bằng máy bay, phát thông báo hàng hải đề nghị cung cấp thông tin.

8. Cảng vụ và các cơ quan liên quan phải để tàu tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu một cách nhanh chóng khi có lệnh điều động của các cơ quan có thẩm quyền hoặc có yêu cầu cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu.

9. Căn cứ tình huống cụ thể, có thể tiến hành tạm giữ dầu thu gom để tái sử dụng và bắt giữ tàu gây tràn dầu bảo đảm bồi thường.

10. Việc yêu cầu chủ tàu và bảo hiểm của chủ tàu gây ô nhiễm khẩn trương thiết lập Quỹ bảo đảm bồi thường theo mức giới hạn trách nhiệm dân sự theo quy định.

11. Chỉ huy hiện trường và cơ quan, đơn vị chủ trì ứng phó phải thực hiện các quy định thông tin, báo cáo về Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để chỉ đạo và hỗ trợ khi cần thiết.

Điều 15. Ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở, dự án

1. Cơ sở phải xây dựng Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do cơ sở gây ra.

2. Trong trường hợp tiềm lực và khả năng bị hạn chế, cơ sở phải hợp đồng với các cơ sở có khả năng ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng hoặc với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để hỗ trợ ứng phó khi sự cố tràn dầu xảy ra.

3. Cơ sở phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có thẩm quyền nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu thiệt hại do ô nhiễm dầu gây ra một cách nhanh nhất.

4. Trường hợp xét thấy cơ sở ứng phó không hiệu quả hoặc sự cố tràn dầu có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp hoặc chỉ định chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó.

5. Khi xảy ra sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, cơ sở phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và triển khai phương án ứng phó theo Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chủ trì và chỉ định chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó.

Điều 16. Ứng phó sự cố tràn dầu tại khu vực cảng

1. Các cảng phải xây dựng, triển khai ngay Kế hoạch khẩn cấp để huy động nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu.

2. Trong trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng của cảng, phải hợp đồng với các cơ sở có khả năng ứng phó hoặc với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để tham gia ứng phó sự cố.

3. Cảng vụ phải phối hợp các cơ quan liên quan tại địa phương tiến hành giám sát, đánh giá tình hình hiệu quả việc khắc phục sự cố tràn dầu.

4. Trường hợp xét thấy cảng ứng phó không hiệu quả hoặc sự cố tràn dầu có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng hơn, Cảng vụ kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trực tiếp chỉ đạo ứng phó.

5. Khi cần thiết, Cảng vụ có thể tạm giữ, bảo quản dầu đã thu gom có thể tái sử dụng được để đảm bảo bồi thường chi phí ứng phó cũng như thiệt hại do dầu tràn gây ra. Việc bàn giao lại số dầu đã thu gom phải căn cứ vào số tiền được bồi thường để thỏa thuận hoặc cam kết bồi thường đã thống nhất với chủ tàu.

6. Trường hợp chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu chưa thiết lập quỹ bảo đảm bồi thường, Giám đốc Cảng vụ; các cơ quan có thẩm quyền hoặc lực lượng ứng phó có thể làm thủ tục kiện lên Tòa án để yêu cầu bắt giữ tàu nhằm đảm bảo bồi thường chi phí ứng phó, thiệt hại và tổn thất do sự cố tràn dầu gây ra.

7. Việc ứng phó sự cố tràn dầu tại khu vực cảng quân sự, cảng thủy nội địa cũng áp dụng đối với các quy định tại Điều này.

8. Đối với các tàu quân sự, tàu của nhà nước gây ra sự cố tràn dầu không áp dụng quy định tại các Khoản 5 và 6 của Điều này.

MỤC 3. ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CẤP KHU VỰC

Điều 17. Ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì hoặc chỉ định chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo Kế hoạch khẩn cấp ứng phó của tỉnh.

2. Căn cứ tình hình diễn biến của sự cố tràn dầu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định chỉ huy hiện trường, huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các Bộ, ngành trên địa bàn để ứng phó.

3. Trường hợp dầu tràn xảy ra trên địa bàn của tỉnh này có nguy cơ hoặc lan sang địa bàn của tỉnh khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu phải chủ động thông báo cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng để phối hợp ứng phó, đồng thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để chuẩn bị phương án hỗ trợ khi cần thiết.

Điều 18. Nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương

1. Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu theo Kế hoạch khẩn cấp ứng phó của tỉnh để huy động lực lượng, phương tiện của địa phương và của các Bộ, ngành trên địa bàn ứng phó sự cố tràn dầu.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, hướng dẫn các hoạt động bảo vệ môi trường trong khắc phục và làm sạch đường bờ, quản lý chất thải sau thu gom; các phương án bảo vệ vùng nhạy cảm; điều tra, đánh giá thiệt hại về môi trường và xây dựng các chương trình phục hồi môi trường sau tràn dầu; phối hợp với các cơ quan liên quan xác định nguyên nhân gây ra sự cố tràn dầu.

3. Cảng vụ tham mưu về bảo đảm an toàn hàng hải và giao thông đường thủy trong quá trình huy động tàu, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực.

4. Các sở, ban, ngành liên quan của địa phương và các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, Cảnh sát Giao thông đường thủy, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đóng quân trên địa bàn tham mưu điều động lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.

5. Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu khác tham gia vào Kế hoạch ứng phó khẩn cấp của tỉnh có trách nhiệm thực hiện các hoạt động phối hợp cứu nạn, cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu khi được huy động.

MỤC 4. ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CẤP QUỐC GIA

Điều 19. Ứng phó sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng của cấp khu vực

1. Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cấp khu vực, xảy ra trên diện rộng mang tính liên vùng hoặc sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo các hoạt động ứng phó theo Kế hoạch khẩn cấp quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu.

2. Ứng phó sự cố tràn dầu trên diện rộng được phân chia theo khu vực ứng phó trên biển và tại các địa phương xảy ra sự cố tràn dầu.

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chủ trì tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu tại khu vực địa phương;

b) Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ định một hoặc nhiều chỉ huy hiện trường trên biển để ứng phó theo từng khu vực căn cứ tình hình, diễn biến cụ thể của sự cố tràn dầu;

c) Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 20. Phối hợp quốc tế trong ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam

1. Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phối hợp với các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu của nước ngoài vào trợ giúp.

2. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì thống nhất với cơ quan liên quan thỏa thuận về yêu cầu hỗ trợ ứng phó.

3. Việc phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam thực hiện theo thỏa thuận về yêu cầu hỗ trợ ứng phó được các Bên thống nhất.

4. Việc cấp phép và phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu thực hiện theo quy định về việc cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng hỗ trợ ứng phó của nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 21. Hỗ trợ các quốc gia khác trong ứng phó sự cố tràn dầu

1. Đối với các quốc gia đã ký kết Điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương với Việt Nam về ứng phó sự cố tràn dầu thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế đã ký kết.

2. Đối với các quốc gia khác sẽ căn cứ theo đề nghị hỗ trợ và khả năng đáp ứng của Việt Nam để thống nhất thỏa thuận hỗ trợ với cơ quan đầu mối về ứng phó sự cố tràn dầu của quốc gia đề nghị.

3. Các đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu có trách nhiệm thường xuyên giữ liên lạc, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về tình hình và cung cấp đầy đủ các tài liệu, hồ sơ phục vụ việc thanh quyết toán.

MỤC 5. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC TRONG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 22. Thông báo về khu vực hạn chế hoạt động

1. Trong trường hợp cần thiết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu, cơ quan chủ trì ứng phó có thể thiết lập khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu.

2. Việc xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động về khu vực cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo đề nghị của cơ quan chủ trì ứng phó.

3. Bộ Giao thông vận tải quy định việc thông báo về khu vực hạn chế hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.

Điều 23. Trục vớt tàu bị chìm đắm gây ra hoặc có khả năng gây ra sự cố tràn dầu

1. Tàu có nguy cơ bị chìm đắm phải thông báo khẩn cấp cho Cảng vụ hoặc Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực để triển khai ngay các hoạt động cứu người bị nạn.

