Lương tháng 13 và thưởng Tết có gì khác nhau? Tiền lương tháng 13 có được tính vào chi phí hợp lý không?
Lương tháng 13 và thưởng Tết có gì khác nhau?
Hiện tại, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan chưa có định nghĩa cụ thể như thế nào là lương tháng 13.
Về thưởng tết thì tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thưởng như sau:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Trên thực tế, lương tháng 13 không phải là tiền thưởng Tết. Lương tháng 13 là khoản lương được thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động sau cả năm làm việc. Việc có hay không có lương tháng thứ 13 là phụ thuộc vào quy chế riêng của từng doanh nghiệp.
Nếu trong hợp đồng lao động ký kết có ghi rõ quy định về khoản lương tháng 13 người lao động được nhận thì người sử dụng lao động bắt buộc phải thực hiện chi trả khoản lương này cho người lao động theo cam kết.
Trong khi đó, thưởng Tết là khoản tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Mặc dù cả lương tháng 13 và thưởng Tết đều là những khoản tiền mà người lao động nhận được vào cuối năm, nhưng 02 khoản tiền này có một số điểm khác biệt cơ bản như sau:
(1) Lương tháng 13
- Bản chất: Là một phần của thỏa thuận lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nó thường được quy định trong hợp đồng lao động hoặc quy chế thưởng của công ty.
- Tính ổn định: Tương đối ổn định hơn thưởng Tết, vì nó thường được quy định rõ ràng và có thể dự đoán trước.
- Mục đích: Thường được xem như một phần thu nhập bổ sung để hỗ trợ người lao động trang trải các chi phí cuối năm.
- Điều kiện nhận: Thường dựa trên thời gian làm việc và hiệu quả công việc của người lao động trong cả năm. Tuy nhiên, điều kiện cụ thể có thể khác nhau tùy theo quy định của từng công ty.
(2) Thưởng Tết
- Bản chất: Là khoản tiền thưởng mà người sử dụng lao động tự nguyện chi trả cho người lao động vào dịp Tết Nguyên đán.
- Tính linh hoạt: Không có quy định bắt buộc về thưởng Tết, số tiền thưởng và điều kiện nhận thưởng có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty và quyết định của người sử dụng lao động.
- Mục đích: Thể hiện sự tri ân của công ty đối với đóng góp của người lao động trong năm và tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân viên trước dịp Tết.
- Điều kiện nhận: Ngoài thời gian làm việc, còn có thể dựa trên hiệu quả công việc, đóng góp đặc biệt, hoặc các tiêu chí đánh giá khác của công ty.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Lương tháng 13 và thưởng Tết có gì khác nhau? (Hình từ Internet)
Tiền lương tháng 13 có được đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp không?
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC và khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC) có quy định như sau:
Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
...
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
...
2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.
b) Các Khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
...
Ngoài ra, căn cứ nội dung hướng dẫn tại Công văn 73512/CT-TTHT năm 2018 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành có nêu:
Căn cứ các quy định trên, trường hợp công ty chi trả lương tháng thứ 13 cho người lao động, nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty thì được hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (không thuộc khoản chi có tính phúc lợi theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC nêu trên). Khoản thu nhập lương tháng thứ 13 của người lao động thuộc khoản thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương tiền công của cá nhân.
Như vậy, nếu như công ty trả tiền lương tháng 13 cho người lao động và khoản tiền này được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty thì được hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quyền và nghĩa vụ của người lao động được quy định thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của người lao động được quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
(1) Người lao động có các quyền sau đây:
- Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
- Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Đình công;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(2) Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bước đầu tiên trong đánh giá an toàn công trình xây dựng là gì? Trách nhiệm của Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành?
- Bảng tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe ô tô 2025 mới nhất? Cách trừ điểm giấy phép lái xe 2025 tại Nghị định 168?
- Người lao động có quyền tham vấn với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay không?
- Lấn làn xe ô tô theo Nghị định 168, người điều khiển xe máy bị phạt bao nhiêu tiền? Có bị trừ điểm giấy phép lái xe không?
- Tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, VC để sắp xếp và giải quyết chính sách, chế độ theo Nghị định 178/2024?