Kiểm sát viên có được là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự hay không? Những trường hợp nào không được làm người đại diện?
Đại diện theo ủy quyền được pháp luật quy định như thế nào?
Theo Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015, đại diện theo ủy quyền được quy định như sau:
“Điều 138. Đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”
Đồng thời, tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự cũng là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Kiểm sát viên có được là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự không?
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện trong tố tụng dân sự là gì?
Căn cứ theo Điều 86 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quyền và nghĩa vụ của người đại diện được quy định như sau:
- Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện.
- Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.
Kiểm sát viên có được làm người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự hay không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về những trường hợp không được làm người đại diện như sau:
“3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.”
Căn cứ theo quy định trên thì cán bộ, công chức trong cơ quan Kiểm sát không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.
Đồng thời, theo Điều 8 Nghị định 06/2010/NĐ-CP, quy định những người là công chức trong hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân gồm:
- Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm sát viên, Điều tra viên; người làm việc trong văn phòng, vụ, cục, ban và Viện nghiệp vụ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; kiểm sát viên, Điều tra viên; người làm việc trong văn phòng, phòng thuộc Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh;
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện; kiểm sát viên, Điều tra viên và người làm việc trong Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Như vậy, trường hợp anh của bạn là Kiểm sát viên, theo quy định đây được xem là công chức trong cơ quan Kiểm sát. Do đó, anh của bạn không được làm người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Việc tòa án không chấp nhận anh bạn làm người đại diện theo ủy quyền là đúng theo quy định của pháp luật.
Những trường hợp nào không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự?
Theo Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về những trường hợp không được làm người đại diện như sau:
(1) Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
- Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
- Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
(2) Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
(3) Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.
Như vậy, khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?