2. Trường hợp tàu bị chìm đắm gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải và giao thông thủy nội địa, chủ tàu bị chìm đắm phải xây dựng ngay phương án trục vớt tàu, trong đó phải đảm bảo biện pháp ngăn ngừa và kịp thời ứng phó sự cố tràn dầu trong quá trình trục vớt tàu, báo cáo Cảng vụ hàng hải và tổ chức trục vớt tài sản sau khi được Cảng vụ hàng hải chấp thuận.

3. Việc trục vớt tàu bị chìm đắm thực hiện theo các quy định về trục vớt cứu hộ hàng hải.

Điều 24. Sử dụng các chất phân tán dầu tràn và chế phẩm sinh học trong ứng phó sự cố tràn dầu

1. Chỉ được sử dụng các chất phân tán dầu tràn và chế phẩm sinh học đã đăng ký và được phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Chỉ được sử dụng chất phân tán dầu tràn trên biển sau khi xét thấy việc áp dụng các biện pháp thu hồi dầu tràn khác là không phù hợp.

3. Cấm dùng chất phân tán trong khu vực thủy nội địa, cửa sông, ven biển có độ sâu nhỏ hơn 20 m hoặc cách bờ dưới 01 hải lý và tại các khu vực có độ nhạy cảm cao.

4. Sử dụng các chất phân tán dầu tràn và chế phẩm sinh học không được vượt quá mức cho phép và tuân thủ quy trình, hướng dẫn sử dụng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.

Điều 25. Phối hợp sử dụng tàu bay tham gia ứng phó sự cố tràn dầu

1. Khi cần thiết, Chỉ huy hiện trường hoặc cơ quan chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để điều động tàu bay tham gia giám sát hiện trường dầu tràn và rải chất phân tán, chất hấp thụ dầu.

2. Tàu bay tham gia quan trắc, giám sát, rải chất phân tán phải thông báo kết quả quan trắc, giám sát, rải chất phân tán tại hiện trường về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu để chuyển tiếp về Chỉ huy hiện trường hoặc cơ quan chủ trì ứng phó.

3. Các hoạt động sử dụng tàu bay tham gia ứng phó sự cố tràn dầu thực hiện theo Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển và các quy định có liên quan khác.

Điều 26. Phối hợp bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ trong ứng phó sự cố tràn dầu

1. Ứng phó sự cố tràn dầu phải tuân thủ các quy định về an toàn, phòng chống cháy, nổ.

2. Cơ quan phòng cháy và chữa cháy tham mưu cho chính quyền địa phương về phòng chống cháy, nổ trong các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

3. Chỉ huy lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại hiện trường trực tiếp chỉ huy hoạt động phòng chống cháy, nổ trong ứng phó sự cố tràn dầu.

Điều 27. Tạm dừng và kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

Cơ quan chủ trì ứng phó:

1. Quyết định tạm dừng hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu khi xuất hiện tình huống gây mất an toàn, có nguy cơ xảy ra tiếp các tai nạn, sự cố nghiêm trọng hoặc việc ứng phó không đem lại hiệu quả.

2. Quyết định tiến hành giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của sự cố tràn dầu để tiếp tục triển khai khi điều kiện cho phép.

3. Quyết định tiếp tục cho triển khai các hoạt động ứng phó khi đã loại bỏ được tình huống gây mất an toàn hoặc khi thấy hoạt động ứng phó tiếp tục đem lại hiệu quả.

4. Quyết định kết thúc các hoạt động ứng phó khi dầu tràn đã được làm sạch hoặc tiếp tục ứng phó tại hiện trường không đem lại hiệu quả.

5. Căn cứ từng tình huống cụ thể để quyết định việc tạm dừng, tiếp tục triển khai, kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu tại một, nhiều khu vực hay toàn bộ chiến dịch ứng phó.

Chương 4.

KHẮC PHỤC VÀ GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ SỰ CỐ TRÀN DẦU

MỤC 1. ĐIỀU TRA, XÁC ĐỊNH NGUYÊN NHÂN SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 28. Điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu

1. Cơ sở, dự án gây ra sự cố tràn dầu thuộc diện quản lý của chuyên ngành nào thì do cơ quan quản lý chuyên ngành đó chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khác tổ chức điều tra.

2. Việc điều tra cơ sở, dự án gây ra sự cố tràn dầu thuộc diện quản lý của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phụ trách cơ sở, dự án tiến hành.

3. Cơ quan chủ trì điều tra thành lập Tổ điều tra. Thành viên của Tổ điều tra phải là người có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật cần thiết theo lĩnh vực điều tra.

4. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì thông báo cho cơ quan cảnh sát điều tra để phối hợp điều tra. Trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến tai nạn, sự cố gây tràn dầu phải sao hoặc phô tô lại để phục vụ việc điều tra chuyên ngành; việc chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng phải lập biên bản bàn giao theo quy định.

5. Báo cáo tổng hợp về điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu phải gửi Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có liên quan. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể yêu cầu cơ quan chủ trì điều tra cung cấp các tài liệu, báo cáo tiến hành trong quá trình điều tra.

Điều 29. Điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu đối với một số trường hợp đặc thù

1. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố do các tàu gây ra tràn dầu trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam do Cảng vụ hàng hải chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thuộc địa bàn quản lý.

2. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố do các tàu gây ra tràn dầu trên đường thủy nội địa do Cảng vụ Đường thủy nội địa hoặc Cơ quan quản lý các đoạn đường thủy nội địa phụ trách phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng tiến hành trong địa bàn quản lý.

3. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố gây ra tràn dầu tại cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, ngành nào thì cơ quan chuyên môn, thanh tra chuyên ngành của Bộ, ngành đó chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.

4. Điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố gây ra tràn dầu chưa rõ nguyên nhân thuộc trách nhiệm của tỉnh thì Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện.

5. Đối với trường hợp sự cố tràn dầu chưa rõ nguồn gốc, xuất hiện trên diện rộng tại nhiều tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân.

6. Trường hợp sự cố tràn dầu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan thành lập Tổ điều tra liên ngành để chỉ đạo việc điều tra, xác định nguyên nhân.

Điều 30. Tạm giữ tàu để phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu

1. Trong trường hợp cần thiết, Cảng vụ có thể quyết định việc tạm giữ tàu để phục vụ điều tra tai nạn, sự cố, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu.

2. Việc tạm giữ tàu để phục vụ việc điều tra và chấm dứt việc tạm giữ tàu thực hiện theo quy định về quản lý cảng biển, luồng hàng hải.

Điều 31. Tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở để khắc phục tai nạn, sự cố và phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu

1. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Bộ, ngành chủ quản hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định việc tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở để khắc phục tai nạn, sự cố và phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu.

2. Việc tạm đình chỉ và phục hồi hoạt động trở lại đối với cơ sở gây sự cố tràn dầu thực hiện theo quy định của pháp luật.

MỤC 2. GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 32. Xác định thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra

1. Thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra (gọi tắt là thiệt hại) là tổn thất gây ra đối với người, tài sản, kinh tế và môi trường gồm có:

a) Tổn thất gây ra thương tích hoặc tử vong do sự cố tràn dầu;

b) Tổn thất đối với tài sản của mọi tổ chức hoặc cá nhân;

c) Tổn thất gây ra cho môi trường, nuôi trồng thủy sản, du lịch, sinh thái;

d) Chi phí ứng phó do tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố tràn dầu;

đ) Chi phí để thực hiện các biện pháp hợp lý nhằm khắc phục lại môi trường;

e) Tổn thất về lợi nhuận do ảnh hưởng của thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra.

2. Các tổ chức, cá nhân ứng phó phải lập hồ sơ tổng hợp chi phí ứng phó thực hiện hoặc thuê thực hiện để gửi về cơ quan huy động tham gia đề nghị thanh toán.

