Không thực hiện khai báo tạm vắng bị xử phạt như thế nào? Đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đi khỏi nơi cư trú bao lâu thì phải thực hiện khai báo tạm vắng?
Đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đi khỏi nơi cư trú bao lâu thì phải khai báo tạm vắng?
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú 2020 quy định về khai báo tạm vắng như sau:
"Điều 31. Khai báo tạm vắng
1. Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:
c) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;"
Tại Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định độ tuổi gọi nhập ngũ như sau:
"Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi."
Theo đó, đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm khai báo tạm vắng.
Độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Trường hợp công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Trường hợp bạn 25 tuổi có thể xác định là người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Như vậy, khi phải vào nam công tác nửa năm thì bạn có trách nhiệm phải khai báo tạm vắng.
Khai báo tạm vắng (Hình từ Internet)
Thủ tục khai báo tạm vắng được quy định như thế nào?
Theo khoản 3 và khoản 4 Điều 31 Luật Cư trú 2020 về khai báo tạm vắng có quy định về thủ tục khai báo như sau:
"Điều 31. Khai báo tạm vắng
3. Người quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này có thể đến khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Trường hợp người quy định tại điểm d khoản 1 Điều này là người chưa thành niên thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.
4. Nội dung khai báo tạm vắng bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến."
Đồng thời tại Điều 16 Thông tư 55/2021/TT-BTC cũng quy định về khai báo tạm vắng như sau:
"Điều 16. Khai báo tạm vắng
1. Việc khai báo tạm vắng đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
a) Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc tại địa điểm tiếp nhận khai báo tạm vắng do cơ quan đăng ký cư trú quy định;
b) Số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
c) Trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
d) Ứng dụng trên thiết bị điện tử.
2. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo hoặc niêm yết công khai địa điểm, số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử, địa chỉ trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, tên ứng dụng trên thiết bị điện tử tiếp nhận khai báo tạm vắng."
Như vậy nếu bạn thuộc trường hợp phải khai báo tạm vắng thì bạn có thể chọn một trong những cách vừa nêu trên để khai báo tạm vắng với cơ quan có thẩm quyền liên quan, hãy đảm bảo nội dung khai báo của bạn phải đầy đủ nội dung với yêu cầu của pháp luật.
Tải Phiếu khai báo tạm vắng CT03 mới nhất hiện nay tải về
Khi không thực hiện khai báo tạm vắng bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 9. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền."
Như vậy, trường hợp bạn không thực hiện khai báo tạm vắng đúng quy định thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc đặt tên giao dịch quốc tế của trường cao đẳng sư phạm? Trường CĐSP phải công khai giải trình thể hiện ở những hoạt động nào?
- 23 nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự? Tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có bao gồm tranh chấp đất đai?
- Người tham gia đấu giá tài sản có quyền khiếu nại đối với quyết định của Hội đồng đấu giá tài sản khi nào?
- Khi đấu giá theo phương thức đặt giá xuống mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá thì cuộc đấu giá thực hiện như nào?
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?