Khi lực lượng an ninh hàng không thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng mà không cần cảnh báo trong trường hợp nào?
Lực lượng an ninh hàng không có được trang bị súng không?
Căn cứ vào Điều 8 Thông tư 17/2018/TT-BCA quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành như sau:
Đối tượng, loại vũ khí trang bị
1. Cơ yếu thuộc Bộ Ngoại giao, Cơ yếu trong cơ quan của Đảng, cơ quan của Nhà nước ở trung ương và địa phương được trang bị: súng ngắn, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.
2. Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục Kiểm lâm vùng, Hạt Kiểm lâm quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, Kiểm lâm vùng, Đội Kiểm lâm đặc nhiệm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Trạm Kiểm lâm địa bàn, Trạm Kiểm lâm cửa rừng được trang bị: súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.
3. Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư Vùng, Chi đội Kiểm ngư, Trạm Kiểm ngư, Đội tàu Kiểm ngư được trang bị: súng ngắn, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng máy có cỡ nòng đến 14,5mm, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.
4. Lực lượng An ninh hàng không được trang bị: súng ngắn, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.
5. Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, lực lượng điều tra chống buôn lậu, Hải quan cửa khẩu thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được trang bị: súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.
6. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị: súng ngắn và đạn sử dụng cho loại súng này.
7. Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động được trang bị các loại vũ khí thô sơ.
8. Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động, Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, các cơ quan, tổ chức khác được cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao được trang bị: súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay, đạn sử dụng cho các loại súng này và các loại vũ khí thô sơ dùng để luyện tập thi đấu thể thao.
Như vậy, lực lượng An ninh hàng không được trang bị: súng ngắn, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.
Lực lượng an ninh hàng không có được trang bị súng không? (Hình từ Internet)
Lực lượng an ninh hàng không được nổ súng trong trường hợp nào?
Căn cứ vào Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định như sau:
Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng
1. Khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc sử dụng vũ khí quân dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng.
2. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc sau đây:
a) Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;
b) Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay;
c) Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
d) Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.
3. Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 23 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 23 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
4. Người được giao sử dụng vũ khí quân dụng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí quân dụng đã tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều này; trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lực lượng an ninh hàng không được nổ súng nhưng phải tuân theo nguyên tắc sau đây:
- Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;
- Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay;
- Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
- Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.
Bên cạnh đó, khi lực lượng an ninh hàng không thực hiện nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ quy định tại khoản 2 nêu trên và Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi lực lượng an ninh hàng không thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng mà không cần cảnh báo trong trường hợp nào?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành như sau:
Các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự
...
2. Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp sau đây:
a) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;
b) Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;
c) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác;
đ) Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
e) Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Như vậy, khi lực lượng an ninh hàng không thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng mà không cần cảnh báo trong các trường hợp nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.