3. Việc xác định thiệt hại, giám định thiệt hại, lập hồ sơ đòi bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Xác định trách nhiệm bồi thường

1. Chủ cơ sở hoặc chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu và bảo hiểm của họ (gọi chung là Bên chịu trách nhiệm bồi thường) phải thiết lập Quỹ bảo đảm bồi thường hoặc Quỹ ủy thác trách nhiệm bồi thường được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định là đủ theo quy định.

2. Chủ cơ sở hoặc chủ tàu gây sự cố tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường, chi phí ứng phó và các thiệt hại về kinh tế, tổn thất về môi trường. Bên chịu trách nhiệm bồi thường phải phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp thiệt hại do tràn dầu ảnh hưởng trong phạm vi tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu cấp tỉnh, thành phần gồm đại diện một số cơ quan tham mưu giúp tỉnh trong ứng phó, giải quyết hậu quả và khắc phục môi trường.

4. Trường hợp thiệt hại do tràn dầu trên diện rộng ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

5. Trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

Điều 34. Quy định về đòi bồi thường

1. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do ô nhiễm tràn dầu đều có quyền trực tiếp hoặc ủy quyền thông qua luật sư để khiếu nại chủ cơ sở, dự án hoặc chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu phải bồi thường thiệt hại do ô nhiễm tràn dầu gây ra.

2. Ban Chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu lập hồ sơ, xác định tổng giá trị thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra để yêu cầu Bên chịu trách nhiệm bồi thường thiết lập Quỹ bảo đảm bồi thường hoặc Quỹ ủy thác trách nhiệm bồi thường (gọi chung là Quỹ) đảm bảo đủ chi trả cho các thiệt hại.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động bồi thường của Quỹ nhằm đảm bảo việc chi trả bồi thường đối với các khiếu nại theo quy định.

Điều 35. Sử dụng ngân sách nhà nước cho các hoạt động ứng phó khẩn cấp

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thanh toán tạm thời chi phí tham gia ứng phó sự cố tràn dầu cho các tổ chức, cá nhân được huy động, đồng thời yêu cầu Bên chịu trách nhiệm phải bồi thường lại các chi phí đã thanh toán.

2. Việc thanh toán tạm thời chi phí ứng phó sự cố tràn dầu thực hiện theo Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa. Tiền bồi thường chi phí ứng phó do Bên chịu trách nhiệm bồi thường chi trả sẽ phải hoàn lại nguồn thanh toán tạm thời.

3. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu lại được số tiền bồi thường ít hơn số tiền đã thanh toán tạm thời theo quy định của pháp luật thì ngân sách nhà nước sẽ thanh toán phần bị thiếu còn lại.

4. Trường hợp chưa xác định được đối tượng gây ra sự cố tràn dầu thì ngân sách nhà nước sẽ thanh toán toàn bộ số tiền đã thanh toán tạm thời cho các hoạt động ứng phó do cơ quan nhà nước huy động.

Chương 5.

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 36. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn là cơ quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu có trách nhiệm:

1. Chủ trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước.

2. Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực; kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.

3. Chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các địa phương để ứng phó sự cố tràn dầu xảy ra theo phân cấp quy định tại Điều 6 Quy chế này.

4. Chỉ đạo tổ chức đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu cho các lực lượng chuyên trách nòng cốt, bán chuyên trách, kiêm nhiệm; tổ chức diễn tập, hiệp đồng, phối hợp các lực lượng; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để chủ động phòng tránh, ứng phó.

5. Chỉ đạo việc điều tra, xác minh sự cố tràn dầu khi có đề nghị của Bộ, ngành, địa phương, chủ cơ sở hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan về những biện pháp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do sự cố tràn dầu xảy ra.

6. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của các nước có liên quan để xử lý sự cố tràn dầu xảy ra trên vùng biển hoặc vùng nước tiếp giáp với các nước khác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt quá thẩm quyền.

7. Định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu của các lực lượng thuộc Bộ, ngành, địa phương và báo cáo đột xuất khi có tình huống sự cố tràn dầu.

Điều 37. Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, quy định hướng dẫn việc sử dụng chất phân tán dầu tràn và ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam.

2. Chủ trì hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật bản đồ bản đồ nhạy cảm môi trường theo địa bàn quản lý và định kỳ cập nhật hệ thống bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực ven biển và các hải đảo của Việt Nam để phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu.

3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan để ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu và đòi bồi thường; chủ trì tổ chức khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

4. Hướng dẫn các địa phương điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại về môi trường, xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường do dầu tràn; chỉ đạo việc phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

5. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan để truy tìm, xác minh nguyên nhân tràn dầu chưa rõ nguồn gốc xảy ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; hướng dẫn các địa phương xác minh nguyên nhân tràn dầu chưa rõ nguồn gốc xảy ra tại địa bàn.

Điều 38. Bộ Giao thông vận tải

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường hàng hải, ngăn ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu chuyên ngành.

2. Chủ trì hướng dẫn việc xây dựng, phê duyệt về triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dầu và hóa chất độc hại của tàu và Kế hoạch hoạt động chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển theo quy định.

3. Chủ trì tổ chức xây dựng, phát hành hải đồ vùng nước cảng biển và luồng hàng hải, các khu vực có rủi ro xảy ra sự cố tràn dầu cao để bảo đảm an toàn hàng hải và cho hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

4. Công bố các tần số (kênh) trực canh, cấp cứu - khẩn cấp của hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam, các phương thức liên lạc với địa chỉ liên lạc của Việt Nam về sự cố tràn dầu, các trung tâm và các trạm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, các cảng vụ hàng hải, thủy nội địa để phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu và cứu hộ, cứu nạn.

5. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa tổ chức phối hợp hiệu quả hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, cứu hộ, cứu nạn trên sông, biển.

6. Chỉ đạo ngành Hàng hải hướng dẫn các cảng vụ tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động bơm chuyển dầu tại các cảng, cảng dầu khí ngoài khơi, bơm chuyển dầu giữa tàu với tàu trên biển để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra theo quy định.

Điều 39. Bộ Quốc phòng

1. Phối hợp và thống nhất với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc giám sát, phát hiện sự cố tràn dầu và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố tràn dầu theo địa bàn hoạt động.

2. Phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở thuộc quyền; phối hợp với các địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với chủ cơ sở để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.

3. Chỉ đạo các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu thuộc quyền và huy động lực lượng, phương tiện quân đội tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi có tình huống và theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và tham gia ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu thuộc Bộ Quốc phòng, phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường biển, về ứng phó khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

Điều 40. Bộ Công Thương

1. Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Nam và các đơn vị trong ngành huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi có tình huống và theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi thuộc quyền; phối hợp với các địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với các cơ sở, dự án để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.

Điều 41. Bộ Ngoại giao

1. Chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ, các cơ quan đại điện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp giải quyết thủ tục cho các đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu của Việt Nam tham gia hỗ trợ quốc tế và lực lượng hỗ trợ ứng phó của nước ngoài tại Việt Nam khi có đề nghị của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

2. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các Bộ, ngành chức năng thông qua đường ngoại giao trao đổi thông tin, chuyển yêu cầu phối hợp hoặc đề nghị trợ giúp ứng phó sự cố tràn dầu khi có sự cố tràn dầu xảy ra ở lãnh thổ, vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến Việt Nam hoặc dầu tràn ở lãnh thổ, vùng biển Việt Nam ảnh hưởng đến nước ngoài.

3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan về hợp tác quốc tế trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Điều 42. Các Bộ, ngành liên quan

1. Phối hợp với các địa phương, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực kiểm tra chủ cơ sở thuộc quyền để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.

2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện trong Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu.

3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các cơ quan có thẩm quyền huy động.

4. Báo cáo kịp thời sự cố tràn dầu xảy ra thuộc phạm vi Bộ, ngành quản lý; hàng năm báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu của Bộ, ngành về Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

Điều 43. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.

2. Phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, cảng, dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định; kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương.

3. Chỉ đạo và báo cáo kịp thời ứng phó sự cố tràn dầu khi xảy ra trên địa bàn quản lý; chủ trì đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở, tàu gây ra tại địa phương bồi thường thiệt hại.

