Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản có được xem là chứng cứ trong vụ án dân sự không?
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản có được xem là chứng cứ trong vụ án dân sự không?
- Chỉ có một bên đương sự nhất trí mời tổ chức định giá tài sản, một hoặc các bên còn lại không nhất trí thì xử lý như thế nào?
- Tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí định giá tài sản trong vụ án dân sự được quy định như thế nào?
Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản có được xem là chứng cứ trong vụ án dân sự không?
Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản có được xem là chứng cứ trong vụ án dân sự không, thì theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
2. Vật chứng.
3. Lời khai của đương sự.
4. Lời khai của người làm chứng.
5. Kết luận giám định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
9. Văn bản công chứng, chứng thực.
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Và theo khoản 8 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định:
Xác định chứng cứ
...
7. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
8. Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
9. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
10. Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
11. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.
Theo đó, kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản là một trong các nguồn thu thập chứng cứ trong vụ án dân sự.
Và kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Định giá tài sản (Hình từ Internet)
Chỉ có một bên đương sự nhất trí mời tổ chức định giá tài sản, một hoặc các bên còn lại không nhất trí thì xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản
1. Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp.
2. Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.
Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.
3. Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
b) Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;
...
Từ quy định trên, kết hợp với Mục 4 Phần III Công văn 206/TANDTC-PC năm 2022 thì theo quy định pháp luật, các đương sự trong vụ án có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án để giải quyết tranh chấp, việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.
Tuy nhiên, trường hợp chỉ một trong các bên nhất trí mời tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và các bên còn lại không nhất trí là trường hợp các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản.
Do đó, Tòa án phải ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí định giá tài sản trong vụ án dân sự được quy định như thế nào?
Tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí định giá tài sản được quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
- Tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản là số tiền mà Hội đồng định giá tạm tính để tiến hành việc định giá tài sản theo quyết định của Tòa án.
- Chi phí định giá tài sản là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho công việc định giá tài sản và do Hội đồng định giá tính căn cứ vào quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng không?
- Công ty đại chúng có phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tình hình quản trị công ty hay không?
- Mục tiêu của giáo dục đại học là gì? Phát triển giáo dục đại học nhằm mục đích gì theo quy định?
- Viết bài văn tả con vật trên tivi lớp 4? Tả con vật em đã được quan sát trên ti vi lớp 4 hay nhất?
- Phạm vi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào? Bộ máy giúp việc của Quỹ Hỗ trợ nông dân gồm có ai?