Hướng dẫn xử lý các giếng để lấy nước sinh hoạt sau bão như thế nào? Việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt?
- Hướng dẫn xử lý các giếng để lấy nước sinh hoạt sau bão như thế nào?
- Việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt có nằm trong nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước không?
- Cơ quan nào sẽ có trách nhiệm xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn?
Hướng dẫn xử lý các giếng để lấy nước sinh hoạt sau bão như thế nào?
Căn cứ theo khoản 7 Điều 5 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
7. Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão (Phụ lục III Quyết định này).
...
Theo đó, bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão.
Hiện nay, trong bão lụt nước ngập tràn, cuốn trôi theo mọi thứ gây ô nhiễm có trên mặt đất như: chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật, chuồng gia súc, gia cầm, côn trùng, cây cối... làm nước và môi trường bị ô nhiễm.
Vì vậy ngay khi nước rút, cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi truờng để tránh ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để vận động, hướng dẫn nhân dân dọn vệ sinh kết hợp với xử lý nước và vệ sinh môi trường.
Hướng dẫn xử lý các giếng nước để lấy nước sinh hoạt sau bão như sau:
(1) Đối với giếng khơi
Dù đã dùng nilông và nắp bịt miệng giếng, nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng vì nắp và nilông chỉ ngăn rác, cặn vào giếng chứ không ngăn được nước bẩn vào giếng. Cần tiến hành vệ sinh, thau rửa giếng và khử khuẩn nước giếng:
Bước 1: Thau rửa giếng nước
- Khơi thông tất cả các vũng nước đọng xung quanh khu vực giếng.
- Tháo bỏ nắp và nilông bịt miệng giếng.
- Nếu giếng ngập lụt, nước đục:
- Phải tiến hành thau vét giếng. Múc cạn nước và vét hết bùn cặn. Các vùng có điện hoặc máy nổ thì dùng máy bơm điện hút cạn nước rồi thau vét giếng.
- Trong trường hợp không thể thau vét được thì nên chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung. Nếu tất cả các giếng trong khu vực đó đều không thể thau vét được thì có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời: múc vài chục lít lên bể chứa rồi đánh phèn và khử khuẩn, dùng hết làm mẻ khác, chờ vài ngày sau mức nước giếng xuống thấp tiến hành thau rửa.
- Trường hợp không có phèn chua để làm trong nước: làm một bể lọc cát tạm thời bằng một thùng, xô hay vại thể tích khoảng 20 - 30 lít. Đục một lỗ đường kính 1cm trên thành cách đáy thùng 5cm, cho một ít đá hoặc gạch vỡ lót ở đáy, đặt một mảnh bao tải gai lên trên rồi đổ cát dày khoảng 25 - 30cm. Đổ nước giếng vào cho đến khi nước chảy ra trong thì lấy để khử khuẩn.
- Nếu giếng bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào giếng và nước giếng trong: Vẫn phải khử khuẩn trước khi sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì múc cạn và thau rửa, nếu không thì có thể tiến hành khử khuẩn ngay nước trong giếng để sử dụng. Một vài tuần sau tiến hành thau rửa giếng.
Lưu ý:
- Các giếng đã bị ngập lụt thì nhất thiết phải thau rửa và khử khuẩn mới được sử dụng.
- Khi có hàng loạt giếng bị ngập lụt, nhu cầu cấp nước lớn mà không đủ lực lượng xử lý nước thì ở mỗi cụm dân cư chọn một vài giếng ít bị ô nhiễm xử lý trước để lấy nước dùng ngay.
- Nếu giếng ngập lụt, nước đục phải tiến hành thau vét giếng: Múc hoặc dùng máy bơm hút cạn bùn, nước.
- Nếu giếng bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào giếng và nước giếng trong: Vẫn phải khử khuẩn trước khi
sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì múc cạn và thau rửa, nếu không thì có thể tiến hành khử khuẩn ngay nước trong giếng để sử dụng. Một vài tuần sau tiến hành thau rửa giếng.
Bước 2: Làm trong nước bằng phèn chua.
- Dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) với liều lượng 50g/1m3 nước, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1m3.
- Hoà tan hết lượng phèn cần thiết vào một gầu nước, tưới đều lên thành giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử khuẩn.
Bước 3: Khử khuẩn giếng nước bằng các chế phẩm khử khuẩn nước sinh hoạt đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực.
- Về nguyên tắc nước giếng sau khử khuẩn phải có nồng độ Clo hoạt động dư là 0,2 - 1,0 mg/lít (có mùi nồng của Clo).
- Tính lượng hóa chất khử khuẩn cần thiết cho giếng nước trên cơ sở nồng độ cần thiết của hóa chất khử khuẩn là 10g/m3 (tham khảo cách tính lượng Cloramine ở Phụ lục kèm theo). Một số hoá chất đang được lưu hành như: Calcium Hypochlorite 0,546% w/w, Cloramine B 25% w/w…
- Múc một gầu nước, hoà lượng hoá chất nói trên vào nước, lưu ý phải khuấy cho tan hết. Tưới đều gầu nước này vào thành giếng.
- Thả gầu cho chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên kéo xuống khoảng 10 lần.
- Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột hóa chất trên vào giếng và khuấy đều, cho thêm đến khi nào nước giếng có mùi Clo thì thôi.
- Dùng nước giếng này dội lên thành giếng để khử khuẩn, sau đó để khoảng 30 phút là có thể dùng được.
Lưu ý:
- Sau khi khử khuẩn ngửi thấy mùi Clo thì việc khử khuẩn mới có tác dụng.
- Trong trường hợp không có hoá chất khử khuẩn, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử khuẩn.
(2) Đối với giếng khoan
Bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa sau đó có thể sử dụng được. Cần Lưu ý làm vệ sinh bơm, sàn giếng.
Tải về Hướng dẫn xử lý các giếng để lấy nước sinh hoạt sau bão.
Tải về Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường sau bão.
Hướng dẫn xử lý các giếng để lấy nước sinh hoạt sau bão như thế nào? Việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt? (Hình từ Internet)
Việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt có nằm trong nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước không?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:
Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt
1. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 của Luật này phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
2. Nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt bao gồm:
a) Đánh giá, dự báo xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt; mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy;
b) Thực trạng phân bố các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động; nguy cơ ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới;
...
Như vậy, việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy sẽ nằm trong nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt.
Cơ quan nào sẽ có trách nhiệm xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn?
Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:
Hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt
...
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Xác định các sông, hồ nội tỉnh và nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, lập hành lang bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn; xác định khu vực sinh thủy;
b) Công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt trên địa bàn; thu thập thông tin, dữ liệu về hiện trạng môi trường nước mặt, nguồn thải và tổng lượng thải vào môi trường nước mặt thuộc sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn theo quy định;
...
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có trách nhiệm xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, lập hành lang bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lao động nữ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì có được bỏ việc mà không báo trước không?
- Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cần phải có số điện thoại chính chủ đúng hay không?
- Tổ chức quản lý trung tâm thương mại có được hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và người bán hàng không?
- Mẫu giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ mới nhất theo Nghị định 135 ra sao?
- Hải quan là gì? Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan như thế nào?