4. Chỉ đạo việc tập huấn, huấn luyện về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để bảo vệ môi trường biển chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó tại địa phương.

5. Định kỳ 6 tháng và hằng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương về Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

Điều 44. Trách nhiệm của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực

1. Là lực lượng chuyên trách, nòng cốt ứng phó sự cố tràn dầu trên khu vực được giao; thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu theo phân cấp và hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở; sẵn sàng cơ động ứng phó sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước theo sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

2. Triển khai hướng dẫn các tỉnh xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, tham gia vào hội đồng thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở.

3. Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thẩm định, phê duyệt.

4. Kịp thời báo cáo khi có sự cố tràn dầu, kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu về Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

5. Tổ chức các khóa huấn luyện, hội thảo, hội nghị trao đổi chuyên môn nghiệp vụ về ứng phó sự cố tràn dầu theo kế hoạch được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn hoặc cơ quan chủ quản phê duyệt.

Điều 45. Trách nhiệm của cảng, cơ sở, dự án

1. Các cảng, cơ sở phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả sau khi được ban hành và sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó sự cố tràn dầu theo sự điều động, chỉ huy thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Hàng năm phải có kế hoạch tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó đi tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng phó. Định kỳ tối thiểu 6 tháng một lần phải triển khai thực hành huấn luyện ứng phó sự cố tràn dầu tại hiện trường.

3. Có phương án đầu tư trang thiết bị, vật tư để từng bước nâng cao năng lực tự ứng phó của cảng, cơ sở theo quy định; tiến hành ký kết thỏa thuận, hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ quan, đơn vị thích hợp để triển khai khi có tình huống.

4. Chủ động triển khai các hoạt động ứng phó, huy động nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố tràn dầu.

Điều 46. Trách nhiệm của các tổ chức kinh tế - xã hội khác

1. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Các tổ chức, cá nhân có các hoạt động dịch vụ ứng phó tham gia vào Kế hoạch ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu để đòi bồi thường.

3. Các tổ chức, cá nhân có khả năng thực hiện dịch vụ ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu báo cáo cơ quan chủ trì ứng phó Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu theo cấp và khu vực mà tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia.

4. Các tổ chức, cá nhân tham gia vào Danh sách nguồn lực sẵn sàng huy động ứng phó sự cố tràn dầu của Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo cấp nào thì chấp hành lệnh điều động của cơ quan chủ trì triển khai Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu cấp đó.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 47. Tổ chức thực hiện

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này./.

PRIME MINISTER
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness

----------------

No. 02/2013/QD-TTg

Hanoi, January 14, 2013

 

DECISION

TO PROMULGATE THE REGULATION ON OIL SPILL RESPONSE

Pursuant to the Law on Government organization dated December 25, 2001;

Pursuant to the Law on Environment protection dated November 29, 2005;

Pursuant to the Maritime Code of Vietnam dated June 14, 2005;

Pursuant to the Law on Inland Waterway Navigation dated June 15, 2004;

Pursuant to the Law on Vietnam’s sea dated June 21, 2012;

At the request of the Ministry of National Defense, the Ministry of Natural Resources and Environment, and National Search and Rescue Committee

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Promulgating together with the Decision the Regulation on oil spill response.

Article 2. This Decision takes effect on March 01, 2013 and supersedes the Decision No. 103/2005/QD-TTg dated May 12, 2005 of the Prime Minister to promulgate the Regulation on oil spill response.

Article 3. The President of National Search and Rescue Committee, Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of the People’s Committees of central-affiliated cities and provinces are responsible for the implementation of this Decision./.

 

 

PP THE PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER





Hoang Trung Hai

 

REGULATION

ON OIL SPILL RESPONSE
(promulgated together with the Prime Minister’s Decision No. 02/2013/QD-TTg dated January 14, 2013)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Regulation deals with the preparation, organization of oil spill response, alleviation of damage caused by oil spill, responsibilities of organizations and individuals for oil spill within the territory and sea of Vietnam.

Article 2. Subjects of application

This Regulation is applicable to Vietnamese, foreign organizations and individuals that directly or indirectly cause oil spill and engage in oil spill response within the territory and sea of Vietnam. If the International Agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory are in contravention of this Regulation, the International Agreements shall prevail.

Article 3. Interpretation of terms

In the Regulation, the terms below are construed as follows:

1. Oil and oil products include:

a) Crude oil is oil extracted from the wells without treatment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Other types include waste oil, sewage water that contain oil when rinsing, repairing ships or oil containers;

Oil in this Regulation is all aforesaid types.

2. Oil spill is the release of oil in containers, vehicles, constructions, and oil wells into the environment because of technical accidents, natural disasters, or humans.

3. Extremely serious oil spill is an oil spill that involves a large amount of oil being spread over a large area, including multiple provinces or cities, and threatens the environment, life, property, and health of people.

4. Oil spill response means the use of forces, vehicles, instruments to responsively deal with, eliminate, or minimize the release of oil into the environment.

5. Recovery means cleaning up soil, water, ecosystems in the oil spill area, and the measures for minimizing the damage, recovery the environment after the oil spill.

6. Oil spill response include are all activities from preparation, oil spill response, and oil spill recovery.

7. Oil spill response plan means the prediction of risks and possible oil spill scenarios together with corresponding response plans, training programs and drills to ensure the preparedness of resources to respond to oil spill when it occurs.

8. Emergency oil spill response plan is the plan for deploying emergency operations to response to oil spill and recover when oil spill occurs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10. Site commander means the person appointed to directly command all response operation at the site. Entitlements and responsibilities of the site commander are specified in the oil spill response plan of every facility, province, and unit.

11. Facilities mean agencies, units and individuals engaged in the extraction, transport, transit, and use of oil and oil products that cause or pose a risk of causing oil spill.

12. Offshore facility means any instrument or structured that are fixed or floating on the sea surface outside Vietnam’s territorial sea that participate in petroleum exploration, extraction, oil production or loading.

13. Facility owner means the head of the agency or unit, who is in charge of its operation.

14. The agency in charge of oil spill response is the agency that organizes the oil spill response.

15. Oil spill response teams (hereinafter referred to as response teams) are the organizations that have equipment for oil spill response and personnel trained in oil spill response.

16. Projects are projects of construction, facility or port facing a risk of oil spills.

17. Offshore projects are the projects executed outside Vietnam’s territorial sea.

18. Priority area is an environmentally, economically or socially sensitive area needs protection when oil spill occurs such as mangrove forests, coral reefs, sanctuaries, biosphere reserves, water sources serving life and production, rated historical remains, tourist attractions, and fishery farms.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

20. The party that causes the oil spill is any organization or individual that causes the oil spill and environmental pollution.

21. National hotlines are the hotlines that receive, transmit, and process emergency reports from ships within Vietnam’s sea on the accidents related to oil and toxic chemicals.

Article 4. Rules for oil spill response

1. Positively prevent, proactively build plans, invest in equipment, cooperative plans so as to be ready for response upon happening oil spill.

2. Receive and process information about oil spill, ensure communication for the response, and notify competent authorities when response is overwhelmed.

3. Cooperate and mobilize all resources to raise the effectiveness of oil spill preparedness and oil spill response; focus of rescue and environment protection.

4. Actively make response near the source of oil spill to prevent and limit the release of oil into the environment. Strictly supervise the risk or spreading of oil slick to the shore to make a list of priorities and take measures for protecting the priority areas.

5. Ensure fire safety during the response.

6. Give congruous orders, cooperate strictly with other the forces, vehicles and equipment participating in the response.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 5. Levels of oil spill response

Depending on the seriousness of oil spill, response shall be deployed at 3 levels:

1. In-house level:

a) When oil spill occurs at the facility, the facility owner shall dispatch their forces, vehicles and instruments, or the forces, vehicles and instrument stated in the oil spill response contract to deploy response. The facility owner shall take charge of the site.

b) If the oil spill is beyond the capacity and the on-site resources are not adequate, the facility shall notify the governing body and the People’s Committee of the province or city (hereinafter referred to as province) and call for help.

c) If the oil spill is serious or occurs in a priority area, the heads of the facilities in charge of the site shall notify the People’s Committee of the province where the oil spill occurs and National Search and Rescue Committee for responsive guidance and response.

