Ông bà có thể đăng ký khai sinh cho cháu được không? Làm giấy khai sinh ở quê cha hay quê mẹ?
Ông bà có thể đăng ký khai sinh cho cháu được không?
Căn cứ tại Điều 15 Luật Hộ tịch 2014, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con.
Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Như vậy, ông bà có thể đăng ký khai sinh cho cháu trong trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký.
Ông bà có thể đăng ký khai sinh cho cháu được không? Làm giấy khai sinh ở quê cha hay quê mẹ? (Hình từ Internet)
Đăng ký khai sinh cho con ở quê cha hay mẹ?
(1) Đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã
Căn cứ Điều 13 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh, như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.
Như vậy, cha, mẹ, ông, bà hoặc người thân thích khác thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ ở UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ (bao gồm cả nơi thường trú và tạm trú)
(2) Đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện
Căn cứ tại Điều 35 Luật Hộ tịch 2014 quy định nếu thuộc vào các trường hợp sau đây thì phải thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ (bao gồm cả nơi thường trú và tạm trú)
- Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch
+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài
+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài
+ Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch
- Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam
+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam
(3) Đăng ký khai sinh trong trường hợp đặc biệt
- Trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân nước láng giềng (Campuchia, Lào, Trung Quốc) thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú thì thực hiện đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã nơi cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú.
(Điều 7 Luật Hộ tịch 2014; Điều 17 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)
- Trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài, chưa được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ tại Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài ở khu vực lãnh sự nơi cha hoặc mẹ cư trú hoặc nơi trẻ em được sinh ra:
+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam
+ Có mẹ là công dân Việt Nam, cha là người không quốc tịch hoặc chưa xác định được người cha
+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là người nước ngoài, cha và mẹ có văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con khi đăng ký khai sinh
(Điều 7 Luật Hộ tịch 2014; Điều 2, Điều 6 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP)
- Trường hợp chưa xác định được cha, mẹ thì đăng ký khai sinh cho trẻ ở UBND cấp xã nơi trẻ đang cư trú (nơi ở hiện tại của trẻ)
(Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)
- Trường hợp cá nhân, tổ chức nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi thì đăng ký khai sinh cho trẻ ở UBND cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi.
(Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)
Tóm lại, cha, mẹ, ông, bà hoặc người thân thích khác có thể thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ ở quê cha hoặc quê mẹ đều được (kể cả nơi thường trú và tạm trú). Ngoài ra, có một số trường hợp phải đăng ký khai sinh cho con theo mục (2) (3) nêu trên.
Đăng ký khai sinh cho con gồm những giấy tờ gì?
Căn cứ theo Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Luật Hộ tịch 2014 và Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 1872/QĐ-BTP thì người có trách nhiệm (cha, mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích khác; cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ) khi đi làm giấy khai sinh cho con cần đem theo các giấy tờ như sau:
- Hồ sơ làm giấy khai sinh không có yếu tố nước ngoài
Giấy tờ phải xuất trình bao gồm:
+ Bản chính một trong các giấy tờ là: Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân. (Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)
+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người yêu cầu làm giấy khai sinh để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh.
+ Giấy chứng nhận kết hôn (trong trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn)
Giấy tờ phải nộp bao gồm:
+ Bản chính giấy chứng sinh. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
+ Tờ khai theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP.
Xem và tải Mẫu tờ khai đăng ký khai sinh
- Hồ sơ làm giấy khai sinh có yếu tố nước ngoài
Giấy tờ phải xuất trình bao gồm:
+ Bản chính một trong các giấy tờ là: Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân của người yêu cầu làm Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân (Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người yêu cầu làm Giấy khai sinh để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh.
+ Giấy chứng nhận kết hôn (trong trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn)
+ Giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam trong trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam .
Giấy tờ phải nộp bao gồm:
+ Bản chính giấy chứng sinh. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài có thể nộp giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con (nếu có) thay thế giấy chứng sinh
+ Văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con trong trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha, mẹ là người nước ngoài.
Văn bản thỏa thuận này cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó trong trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thiết kế xây dựng là gì? Yêu cầu đối với nhà thầu thiết kế xây dựng được pháp luật quy định thế nào?
- Mức tiền thưởng huân chương lao động hạng Ba 2025 là bao nhiêu? Huân chương Lao động hạng Ba được quy định thế nào?
- Mẫu báo cáo kê khai sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê áp dụng đối với tài sản phục vụ công tác quản lý theo Thông tư 72 ra sao?
- Thành phần Đoàn thanh tra Kiểm toán nhà nước? Trường hợp nào không được tham gia Đoàn thanh tra?
- Hồ sơ khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình bao gồm tài liệu nào? Trách nhiệm nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế?