Lịch tựu trường của học sinh các cấp tại 63 tỉnh thành khi nào có? Tiêu chuẩn đồng phục đối với học sinh các cấp khi bắt đầu năm học mới?
Lịch tựu trường của học sinh các cấp tại 63 tỉnh thành khi nào có?
Căn cứ vào các văn bản bản hiện nay thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có công bố lịch tựu trường dành năm học mới cho 63 tỉnh thành.
Tuy nhiên, đối chiếu với lịch khai giảng của 3 năm học gần nhất dựa theo Quyết định 2551/QĐ-BGDĐT năm 2021, Quyết định 2159/QĐ-BGDĐT năm 2022 và Quyết định 2171/QĐ-BGDĐT năm 2023 thì thời gian tổ chức lễ khai giảng của học sinh sau kỳ nghỉ hè là ngày 5 tháng 9.
Cụ thể, tại Điều 1 Quyết định 2171/QĐ-BGDĐT năm 2023 quy định về khung thời gian của năm học 2023-2024 có nêu như sau:
Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng trong toàn quốc như sau:
1. Tựu trường sớm nhất trước 01 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.
2. Tổ chức khai giảng vào ngày 05 tháng 9 năm 2023.
3. Kết thúc học kỳ I trước ngày 15 tháng 01 năm 2024, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2024 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2024.
4. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30 tháng 6 năm 2024.
5. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31 tháng 7 năm 2024.
6. Thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các kỳ thi cấp quốc gia theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường hợp lịch khai giảng năm nay vẫn thực hiện theo lịch của 3 năm học gần nhất thì, học sinh các cấp có thể sẽ tựu trường sớm 01 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.
Lịch tựu trường của 63 tỉnh dành cho học sinh các cấp khi nào có? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn đồng phục đối với học sinh các cấp khi bắt đầu năm học mới là gì?
Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT có nêu rõ đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ học sinh, sinh viên của một trường mặc khi đến trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hoá.
Đồng phục bao gồm: Quần đồng màu, áo đồng màu (áo sơ mi, áo khoác hoặc áo dài), phù hiệu, giày hoặc dép.
Theo đó, căn cứ vào Điều 4 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT khi bắt đầu năm học mới, học sinh các cấp phải bảo đảm đồng phục đi học của mình đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
(1) Đồng phục mùa hè:
- Áo sơ mi và quần âu hoặc bộ áo dài truyền thống.
- Giày hoặc dép có quai hậu.
- Phù hiệu của trường được gắn ở ngực áo bên trái hoặc mặt ngoài giữa cánh tay áo bên trái (đối với học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông); gắn ở ngực áo bên trái (đối với học sinh trường trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học).
Đối với nữ sinh, nếu sử dụng váy thì chiều dài váy phải trùm quá đầu gối.
Nếu chọn bộ áo dài làm đồng phục thì chỉ thực hiện đối với nữ sinh trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học.
(2) Đồng phục mùa đông
- Áo khoác.
- Quần âu hoặc váy như đồng phục mùa hè (đối với nữ).
- Phù hiệu của trường được gắn ở ngực áo bên trái hoặc mặt ngoài giữa cánh tay áo bên trái (đối với học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông); gắn ở ngực áo bên trái (đối với học sinh trường trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên cơ sở giáo dục đại học)
Lưu ý: Ngoài những ngày quy định mặc đồng phục, các ngày còn lại khi đến trường học sinh, sinh viên phải mặc gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo tính nghiêm túc.
Việc xây dựng kế hoạch thời gian năm học cho học sinh các cấp phải đảm bảo các nguyên tắc nào?
Tuy chưa có văn bản thông báo về thời gian năm học mới nhưng có thể tham khảo Điều 2 Quyết định 2171/QĐ-BGDĐT năm 2023 để xây dưng kế hoạch thời gian cho năm học mới, cụ thể:
- Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học:
+ Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
+ Đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông).
+ Đối với lớp 9 cấp trung học cơ sở và lớp 12 cấp trung học phổ thông có 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có 16 tuần).
+ Đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp trung học cơ sở và lớp 10, lớp 11 cấp trung học phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
- Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương.
- Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.
- Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.
- Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Nhận xét của chi ủy đối với đảng viên cuối năm? Nhận xét của chi ủy đối với đảng viên được thông báo đến ai?
- Tam tai là gì? Cúng sao giải hạn tam tai có phải mê tín dị đoan không? Hành vi mê tín dị đoan bị xử lý thế nào?
- Nhóm kín, nhóm tele, nhóm zalo chia sẻ link 18+, link quay lén trong group kín thì có bị phạt tù không?
- Chủ đầu tư có phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường hay không?
- Đảng viên phải tự kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên trước chi bộ vào cuối năm đúng không?