2. Provincial level:

a) When the oil spill is beyond the capacity to respond of the facility, or an unexplained oil spill spreads to the shore, the People’s Committee of the province where the oil spill occurs shall take charge and appoint a site commander to organize the response according to the plan of the province, and may mobilize necessary resources of local facilities, agencies, Ministries, and Oil Spill Response Center.

b) The provincial Steering Committee on Flood and Storm Control, Search and Rescue or the provincial Oil Spill Response Committee is in charge of assisting the People’s Committee of the province in oil spill response.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) If the extremely serious oil spill is beyond the capacity of the provincial government, the People’s Committee of the province where the oil spill occurs shall send a notification to National Search and Rescue Committee for direct guidance and cooperation with relevant agencies in the response.

b) If the oil spill is beyond the capacity to respond of domestic forces, National Search and Rescue Committee shall request the Prime Minister to consider calling for international assistance.

During the oil spill response at the levels above, the agency in charge or the site commander must deal with and report the developments of the incident, provide suggestions for competent authorities, and take responsibility for their decisions.

Article 6. Classification of oil spills

1. Oil spills are classified as small, medium, and large oil spills. In particular:

a) A small oil spill is an oil spill in which the amount of oil being released is below 20 tonnes;

b) A medium oil spill is an oil spill in which the amount of oil being released is from 20 to 500 tonnes;

c) A small oil spill is an oil spill in which the amount of oil being released is over 500 tonnes.

2. The classification of oil spills is to formulate emergency plans and determine the investment in equipment and resources to prepare and respond to various levels of oil spills.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

PREPARATION FOR OIL SPILL RESPONSE

Article 7. Formulation, assessment, and approval for oil spill response plans

1. National Search and Rescue Committee shall take charge and cooperate with the Ministries, agencies and local governments in formulating and submitting the national oil spill response plan, and is in charge of the implementation of such plan.

2. The People’s Committee of the province facing a risk of medium oil spills or above must formulate a provincial oil spill response plan and submit it to the National Search and Rescue Committee for assessment and approval.

3. Ports, facilities, and projects in the province must formulate their oil spill response plans and submit them to the People’s Committee of the province for assessment and approval.

4. The businesses trading oil and gas that face a risk of small onshore oil spills shall formulate their oil spill response plans and submit them to the People’s Committee of the district for assessment and approval. The approved plans must be reported to the People’s Committee of the province for integration into the provincial oil spill response plan.

5. Offshore petroleum facilities shall formulate their oil spill response plan, consult with the People’s Committees of the provinces that may be affected when oil spills occur, and submit them to Vietnam National Oil and Gas Group for assessment, then to National Search and Rescue Committee for approval.

6. Local oil spill response centers shall formulate plans for mobilizing vehicles and equipment to prepare for responding to oil spills that occur locally, and then submit them to National Search and Rescue Committee for approval.

7. The oil tankers with capacity of 150 tonnes or over, other ships with capacity of 400 tonnes or over must have plans for responding to oil pollution and chemical pollution that are approved by Vietnam Maritime Administration or Vietnam Inland Waterway Administration as prescribed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. The ship owner must have chemical oil spill response plan to instruct and support the ships that have oil spills in response and recovery.

10. After the oil spill response plans mentioned in Clauses from 1 to 9 of this Article are approved, their contents must be known by relevant agencies, units, and local governments for cooperation in implementation within the area of their competence in the plans.

Article 8. Building up resources for oil spill response

1. National Search and Rescue Committee shall take charge and cooperate with the Ministries and agencies in establishing and running training programs and drills to raise the efficiency of the national oil spill response and recovery in Vietnam.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment and the Ministry of Transport shall run training courses in provincial and national oil spill response and recovery.

3. The People’s Committees of provinces shall establish and run training courses and drills to raise the efficiency of local oil spill response and recovery.

4. Local oil spill response centers and Units must ensure that their personnel are trained and capable of deploying emergency response when oil spills occur. Local oil spill response centers shall do practices and drills according to the plans approved by National Search and Rescue Committee.

5. Facilities, ports and projects must invest in or sign contracts for oil spill response with the facilities that have vehicles and instruments for response or with local oil spill response centers, at a level corresponding to the risk of oil spills in their areas, in order to responsively dispatch vehicles and equipment for responding to oil spills. Booms must bee deployed within 1 hours if below 20 tonnes of oil is spilled, within 12 hours if 20 - 100 tonnes of oil is spilled; within 24 hours if 100 - 500 tonnes of oil are spilled. Vehicles and equipment must be ready for oil spill response and recovery at the request of competent authorities.

Article 9. Financial security for compensation for oil pollution

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Owners of facilities and projects facing a risk or oil spills must have commitments of financial security to provide compensation for any oil pollution they cause. The commitments of financial security must be stated in the oil spill response plans of the facilities or projects, which are approved by competent authorities.

Article 10. Organizing the implementation of oil spill response plans

1. National Search and Rescue Committee shall take charge and cooperate with Ministries and agencies in initiating the national oil spill response plan, and inspect the implementation of the oil spill response plans they approved.

2. The People’s Committees of provinces shall implement the approved oil spill response plans and inspect the implementation of oil spill response plans of the local facilities and projects.

3. PetroVietnam shall cooperate with competent authorities in inspecting the implementation of oil spill response plans of the offshore petroleum facilities and projects under their management.

4. Local oil spill response center shall implement the approved oil spill response plans and cooperate with local competent authorities in inspecting the implementation of oil spill response plans of the local facilities.

5. Facilities shall implement the approved oil spill response plans.

6. Port authorities, inland waterway port authorities, inland waterway management agencies shall inspect and supervise the implementation of plans for responding to oil spills at the ports and of the ships operating in port waters or inland waterways under their management.

7. Ships shall implement the approved oil spill response plans.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Supervision shall be carried out to find the risk of oil spills and receive information about oil spills, in particular: direct supervision at the ship, the port, the facility; supervision by patrolling and controlling forces on land, river, sea, and by air; supervision via environment observation systems, oceanographic radar systems, and remote sensing systems; receipt of information about oil spills provided by organizations, individuals, and other sources.

2. All ports, facilities, and projects in process must supervise the activities that pose high risk of oil spill within their territory in order to take appropriate measures for deploying response.

3. The oil tankers under transshipment or ship-to-ship transfer on Vietnam’s sea must and a prior notice at least 48 hours before their transshipment or ship-to-ship transfer to the national hotline or the nearest port authority about the time, location, and amount of oil being transshipped or transferred for competent authorities to supervise and take measures for responding to any oil spill that occurs. The transshipment is only carried out with the approval of the national hotline or port authority.

Chapter 3.

ORGANIZING OIL SPILL RESPONSE

SECTION 1. COOPERATION IN PROVIDING INFORMATION ABOUT OIL SPILL RESPONSE

Article 12. Recipients of information about oil spills

1. The organization or individual that causes an oil spill to occur or discovers an oil spill shall immediately inform one of the agencies below:

a) The national hotline

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The local oil spill response center;

d) The local Maritime Search and Rescue Cooperation Center (if rescue at sea is needed);

dd) Coastal communications stations of Vietnam that forward information to the agency in charge of response or rescue;

e) The Service of Natural Resources and Environment;

g) The nearest local government;

h) The standing agencies in charge of organizations and individuals of relevant Ministries, agencies and localities.

2. The airplane that find oil slick on the sea shall request the air traffic service station or the rescue service station to forward information to a competent authority according to Clause 1 of this Article.

3. Apart from the aforesaid recipients, the occurrence of an oil spill may be informed to any agency such as coastal communications stations, the People’s Committees of districts; naval units, border guard units, the Coastguard, waterway police for processing or forwarding to the agency in charge of response.

