Nhìn vào số định danh cá nhân sẽ biết được thông tin gì? Số định danh cá nhân được sử dụng để làm gì?
Nhìn vào số định danh cá nhân sẽ biết được thông tin gì?
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP thì số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Hiện tại, Nghị định 137/2015/NĐ-CP đã hết hiệu lực và bị thay thể bởi Nghị định 70/2024/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định mới đã không còn hướng dẫn về cấu trúc của số định danh cá nhân.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 12 Luật Căn cước 2023 quy định: Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân Việt Nam.
Theo đó, dựa vào số định danh cá nhân được cấp cho công dân trên thực tế, có thể biết được các thông tin sau đây:
Trong đó:
- 3 số đầu là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.
- 1 số tiếp theo là số tương ứng với giới tính và thế kỷ công dân sinh ra được áp dụng như sau:
+ Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1
+ Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3
+ Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5
+ Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7
+ Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9
- 02 số tiếp theo là hai số cuối năm sinh của công dân.
Ví dụ: Sinh năm 1999 thì 2 số này là 99, sinh năm 2000 thì là 00
- 06 số cuối cùng là các số ngẫu nhiên.
Như vậy, nhìn vào 6 số đầu tiên của số định danh cá nhân thì chúng ta sẽ biết được một người đăng ký khai sinh ở đâu, là nam hay nữ và biết được năm sinh của người đó.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Nhìn vào số định danh cá nhân sẽ biết được thông tin gì? (Hình từ Internet)
Số định danh cá nhân được sử dụng để làm gì?
Căn cứ Điều 20 Luật Căn cước 2023 quy định như sau:
Giá trị sử dụng của thẻ căn cước
...
3. Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.
4. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ căn cước theo quy định của pháp luật.
Theo đó, số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 12 Luật Căn cước 2023 cũng có quy định: Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam dùng để cấp thẻ căn cước, khai thác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trung tâm dữ liệu quốc gia và cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Cần thu thập những thông tin nào để xác lập số định danh cá nhân đối với công dân đăng ký khai sinh?
Việc xác lập số định danh cá nhân đối với công dân đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 11 Nghị định 70/2024/NĐ-CP như sau:
Xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với công dân Việt Nam
1. Mỗi công dân Việt Nam khi được thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an xác lập 01 số định danh cá nhân duy nhất, không trùng lặp với người khác.
2. Xác lập số định danh cá nhân đối với công dân đăng ký khai sinh
Cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có trách nhiệm chuyển các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu; trong đó phải thu thập các thông tin sau đây để xác lập số định danh cá nhân:
a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
b) Ngày, tháng, năm sinh;
c) Giới tính;
d) Nơi đăng ký khai sinh;
đ) Nơi sinh;
e) Quê quán;
g) Dân tộc;
h) Quốc tịch;
i) Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp (nếu có); trừ trường hợp chưa xác định được cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp.
3. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận thông tin đăng ký khai sinh từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tự động kiểm tra và xác lập số định danh cá nhân và chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch. Trường hợp xảy ra sai sót thông tin do Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cung cấp, việc điều chỉnh thông tin được thực hiện theo khoản 2 Điều 6 Nghị định này.
...
Theo đó, khi xác lập số định danh cá nhân đối với công dân đăng ký khai sinh thì phải thu thập các thông tin sau đây:
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Nơi đăng ký khai sinh;
- Nơi sinh;
- Quê quán;
- Dân tộc;
- Quốc tịch;
- Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp (nếu có); trừ trường hợp chưa xác định được cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Việc ghi sổ thu chi tài chính công đoàn cơ sở được căn cứ vào đâu? Mẫu sổ thu chi tài chính công đoàn cơ sở mới nhất?
- STT Ngày Ông Công Ông Táo? Ngày Ông Công Ông Táo CBCCVC bắt đầu nghỉ Tết Nguyên đán Ất tỵ chưa?
- Các điểm bắn pháo hoa Tết âm lịch 2025 trên cả nước? Địa điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 63 tỉnh thành năm 2025?
- Tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 2 khi nào?
- Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản gồm những khoản nào? Cách tính thuế ra sao?