Khi xảy ra tai nạn lao động hàng hải làm chết người thì xử lý như thế nào? Ai có thẩm quyền điều tra những vụ tai nạn hàng hải làm chết người?
- Khi có tai nạn lao động hàng hải làm chết người thì phải làm sao?
- Thẩm quyền điều tra tai nạn lao động hàng trong trường hợp làm chết người như thế nào?
- Hồ sơ vụ tai nạn lao động hàng hải
- Trách nhiệm của thuyền viên bị nạn, người biết sự việc và người có liên quan đến vụ tai nạn lao động hàng hải
- Trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng khi trên tàu xảy ra tai nạn lao động hàng hải chết người như thế nào?
- Chi phí điều tra tai nạn lao động hàng hải
Khi có tai nạn lao động hàng hải làm chết người thì phải làm sao?
Theo Điều 5 Thông tư 37/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc khai báo tai nạn lao động hàng hải theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 được thực hiện như sau:
(1) Khi xảy ra tai nạn lao động hàng hải thì thuyền viên bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải thông báo ngay cho chủ tàu hoặc thuyền trưởng.
(2) Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động hàng hải chết người hoặc tai nạn lao động hàng hải nặng làm bị thương nặng từ 02 thuyền viên trở lên chủ tàu hoặc thuyền trưởng có trách nhiệm khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) tới các cơ quan có thẩm quyền sau:
- Cảng vụ hàng hải nếu tàu đang hoạt động trong vùng nước cảng biển;
- Cục Hàng hải Việt Nam nếu tàu đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam hoặc vùng biển quốc tế;
- Cơ quan đại diện của Việt Nam nếu tàu biển đang hoạt động ở vùng biển nước ngoài;
- Trường hợp tai nạn lao động hàng hải làm chết người xảy ra trong vùng biển Việt Nam thì đồng thời phải báo ngay cho Công an cấp huyện nơi xảy ra tai nạn lao động hàng hải hoặc nơi gần nhất.
(3) Nội dung bản khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, khi xảy ra tai nạn lao động hàng hải làm chết người thì chủ tàu hoặc thuyền trường phải khai báo bằng cách nhanh nhất cho cơ quan có thẩm quyền, để tiến hành điều tra theo luật định.
Thẩm quyền điều tra tai nạn lao động hàng trong trường hợp làm chết người như thế nào?
Theo Điều 6 Thông tư 37/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều tra tai nạn lao động hàng hải, như sau:
(1) Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp tỉnh
Ngay khi nhận được tin báo xảy ra tai nạn lao động hàng hải chết người hoặc tai nạn lao động hàng hải nặng làm hai thuyền viên bị tai nạn nặng trở lên, Cảng vụ hàng hải khu vực chủ trì quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp tỉnh theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan tại địa phương thực hiện việc điều tra, lập biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải.
Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp tỉnh bao gồm:
- Đại diện Cảng vụ hàng hải, Trưởng đoàn;
- Đại diện Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành viên;
- Đại diện Sở Y tế, Thành viên;
- Đại diện Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Thành viên;
- Mời một số thành viên khác (nếu xét thấy cần thiết).
(2) Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp trung ương
Ngay khi nhận được tin báo tai nạn lao động hàng hải chết người hoặc tai nạn lao động hàng hải nặng làm hai thuyền viên bị tai nạn nặng trở lên xảy ra tại nước ngoài hoặc các trường hợp tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có tính chất phức tạp nếu xét thấy cần thiết, Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp trung ương theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan thực hiện việc điều tra, lập biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải. Trong trường hợp việc di chuyển đến nơi xảy ra tai nạn lao động hàng hải tại nước ngoài khó khăn thì Đoàn điều tra có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ, cung cấp hồ sơ để điều tra.
Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp trung ương bao gồm:
- Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, Trưởng đoàn;
- Đại diện Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành viên;
- Đại diện Bộ Y tế, Thành viên;
- Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành viên;
- Mời một số thành viên khác (nếu xét thấy cần thiết).
(3) Thời hạn điều tra, quyền hạn, nhiệm vụ và quy trình, thủ tục điều tra của Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải tuân thủ theo các quy định pháp luật về lao động, an toàn lao động.
Vì vậy khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người tùy theo tính chất sự việc mà thẩm quyền điều tra sẽ thuộc về Đoàn điều tra viên tai nạn lao động hàng hải cấp tỉnh hay cấp trung ương thực hiện.