4. Processing information and reports on oil spills.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Verify the information;

b) Preliminarily assess the nature, scale, seriousness, and possible damage of the oil spill;

c) Implement the plan and measures for emergency response to the incident;

d) Notify relevant agencies and units of the measures and plans for cooperation in emergency response; sign decisions to deploy the response.

dd) Notify local agencies, unit and people in the area that is affected or may be affected by the oil spill to actively make response and recovery;

e) Notify competent authorities of the processing of information and measures for cooperation in deploying the response, suggestions and recommendations.

Article 13. Reports on oil spill response and recovery

1. The oil spill developments shall be constantly reported since it is discovered until the oil spill response is finished, including:

a) Initial report on the oil spill is made when the oil spill is discovered;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The report on the end of the oil spill shall be made when the response is finished;

d) The summary report is to summarize the oil spill response since the oil spill is discovered until the oil spill response is finished.

2. The report shall specify:

a) The time when the incident occurs or is discovered;

b) The location and coordinates (if any);

c) The types of oil (crude oil, processed oil, etc);

d) Estimate of weight and speed of oil spill;

dd) Weather conditions (waves, wind, current, etc.);

e) Relevant information;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Requests for assistance, rescue, and oil spill response.

3. National Search and Rescue Committee, Ministries, agencies and local governments shall make reports as prescribed throughout the oil spill response and recovery.

SECTION 2. OIL SPILL RESPONSE IN THE FACILITY

Article 14. Response to oil spills at sea caused by ships

1. When an oil spill occurs, the ship must immediately take measures according to the Emergency chemical oil spill response plan of the ship in order to prevent or limit the release of oil into the environment, and send an emergency report to the recipient of information about oil spills as prescribed in Article 12 of this Regulation.

2. If the accident of the ship that causes the oil spill involves the rescue of people, ships, and oil spill response, the oil spill response and rescue shall be organized as follows:

a) The local oil spill response center or rescue units shall perform the contract for oil spill response services at the request of the captain, ship owner, or representative of the ship owner;

b) The local oil spill response center shall cooperate with the local Maritime Search and Rescue Cooperation Center to simultaneously attempt the rescue of people and ships;

c) The local oil spill response center or maritime rescue unit shall participate when they are dispatched by National Search and Rescue Committee or the People’s Committee of the province.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The port authority shall dispatch ships and vehicles to participate in the rescue and oil spill response, and cooperate with relevant agencies in supervising the rescue and oil spill response at sea.

5. If an oil spill is caused by multiple ships, they must cooperate in the recovery and follow the guidance of the port authority and site commander.

6. If the oil spill poses a risk of spreading to the shore, the site commander shall immediately notify National Search and Rescue Committee, People’s Committees of coastal provinces that might be affect for supervision and preparation.

7. If the oil spill is widespread and the entire site is hard to observe, the site commander and the agency in charge of response shall promptly request National Search and Rescue Committee to provide assistance in oil spill supervision in other forms such as radars, remote sensing systems, airplanes, and request information provision on maritime channels.

8. The port authority and relevant agencies shall allow ships to participate in the rescue and oil spill response quickly when they are dispatched by competent authorities, or when rescue and oil spill response are requested.

9. The oil recovered may be impounded for recycling, and the ship that causes the oil spill may be impounded to secure compensation on a case-by-case basis.

10. The owner and insurer of the ship that causes pollution shall be requested to establish a compensation fund according to their civil liability as prescribed.

11. The site commander and the agency in charge of response shall provide information and send reports to National Search and Rescue Committee for guidance and assistance where necessary.

Article 15. Responding to oil spills at facilities or projects

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. If the capacity is limited, the facility must sign contracts with a local facility capable of oil spill response or with a local oil spill response center for assistance in response when an oil spill occurs.

3. The facility shall comply with every request and guidance of the Service of Natural Resources and Environment and competent authorities in order to quickly prevent or minimize damage caused by oil pollution.

4. If the response of the facility is considered ineffective, or the oil spill threatens to cause serious damage, the People’s Committee of the province shall directly command at the site or appoint a site commander.

5. If the oil spill is beyond the capacity, the facility shall notify the People’s Committee of the province where the oil spill occurs and deploy the response in accordance with the Emergency oil spill response plan of the province. The People’s Committee of the province shall directly command at the site and appoint a side commander.

Article 16. Responding to oil spills at ports

1. Every port must formulate and immediately implement the emergency plan for mobilizing resources for oil spill response.

2. If the oil spill is beyond the capacity of the port, the port must sign contracts with capable facilities or with a local oil spill response center for participation in the response.

3. The port authority shall cooperate with relevant local agencies in supervising, assessing the effectiveness of oil spill recovery.

4. If the response of the port is considered ineffective, or the oil spill threatens to cause more serious damage, the port authority shall request the People’s Committee of the province to directly provide guidance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. If the owner of the ship that causes the oil spill has not established the compensation fund, the Director of port authority, competent authorities or response forces may file a lawsuit to request the seizure of the ship to secure compensation for response cost and damage cased by the oil spill.

7. The regulations in this Article also apply to the response to oil spills at military ports and inland ports.

8. Clause 5 and Clause 6 of this Article do not apply to naval ships and state-owned ships that cause oil spills.

SECTION 3. PROVINCIAL OIL SPILL RESPONSE

Article 17. Responding to oil spills in the province

1. The People’s Committee of the province where the oil spill occurs shall organize or appoint a site commander to organize the response according to the provincial response plan.

2. The People’s Committee of the province shall appoint a site commander, mobilize necessary resources from local facilities and agencies depending on the developments of the oil spill.

3. If the oil spill that occurs in a province is likely to spread to another province, the People’s Committee of the province where the oil spill occurs must notify the People’s Committees of other provinces to cooperate in the response, and notify National Search and Rescue Committee for planning assistance where necessary.

Article 18. Tasks of provincial authorities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Service of Natural Resources and Environment shall advise and provide guidance on environment protection, recovery, and management of collected waste; plans for protection of sensitive areas, investigation and assessment of environmental damage, construction of environmental remediation programs after the oil spills; cooperate with relevant agencies in finding the causes of the oil spill.

3. The port authority shall advise on maritime and waterway traffic safety while dispatching ships and vehicles to participate in provincial oil spill response.

4. Services, relevant local agencies, military units, waterway police, the fire department, the police department specialized in environmental crimes shall advise and dispatch forces to participate in the response and recovery.

5. The local oil spill response center, local Maritime Search and Rescue Cooperation Center, rescue units, oil spill response units that participate in the emergency response plan of the province shall cooperate in the rescue and oil spill response when being dispatched.

SECTION 4. NATIONAL OIL SPILL RESPONSE

Article 19. Responding to oil spills beyond the capacity of provincial governments

1. Where an oil spill is beyond the capacity to respond of provincial forces and spreads over a large area, of the oil spill is extremely serious, National Search and Rescue Committee shall directly direct the response in accordance with the national emergency oil spill response plan.

2. The response to a widespread oil spill is separated into sections at sea and in the provinces where the oil spill occurs.

a) The People’s Committee of the province shall directly organize the oil spill response locally;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The National Search and Rescue Committee shall direct the entire response to extremely serious oil spills.

Article 20. National cooperation in responding to oil spills in Vietnam

1. Where an oil spill is beyond the capacity to respond of domestic forces, National Search and Rescue Committee shall cooperate with Ministries and agencies in submitting a petition to the Prime Minister for requesting assistance from international forces in the oil spill response.

2. National Search and Rescue Committee shall reach agreements with relevant agencies on assistance in the response.

3. The cooperation in oil spill response in Vietnam shall comply with the agreements reached by every party.

4. The licensing and cooperation in oil spill response shall comply with regulations on licensing and cooperation with foreign forces in response in Vietnam.

Article 21. Assisting other countries in oil spill response

1. For the countries that concluded bilateral and multilateral International Agreements on oil spill response with Vietnam, such International Agreements shall apply.

