Không tiến hành kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Hệ thống chống sét quan trọng như thế nào?
Căn cứ Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9385:2012 (BS 6651:1999) quy định về chống sét cho công trình xây dựng - Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống có hướng dẫn về chức năng của hệ thống chống sét như sau:
"5. Chức năng của hệ thống chống sét
Chức năng của hệ thống thu và dẫn sét là thu hút sét đánh vào nó rồi chuyển dòng điện do sét tạo ra xuống đất một cách an toàn, tránh sét đánh vào các phần kết cấu khác cần được bảo vệ của công trình. Phạm vi thu sét của một hệ thống thu và dẫn sét không cố định nhưng có thể coi là một hàm của mức độ tiêu tán dòng điện sét. Bởi vậy phạm vi thu sét là một đại lượng thống kê.
Mặt khác, phạm vi thu sét ít bị ảnh hưởng bởi cách cấu tạo hệ thống thu và dẫn sét, cho nên sự sắp đặt theo chiều ngang và chiều thẳng đứng là tương đương nhau. Do đó không nhất thiết phải sử dụng các đầu thu nhọn hoặc chóp nhọn, ngoại trừ việc đó là cần thiết về mặt thực tiễn."
Và theo tiểu mục 7.1 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9385:2012 (BS 6651:1999) quy định về chống sét cho công trình xây dựng - Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống có hướng dẫn như sau:
- Các công trình có nguy cơ cháy nổ cao như nhà máy sản xuất thuốc nổ, kho chứa nhiên liệu hoặc tương đương cần sự bảo vệ cao nhất khỏi các nguy cơ bị sét đánh. Chi tiết cho việc bảo vệ các công trình này xem trong Điều 18.
- Đối với các công trình khác, các yêu cầu về phòng chống sét được đề cập đến trong tiêu chuẩn này là đủ đáp ứng và câu hỏi duy nhất được đặt ra là có cần chống sét hay không.
- Trong nhiều trường hợp, yêu cầu cần thiết phải chống sét là rõ ràng, ví dụ:
+ Nơi tụ họp đông người;
+ Nơi cần phải bảo vệ các dịch vụ công cộng thiết yếu;
+ Nơi mà quanh khu vực đó thường xuyên xảy ra sét đánh;
+ Nơi có các kết cấu rất cao hoặc đứng đơn độc một mình;
+ Nơi có các công trình có giá trị văn hóa hoặc lịch sử;
+ Nơi có chứa các vật liệu dễ cháy, nổ.
Do đó, hệ thống chống sét có vai trò rất quan trọng trong công trình xây dựng.
Kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét
Hệ thống chống sét được kiểm tra định kỳ như thế nào?
Tại Mục 27 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9385:2012 (BS 6651:1999) quy định về chống sét cho công trình xây dựng - Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống có hướng dẫn về kiểm tra như sau:
"27. Kiểm tra
Toàn bộ hệ thống chống sét nên được một người có trình độ chuyên môn thích hợp kiểm tra kỹ bằng mắt thường trong suốt quá trình lắp đặt, sau khi hoàn thành và sau khi thay đổi hoặc mở rộng, để xác nhận rằng chúng được làm tuân thủ theo tiêu chuẩn này. Việc kiểm tra nên được tiến hành định kỳ, tốt nhất là không quá 12 tháng. Đối với các khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên tăng tần suất kiểm tra.
Thêm nữa, trạng thái cơ học của tất cả các dây dẫn, liên kết, mối nối và các điện cực đất (bao gồm các điện cực tham chiếu) nên được kiểm tra và ghi chép lại. Nếu với bất kỳ lý do nào, như do các công việc khác tại công trường tạm thời không thể xem xét các phần lắp đặt cụ thể thì cũng nên ghi chép lại điều đó.
Trong suốt quá trình xem xét định kỳ hệ thống chống sét, việc ghép nối bất kỳ bộ phận bổ sung nào mới nên được kiểm tra để đảm bảo rằng nó phù hợp với những quy định của tiêu chuẩn này."
Như vậy, kiểm tra hệ thống chống sét nên được tiến hành định kỳ, tốt nhất là không quá 12 tháng, người kiểm tra nên là người có trình độ chuyên môn thích hợp kiểm tra kỹ bằng mắt thường trong suốt quá trình lắp đặt, sau khi hoàn thành và sau khi thay đổi hoặc mở rộng, để xác nhận rằng chúng được làm tuân thủ theo tiêu chuẩn này.
Không tiến hành kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Như trên đã đề cập thì toàn bộ hệ thống chống sét nên được kiểm tra định kỳ để đảm bảo tiêu chuẩn này, do đó, không tiến hành kiểm tra định kỳ theo quy định có thể bị xử phạt theo khoản 1, khoản 2 Điều 37 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
"Điều 37. Vi phạm quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong lắp đặt, kiểm tra, bảo trì hệ thống chống sét
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không có hồ sơ theo dõi hệ thống chống sét theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét theo quy định của pháp luật."
Đây là mức phạt danh cho cá nhân. Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 4 Nghị định này).
Như vậy, bạn có thể tham khảo về mức xử phạt vi phạm hành chính như trên đối với trường hợp không kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét và bạn có thể theo dõi các đơn vị được đo, kiểm tra điện trở tiếp địa của hệ thống chống sét gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, công ty Điện lực, các đơn vị có chức năng kiểm định theo quy định của Nhà nước. Cảnh sát PCCC kiểm tra kết quả đo điện trở tiếp địa của hệ thống thu lôi chống sét.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục hồ sơ hoàn công công trình xây dựng theo Nghị định 06 gồm những gì? Thời hạn lưu trữ hồ sơ?
- Cục cảnh sát giao thông có tiếp nhận vụ tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông xác minh, điều tra, giải quyết không?
- Dự toán và phương pháp xác định chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị theo Thông tư 12/2024 thế nào?
- 03 trường hợp phải thành lập Hội đồng an toàn vệ sinh lao động cơ sở? Hội đồng an toàn vệ sinh lao động có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
- Chủ chương trình và Ban quản lý chương trình dự án đầu tư công có trách nhiệm giám sát đầu tư của cộng đồng như thế nào?