Người đào phá đường lâm nghiệp thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 10 triệu đồng đúng không?
Người đào phá đường lâm nghiệp thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 10 triệu đồng đúng không?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người đào phá đường lâm nghiệp được quy định tại điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 19 Nghị định 35/2019/NĐ-CP như sau:
Phá hủy các công trình bảo vệ và phát triển rừng
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Viết, vẽ, xóa các thông tin, hình ảnh trên các biển báo, biển cảnh báo, bảng tuyên truyền bảo vệ rừng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tháo dỡ biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Đào phá đường lâm nghiệp, đường tuần tra bảo vệ rừng;
b) Phá đường ranh cản lửa, kênh, mương, cống, đập ngăn nước, bể, hồ chứa nước phòng cháy và chữa cháy rừng;
c) Phá hàng rào, cọc mốc ranh giới khu rừng, tiểu khu, khoảnh và lô rừng.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Đập phá bảng tuyên truyền bảo vệ rừng, chòi canh lửa rừng, nhà làm việc, tài sản, phương tiện dùng trong việc tuần tra bảo vệ rừng; làm hư hỏng các công trình khác phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Áp dụng xử phạt vi phạm hành chính
1. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500.000.000 đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là 1.000.000.000 đồng.
...
Theo quy định trên, người đào phá đường lâm nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Đường lâm nghiệp (Hình từ Internet)
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đào phá đường lâm nghiệp là bao lâu?
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đào phá đường lâm nghiệp là 02 năm.
Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền xử phạt người đào phá đường lâm nghiệp không?
Theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền xử phạt như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt
1. Những người có thẩm quyền của Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra chuyên ngành, Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, có quyền áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 và Điều 29 của Nghị định này thuộc phạm vi quản lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
...
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ được quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 35/2019/NĐ-CP như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm lâm
1. Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.
...
Như vậy, Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân, và tối đa 1.000.000 đồng đối với tổ chức.
Do người đào phá đường lâm nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 10.000.000 đồng nên Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ không có quyền xử phạt người này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc làm việc của Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII là gì? Quy định về xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm ra sao?
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?