Người dân được mua loại pháo hoa nào để đốt nhân dịp Tết Âm lịch 2025? Đến đâu để mua được pháo hoa hợp pháp?
Loại pháo hoa nào được phép mua nhân dịp Tết Âm lịch 2025?
Quy định sử dụng pháo hoa được đề cập tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo như sau:
Sử dụng pháo hoa
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP đề cập:
Giải thích từ ngữ
...
b) Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Theo các quy định trên thì vào dịp Tết, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ - gọi chung là pháo hoa không nổ.
Người dân được mua loại pháo hoa nào để đốt nhân dịp Tết Âm lịch 2025? Đến đâu để mua được pháo hoa hợp pháp? (Hình từ Internet)
Đốt pháo hoa dịp Tết cần tuân thủ những nguyên tắc gì?
Nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo hoa dịp Tết được thể hiện tại Điều 4 Nghị định 137/2020/NĐ-CP như sau:
Nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Việc quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định vả bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường.
3. Người quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định.
4. Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo và các loại giấy phép bị mất, hư hỏng phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền.
5. Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo khi không còn nhu cầu, hết hạn sử dụng, không còn khả năng sử dụng phải được tiêu hủy theo quy định.
6. Việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm đúng trình tự, an toàn, bảo vệ môi trường và theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong dịp lễ, Tết, khi muốn chơi pháo hoa thì người dân cần phải chú ý tuân thủ đúng 06 nguyên tắc nêu trên.
Địa chỉ mua được pháo hoa hợp pháp ở đâu?
Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP như sau:
Sử dụng pháo hoa
...
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Theo đó, việc mua pháo hoa không nổ phải được thực hiện tại nơi sản xuất, kinh doanh đã được Nhà nước cấp phép, cho phép hoạt động sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (hay còn gọi là Nhà máy Z121) là đơn vị duy nhất được Bộ Quốc phòng cho phép sản xuất và phân phối các sản phẩm pháo hoa. Như vậy, muốn mua pháo hoa để đốt Tết thì người dân có thể đến các cửa hàng pháo hoa thuộc Nhà máy Z121 trên cả nước.
Đốt pháo trái phép dịp Tết bị xử phạt thế nào?
Quy định xử phạt đối với hành vi đốt, sử dụng pháo hoa trái phép tại điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm
...
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;
Ngoài ra, tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm
...
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này;
Theo đó, người đốt, sử dụng pháo hoa trái phép sẽ bị phạt hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng và tịch thu tang vật.
Đồng thời, nếu hành vi sử dụng pháo làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hộ thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, tùy thuộc vào mức độ của hành vi đốt, sử dụng pháo hoa trái phép mà người, tổ chức thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng, mức tối đa cho vi phạm này có thể lên đến 07 năm tù.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thuế môn bài bao lâu đóng một lần 2025? Những trường hợp được miễn thuế môn bài 2025 như thế nào?
- Quy định về dạy thêm học thêm trong nhà trường theo Thông tư 29/2024 ra sao? Trách nhiệm của Hiệu trưởng trong quản lý hoạt động dạy thêm học thêm?
- Nghị định 181/2024 quy định một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như thế nào?
- Mẫu thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động dùng chung cho mọi doanh nghiệp? Tải về mẫu thông báo?
- Lỗi không nhường đường cho người đi bộ bị phạt bao nhiêu 2025? Lỗi không nhường đường cho người đi bộ có bị trừ điểm giấy phép lái xe?