Hồ sơ vụ tai nạn lao động hàng hải
Theo Điều 7 Thông tư 37/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn hồ sơ vụ tai nạn lao động hàng hải như sau:
(1) Chủ tàu có trách nhiệm lập Hồ sơ vụ tai nạn lao động hàng hải. Trong một vụ tai nạn lao động hàng hải nếu có nhiều thuyền viên bị tai nạn lao động thì mỗi thuyền viên bị tai nạn lao động được lập một bộ hồ sơ riêng.
(2) Hồ sơ bao gồm bản chính hoặc bản sao các tài liệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
(3) Việc lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động hàng hải được quy định như sau:
- Chủ tàu lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động hàng hải theo quy định tại Khoản 8 Điều 18 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP;
- Cơ quan thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp tỉnh, cấp trung ương lưu trữ hồ sơ vụ tai nạn lao động hàng hải theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Tai nạn hàng hải
Trách nhiệm của thuyền viên bị nạn, người biết sự việc và người có liên quan đến vụ tai nạn lao động hàng hải
Theo Điều 8 Thông tư 37/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thuyền viên bị nạn (trừ trường hợp bị chết), người biết sự việc và người có liên quan đến vụ tai nạn lao động hàng hải có trách nhiệm khai báo trung thực, đầy đủ tất cả những tình tiết mà mình biết về những sự việc có liên quan đến vụ tai nạn lao động hàng hải theo yêu cầu của Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều đã khai báo của mình.
Trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng khi trên tàu xảy ra tai nạn lao động hàng hải chết người như thế nào?
Theo Điều 9 Thông tư 37/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng khi trên tàu xảy ra tai nạn lao động hàng hải như sau:
(1) Kịp thời sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.
(2) Khai báo tai nạn lao động hàng hải theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
(3) Giữ nguyên hiện trường những vụ tai nạn lao động hàng hải chết người, tai nạn lao động hàng hải nặng theo nguyên tắc sau:
- Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì cơ sở phải vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);
- Chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành các bước điều tra theo quy định Thông tư này và được sự đồng ý bằng văn bản Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp tỉnh hoặc cơ quan công an.
(4) Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.
(5) Tạo điều kiện cho người có liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông tin cho Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải khi được yêu cầu.
(6) Thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải để điều tra các vụ tai nạn lao động hàng hải thuộc thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Thông tư này.
(7) Thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động hàng hải tới tất cả thuyền viên của mình.
(8) Thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động kể cả việc điều tra lại tai nạn lao động, bao gồm:
- Dựng lại hiện trường;
- Chụp, in, phóng ảnh hiện trường và nạn nhân;
- Trưng cầu giám định kỹ thuật, giám định pháp y (khi cần thiết);
- Khám nghiệm tử thi;
- In ấn các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn lao động hàng hải;
- Phương tiện đi lại tại nơi xảy ra tai nạn lao động hàng hải phục vụ quá trình điều tra tai nạn lao động hàng hải;
- Tổ chức cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải.
(9) Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động hàng hải gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong Biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động hàng hải.
Như vậy, tai nạn lao động hàng hải được xác định là tai nạn xảy ra trong thời gian đi tàu, khi thực hiện công việc. Khi xảy ra tai nạn lao động thì thuyền trưởng, chủ tàu và những người có liên quan phải có trách nhiệm khai báo, sơ cứu nạn nhân và thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật.
Chi phí điều tra tai nạn lao động hàng hải
Theo Điều 11 Thông tư 37/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi phí điều tra tai nạn lao động hàng hải như sau:
(1) Các khoản chi phí thuộc trách nhiệm của chủ tàu theo khoản 8 Điều 9 của Thông tư này được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, hoặc chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp, hoặc chi hoạt động thường xuyên của cơ quan hành chính theo quy định của pháp luật.
(2) Cơ quan có thẩm quyền điều tra tai nạn lao động hàng hải, cơ quan cử người tham gia điều tra tai nạn lao động hàng hải chi trả các khoản công tác phí cho người tham gia theo quy định của pháp luật của thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động.
Như vậy, khi xảy ra tai nạn lao động hàng hải làm chết người thì chi phí thuộc trách nhiệm của chủ tàu theo khoản 8 Điều 9 của Thông tư này, ngoài ra chủ tàu, thuyền trưởng có trách nhiệm khai báo cho cơ quan có thẩm quyền, đồng thời giữ nguyên hiện trường để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo số hóa hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Mức tiền hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi là bao nhiêu? Có được hỗ trợ vay vốn tín dụng khi bị thu hồi không?
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?
- Doanh nghiệp mua xe cũ của khách hàng để bán lại có cần sang tên xe từ khách hàng qua công ty không?
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?