Kiểm tra sau thông quan được thực hiện tại những địa điểm nào của người khai hải quan? Kiểm tra trong trường hợp nào?
Kiểm tra sau thông quan được thực hiện tại những địa điểm nào của người khai hải quan?
Địa điểm kiểm tra sau thông quan được quy định tại Điều 77 Luật Hải quan 2014 như sau:
Kiểm tra sau thông quan
1. Kiểm tra sau thông quan là hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan đối với hồ sơ hải quan, sổ kế toán, chứng từ kế toán và các chứng từ khác, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến hàng hóa; kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện sau khi hàng hóa đã được thông quan.
Việc kiểm tra sau thông quan nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, hồ sơ mà người khai hải quan đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan hải quan; đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan và các quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu của người khai hải quan.
2. Kiểm tra sau thông quan được thực hiện tại trụ sở cơ quan hải quan, trụ sở người khai hải quan.
Trụ sở người khai hải quan bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, cửa hàng, nơi sản xuất, nơi lưu giữ hàng hóa.
3. Thời hạn kiểm tra sau thông quan là 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Theo quy định này thì kiểm tra sau thông quan được thực hiện tại trụ sở cơ quan hải quan, trụ sở người khai hải quan.
Trong đó, trụ sở người khai hải quan bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, cửa hàng, nơi sản xuất, nơi lưu giữ hàng hóa.
Như vậy, việc kiểm tra sau thông quan được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, cửa hàng, nơi sản xuất, nơi lưu giữ hàng hóa của người khai hải quan.
Kiểm tra sau thông quan được thực hiện tại những địa điểm nào của người khai hải quan? (Hình từ Internet)
Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 98 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định về kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan như sau:
Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan
1. Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan được thực hiện đối với các trường hợp quy định tại Điều 78 Luật Hải quan, trừ các hồ sơ hải quan đã được kiểm tra theo quy định tại Khoản 1 Điều 97 Nghị định này.
...
Đồng thời, căn cứ Điều 78 Luật Hải quan 2014 quy định về các trường hợp kiểm tra sau thông quan:
Các trường hợp kiểm tra sau thông quan
1. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì việc kiểm tra sau thông quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
3. Kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
Như vậy, trừ các hồ sơ hải quan đã được kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 97 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan được thực hiện trong các trường hợp sau:
(1) Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu.
(2) Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại mục (1) thì việc kiểm tra sau thông quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
(3) Kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
Trình tự, thủ tục kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan được tiến hành thế nào?
Theo quy định tại Điều 80 Luật Hải quan 2014, trình tự, thủ tục kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan được tiến hành như sau:
- Công bố quyết định kiểm tra sau thông quan khi bắt đầu tiến hành kiểm tra;
- Đối chiếu nội dung khai báo với sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, các tài liệu có liên quan, tình trạng thực tế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong phạm vi, nội dung của quyết định kiểm tra sau thông quan;
- Lập biên bản kiểm tra sau thông quan trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra;
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, người quyết định kiểm tra phải ký kết luận kiểm tra và gửi cho người khai hải quan.
Trường hợp kết luận kiểm tra cần có ý kiến về chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền thì thời hạn ký kết luận kiểm tra được tính từ ngày có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan chuyên môn có thẩm quyền có ý kiến trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan;
- Xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý theo kết quả kiểm tra.
Lưu ý: Trường hợp người khai hải quan không chấp hành quyết định kiểm tra, không giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu đúng thời hạn cho cơ quan hải quan thì cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ, tài liệu đã thu thập, xác minh để quyết định xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 03 loại sân tập lái để sát hạch lái xe mô tô theo Nghị định 160/2024 ra sao? Điều kiện về cơ sở vật chất và kỹ thuật của sân tập lái thế nào?
- Luật Xây dựng mới nhất hiện nay quy định những gì? 09 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xây dựng?
- Cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng theo Nghị định 147 như thế nào?
- Nguyên tắc cơ bản của pháp luật là gì? Trong hoạt động thương mại, những nguyên tắc cơ bản gồm những nguyên tắc nào?
- Tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự quân khu và tương đương như thế nào? Nhiệm vụ quyền hạn của Cơ quan Điều tra?