2. For any other country, an agreement on assistance shall be concluded with the agency in charge of oil spill response of such country depending on the request for assistance and capacity of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

SECTION 5. OTHER ACTIVITIES IN OIL SPILL RESPONSE

Article 22. Notification of restricted areas

1. In order to facilitate the rescue and oil spill response, the agency in charge of response may establish a restricted area to facilitate the rescue and oil spill response where necessary.

2. The People’s Committee of the province shall consider deciding the boundary and announcing the restricted area for rescue and oil spill response in the province at the request of the agency in charge of response.

3. The Ministry of Transport shall specify the announcement of restricted areas within Vietnam’s sea.

Article 23. Salvaging sunk ships that cause or likely to cause oil spills

1. The ships facing risk of wrecking must send an emergency notification to a port authority or Maritime Search and Rescue Cooperation Center to deploy the rescue.

2. Where a wrecked ship endangers maritime activities and inland waterway traffic, the owner of the shipwreck must immediately make a salvage plan, which specify measures for preventing and responding to oil spills during the salvage, send it to the port authority, and carry out the salvage after the port authority grants an approval.

3. The salvage shall comply with regulations on marine salvage.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Only the oil dispersants and biological agents that are registered and permitted by the Ministry of Natural Resources and Environment may be used.

2. Oil dispersants shall be only used at sea if other oil recovery methods are considered inappropriate.

3. It is prohibited to use dispersants on inland waterways, at estuaries, or coastal areas with a depth under 20 m or within a distance of 01 nautical mile from the shore, and in sensitive areas.

4. The use of oil dispersants and biological agents must not exceed permissible limits and must comply with the procedure and guidance provided by the Ministry of Natural Resources and Environment.

5. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with the Ministry of Science and Technology in promulgating the list of permissible oil dispersants at sea and guidance on the use of dispersants for response to oil spills at sea.

Article 25. Cooperation with airplanes in oil spill response

1. Where necessary, the site commander or the agency in charge of response shall request National Search and Rescue Committee to dispatch airplanes to participate in site supervision, spread dispersants and oil absorbents.

2. The airplanes participating in observation, supervision, and spread of dispersants must report the result to the air traffic service station for forwarding to the site commander or the agency in charge of response.

3. The use of airplanes for oil spill response shall comply with the Regulation on search and rescue at sea and relevant regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Regulations on fire safety must be complied with during the oil spill response.

2. The fire department shall advise local governments on fire safety during oil spill response.

3. The commander of the on-site firefighting force shall direct the fire safety during oil spill response.

Article 27. Suspending and finishing oil spill response

The agency in charge of response shall:

1. Decide the suspension of the oil spill response upon the occurrence of a situation that threatens the safety and likely to cause serious accidents, or when the response is ineffective.

2. Decide to supervise and monitor the developments of the oil spill and resume the response when possible.

3. Decide to resume the response after the threats to safety are eliminated, or when the response is considered effective again.

4. Decide to finish the response the when oil slick has been cleaned or the on-site response is no longer effective.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 4.

OIL SPILL RECOVERY

SECTION 1. INVESTIGATION INTO CAUSES OF OIL SPILLS

Article 28. Investigation into causes of oil spills

1. The facility or project that causes an oil spill shall be investigated by the governing body in cooperation with relevant agencies.

2. The investigation into the facility or project under the management of a local government shall be carried out by the People’s Committee of the province.

3. The aforesaid agency shall establish an investigation team. The members of the investigation team must be proficient in their professions and law that suit the investigation.

4. The police department shall be requested to cooperate if a crime is suspected during the investigation. If the police department requests the transfer of documents and evidence related to the accident and oil spill, such documents must be photocopied. The transfer of documents and evidence must be recorded in writing.

5. The summary report on investigation into causes of oil spills shall be sent to National Search and Rescue Committee, the Ministry of Natural Resources and Environment, and relevant local governments. Where necessary, National Search and Rescue Committee, the Ministry of Natural Resources and Environment shall request the agency in charge to provide documents and reports made during the investigation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The investigation into oil spills caused by ships in port waters and Vietnam’s sea shall be carried out by the port authority in cooperation with local specialized agencies.

2. The investigation into oil spills caused by ships on inland waterways shall be carried out by the inland port authority or the agency in charge of the segment of the inland waterway in cooperation with Services of Natural Resources and Environment and local specialized agencies.

3. The investigation into an oil spill caused by a facility under the management of a Ministry shall be carried out by the specialized agency or inspection agency of such Ministry, in cooperation with relevant agencies.

4. The investigation into an unexplained oil spill in a province shall be carried out by the Service of Natural Resources and Environment in cooperation with local relevant company in advising the People’s Committee of the province.

5. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with relevant Ministries in the investigation into unexplained oil spills that spread over multiple agencies.

6. National Search and Rescue Committee shall take charge and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment, and relevant Ministries in establishing an interdisciplinary investigation team to carry out the investigation.

Article 30. Impounding ships to serve investigation into oil spills.

1. Article 30. Impounding ships to serve investigation into oil spills.

2. Ships shall be impounded to serve the investigation and shall be released in accordance with regulations on management of ports and navigable channels.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. National Search and Rescue Committee, the relevant Ministry or the People’s Committee of the province may decide the suspension of facility operation to serve oil spill recovery and investigation into the oil spill.

2. The suspension and resume of the operation of the facility that causes the oil spill shall comply with law.

SECTION 2. OIL SPILL RECOVERY

Article 32. Determination of damage caused by the oil spill

1. The damage caused by the oil spill (hereinafter referred to as damaged) is the damage to humans, property, and the environment, including:

a) Damage that cause injuries or fatalities;

b) Damage to property of organizations or individuals;

c) Damage to the environment, fishery, tourism, ecosystems;

d) The payment for organizations and individuals participating in oil spill response;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Loss of profit due to the damage caused by the oil spill.

2. The organizations and individuals participating in the response shall enumerate the costs and send reports to the dispatching agency for reimbursement.

3. The determination of damage and claim for compensation shall comply with law.

Article 33. Responsibility to provide compensation

1. The owner of the facility or ship that causes the oil spill and their insurer (hereinafter referred to as party responsible for compensation) shall establish a compensation fund or compensation entrustment fund that is considered adequate by a the court or a competent authority.

2. The owner of the facility or ship that causes the oil spill is responsible for providing compensation, cover the cost of response, economical and environmental damage. The party responsible for compensation shall cooperate with competent authorities in providing compensation.

3. If the damage caused by the oil spill is limited within a province, the People’s Committee of the province shall determine the damage and compensation. The People’s Committee of the province shall establish a provincial Steering Committee on oil spill recovery composed of some agencies that advise on the recovery.

4. If the oil spill affects multiple provinces, National Search and Rescue Committee shall take charge and cooperate with relevant Ministries, agencies and local governments in establishing a Steering Committee on oil spill response.

5. If the oil spill is extremely serious and affects multiple countries, National Search and Rescue Committee shall request the Prime Minister to establish a national Steering Committee on oil spill response.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The organizations and individuals that suffer damage caused by oil spills are entitled to directly or hire lawyers to file complaints against and claim compensation from the facilities or projects of owners of ships that cause oil spills.

2. The steering committee on oil spill recovery shall determine the total damage caused by the oil spill to request the party responsible for compensation for establish a compensation fund or compensation entrustment fund (hereinafter referred to as fund) to ensure sufficient compensation for damage.

3. Competent authorities shall inspect and supervise the provision of compensation of the fund in order to ensure the compensation demanded.

Article 35. Using government budget for emergency response

1. Competent authorities shall provisionally pay the dispatched organizations and individuals for the cost of their participation in the oil spill, and request the responsible party to reimburse the payment.

2. The provisional payment for the cost of oil spill response shall comply with the Regulation on financial management of rescue and response to calamities. The compensation provided by the responsible party shall be used to reimburse the provisional payment.

3. If the money collected by competent authorities is smaller than the provisional payment, government budget shall pay for the difference.

4. If the entity responsible for the oil spill is not identified, the government budget shall cover the whole provisional payment for the response.

