Khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường có phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hay không?
- Khi nào cát được xem là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường?
- Khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường có phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hay không?
- Hồ sơ đăng ký khu vực khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình gồm có những gì?
Khi nào cát được xem là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản 2010 quy định như sau:
Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
1. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm:
a) Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật cansiterit, volframit, monazit, ziricon, ilmenit, vàng đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đủ tiêu chuẩn sản xuất gốm xây dựng, vật liệu chịu lửa samot, xi măng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;
c) Đá cát kết, đá quarzit có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không chứa hoặc có chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, nguyên tố xạ, hiếm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc không đủ tiêu chuẩn làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;
...
Theo quy định trên, cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật cansiterit, volframit, monazit, ziricon, ilmenit, vàng đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Như vậy, cát được xem là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi loại cát đó không phải là cát trắng silic và có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật cansiterit, volframit, monazit, ziricon, ilmenit, vàng đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng.
Khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường có phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hay không? (Hình từ Internet)
Khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường có phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản 2010 quy định như sau:
Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
...
2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản trong các trường hợp sau đây:
a) Khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó.
Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
...
Như vậy, theo quy định trên thì việc khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó.
Lưu ý: Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
(2) Khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
Hồ sơ đăng ký khu vực khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình gồm có những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 53 Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình
1. Thành phần, hình thức văn bản trong hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật khoáng sản bao gồm:
a) Bản chính: Bản đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản;
b) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu: Bản vẽ quy hoạch tổng thể khu vực xây dựng dự án và quyết định phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
...
Như vậy, theo quy định trên, hồ sơ đăng ký khu vực khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình gồm có:
(1) Bản chính bản đăng ký khu vực khai thác khoáng sản;
(2) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu:
- Bản vẽ quy hoạch tổng thể khu vực xây dựng dự án và quyết định phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Quy chế làm việc của trường Tiểu học mới nhất? Tải về file word Mẫu Quy chế làm việc của trường Tiểu học?
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) nêu quan điểm chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thế nào?
- Mẫu bảng thanh toán tiền thưởng theo Thông tư 200 và Thông tư 133 mới nhất? Hướng dẫn ghi bảng thanh toán tiền thưởng?
- Thuế quan là gì? Quyết định và công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quy định thế nào?
- Mẫu bản tự nhận xét đánh giá của cán bộ công chức mới nhất? Mục đích của việc đánh giá cán bộ công chức là gì?