Người tiêu dùng có được quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật?
- Người tiêu dùng được quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình đúng không?
- Điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng có bao gồm điều khoản hạn chế, loại trừ quyền khởi kiện không?
- Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng đúng không?
Người tiêu dùng được quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình đúng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng có các quyền sau đây:
(1) Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.
(2) Được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh.
(3) Lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch; thỏa thuận các nội dung giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh; được cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đúng với nội dung đã giao kết.
(4) Góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
(5) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
(6) Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
(7) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(8) Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức và kỹ năng tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
(9) Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.
(10) Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(11) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người tiêu dùng được quyền khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
Người tiêu dùng có được quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật? (Hình từ Internet)
Điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng có bao gồm điều khoản hạn chế, loại trừ quyền khởi kiện không?
Điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng được quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, cụ thể là những điều khoản sau đây:
- Hạn chế, loại trừ trách nhiệm được pháp luật quy định của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật liên quan quy định trách nhiệm đó được hạn chế, loại trừ;
- Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi quy định của hợp đồng đã giao kết với người tiêu dùng;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi điều kiện giao dịch chung mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho người tiêu dùng;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số trách nhiệm;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi giá trong quá trình cung cấp dịch vụ liên tục mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho người tiêu dùng;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh giải thích hợp đồng, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp điều khoản của hợp đồng, điều kiện giao dịch chung được hiểu khác nhau;
- Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua bên thứ ba;
- Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ trách nhiệm khi tổ chức, cá nhân kinh doanh không hoàn thành trách nhiệm của mình;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao trách nhiệm cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Quy định về chế tài theo hướng bất lợi hơn cho người tiêu dùng do vi phạm hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh gia hạn hợp đồng đã thỏa thuận với người tiêu dùng mà không quy định trách nhiệm thông báo trước hoặc không có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn gia hạn hay chấm dứt thực hiện hợp đồng;
- Quy định người tiêu dùng phải đồng ý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng là điều kiện để giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Quy định trái với nguyên tắc thiện chí theo quy định của pháp luật về dân sự, dẫn đến mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng.
Như vậy, điều khoản hạn chế, loại trừ quyền khởi kiện là điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng. Do đó, không được quy định điều khoản này trong hợp đồng.
Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng đúng không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 70 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định như sau:
Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
1. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Luật này. Tòa án giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
...
Như vậy, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc bên khởi kiện là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen đi học muộn lớp 10? Học sinh lớp 10 có quyền gì?
- Mẫu Báo cáo hoàn thành công tác bảo hành công trình của nhà thầu thi công xây dựng? Tải mẫu báo cáo mới nhất?
- Chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở nào? Nội dung chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng?
- Quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ là gì? Việc thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân quy định thế nào?
- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi nào? Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có bị hạn chế không?