Chapter 5.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 36. National Search and Rescue Committee shall:

National Search and Rescue Committee, which is in charge of directing and organizing the oil spill response shall:

1. Take charge of the deployment of the national oil spill response plan nationwide.

2. Provide guidance on oil spill response plan; take charge and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment, relevant Ministries and agencies in assessing and approving oil spill response plans made by the People’s Committees of provinces and local oil spill response centers; inspect and supervise their implementation.

3. Direct and dispatch forces and vehicles of Ministries, agencies, local oil spill response center to participate in oil spill response in accordance with their assignments specified in Article 6 of this Regulation.

4. Provide guidance on provision training in oil spill response for standing forces or part-time forces; organize practices, drills and cooperation among forces; disseminate the knowledge about the risk and menace of oil spills in order to prevent and response actively.

5. Direct the inspection information oil spills at the request of the Ministries, agencies and local governments, facility owners or competent authorities; submit suggestions to the Prime Minister and relevant state authorities on measures for preventing and minimizing damage caused by oil spills.

6. Cooperate with competent authorities of relevant countries to deal with oil spills that occur on bordering sea, and report the cases beyond their capacity to the Prime Minister.

7. Send the Prime Minister periodic reports on oil spill response of forces belonging to Ministries, agencies and local governments and unscheduled reports upon the occurrence of oil spills.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Cooperate with relevant Ministries, agencies and local governments in promulgating or request competent authorities to promulgate legal documents on supervision, risk assessment, and oil spill recovery; provide guidance on the use of oil dispersants; promulgate a list of permissible dispersants on Vietnam’s sea.

2. Instruct the Ministries, agencies and local governments to make and update maps of environmentally sensitive areas; update the map of environmentally sensitive areas map along the coast and on islands to serve oil spill response.

3. If the oil spill affects multiple provinces, National Search and Rescue Committee shall take charge and cooperate with relevant Ministries, agencies and local governments in establishing a Steering Committee on oil spill response.

4. Instruct local governments to investigate, assess damage and claim compensation for environmental damage; make and implement plans for environmental remediation after oil spill; direct the cooperation among the People’s Committees of the provinces in the implementation of such plans.

5. Take charge and cooperate with National Search and Rescue Committee, relevant Ministries, agencies and local governments in identifying causes of unexplained oil spills that occurs on two or more provinces; instruct local governments to identify causes of oil spills that occur locally.

Article 38. The Ministry of Transport

1. Take charge and cooperate with relevant Ministries, agencies and local governments or request competent authorities to promulgate technical regulations and standards on marine environment protection, prevention and response to oil spills.

2. Provide guidance on the formulation, assessment and implementation of emergency plans for responding to chemical and oil spills of ships, and plans for ship-to-ship oil transfer at sea.

3. Make and publish nautical maps of port waters, navigable channels, and the areas facing risk of oil spills to ensure maritime safety and oil spill response.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Cooperate with National Search and Rescue Committee in directing the system for maritime, aviation and inland maritime rescue; organize the cooperation in oil spill response and rescue on rivers and at sea.

6. Instruct maritime agencies to provide guidance for port authorities on strictly supervision of oil transfer at that port, offshore petroleum ports, and ship-to-ship oil transfer at sea to prepare for response.

Article 39. The Ministry of National Defense

1. Cooperate with National Search and Rescue Committee in formulating and implementing plans together with mobilizing forces and vehicles of the navy, the air force, the border guard, the coastguard, and other military units to perform the tasks assigned by the Ministry of National Defense, in association with supervision and discovery of oil spills, preparedness for responding to local oil spills.

2. Approve oil spill response plan of the facilities under the management; cooperate with local governments in inspecting the facility owner's adherence or regulations to minimize the risk of oil spills.

3. Instruct the Oil Spill Response Center under their management, dispatch military forces and vehicles to participate in responding to oil spills upon their occurrence and at the request of National Search and Rescue Committee and the People’s Committees of provinces.

4. Provide training for standing forces and part-time forces; participate in oil spill response and recovery; cooperate in dissemination of knowledge and raising the public's awareness of marine environment protection, oil spill response and recovery.

Article 40. The Ministry of Industry and Trade

1. Instruct Vietnam National Oil and Gas Group, South Oil Spill Response Center and units under its management to dispatch forces and vehicles to participate in responding to oil spills upon their occurrence and at the request of National Search and Rescue Committee and the People’s Committees of provinces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 41. The Ministry of Foreign Affairs

1. Instruct the agencies affiliated to the Ministry of Foreign Affairs and diplomatic missions overseas to cooperate in completing formalities for oil spill response units of Vietnam to participate in international cooperation and for foreign assisting forces in Vietnam at the request of National Search and Rescue Committee.

2. Diplomatically cooperate with National Search and Rescue Committee, Ministries and specialized agencies in exchanging information and forwarding request for assistance in oil spill response when oil spills occur at foreign sea that affects Vietnam, or at Vietnam's sea that affect other countries.

3. Cooperate with National Search and Rescue Committee, relevant Ministries and agencies in international cooperation in oil spill response.

Article 42. Relevant Ministries and agencies

1. Cooperate with local governments and Oil Spill Response Centers in inspecting the facilities under their management to minimize the risk of oil spills.

2. Instruct agencies and units affiliated to Ministries to submit plans for dispatching forces and vehicles in the national oil spill response plan to National Search and Rescue Committee.

3. Instruct agencies and units affiliated to the Ministries to dispatch forces and vehicles to participate in response to oil spills at the request of National Search and Rescue Committee and competent authorities.

4. Report oil spills under their management; submit annual reports on deployment of oil spill response to National Search and Rescue Committee.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Organize the implementation of oil spill response plans made by the People’s Committees of provinces according to Article 9 of this Regulation.

2. Approval oil spill response plans made by local facilities, ports and projects; inspect and supervise the implementation of provincial oil spill response plans.

3. Direct and report the response on oil spills that occur locally; assess damage, complete legal documents, request owners of ships and facilities that cause the oil spill to provide compensation for damage.

4. Provide guidance on training for provincial oil spill response and recovery; raise the awareness of the public of the risk and menace of oils oil spills to protect the marine environment, prevent and respond to local oil spills.

5. Submit biannual and annual reports on the goods of provincial oil spill response plans to National Search and Rescue Committee.

Article 44. Responsibilities of local oil spill response centers

1. Take charge of oil spill response in the appointed area; respond to oil spill response under appointments and contracts for oil spill response signed with facilities; mobilize forces to respond to oil spills nationwide under the guidance of National Search and Rescue Committee.

2. Instruct provinces to formulate oil spill response plans under the guidance of National Search and Rescue Committee; participate in the assessment of oil spill response plans made by facilities.

3. Formulate and submit oil spill response plans to National Search and Rescue Committee for assessment and approval.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Provide training courses, conventions and conferences on oil spill response under the plans approved by National Search and Rescue Committee or the governing body.

Article 45. Responsibilities of ports, facilities and projects

1. Ports and facilities shall formulate and submit oil spill response plans to competent authorities for approval and effectively implement them after they are promulgated; stay ready to participate in oil spill response under the mobilization of competent authorities.

2. Make annual plans for providing training for personnel or send personnel to attend training courses to improve their skills. Organize at least one oil spill drill every 06 months.

3. Make plans for acquisition of equipment and instruments to raise the capacity for response of every port and facility; conclude contracts for oil spill response with suitable agencies or unit.

4. Actively deploy the response; promptly and effectively mobilize resources when an oil spill occurs.

Article 46. Responsibilities of other socio-economic organizations

1. Vietnamese, foreign organizations and individuals shall invest in infrastructure and equipment for oil spill response and environment protection in accordance with Vietnam's law.

2. Organizations and individuals that provide response services shall participate in oil spill response and recovery to claim compensation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The organizations and individuals in the list of resources for oil spill response of oil spill response plans shall comply with the dispatch of the agencies in charge of such plans.

Chapter 6.

IMPLEMENTATION

Article 47. Organizing the implementation

National Search and Rescue Committee, the Ministry of National Defense, the Ministry of Natural Resources and Environment, other Ministries, the People’s Committees of provinces, relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this Regulation./.

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


42.468

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.220.199
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!