Hướng dẫn cán bộ Cảnh sát giao thông giải quyết ban đầu khi có vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Thông tư 72 ra sao?
Hướng dẫn cán bộ Cảnh sát giao thông giải quyết ban đầu khi có vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Thông tư 72 ra sao?
Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về giải quyết ban đầu khi cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ hoặc được phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ như sau:
Cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ hoặc được lãnh đạo có thẩm quyền phân công đến hiện trường phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
(1) Tổ chức cứu nạn, cứu hộ
- Quan sát hiện trường, phát hiện những mối nguy hiểm như: cháy, nổ, chất độc hại, nguy cơ gãy, đổ phương tiện, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người bị thương, người còn bị mắc kẹt trong các phương tiện hoặc có thể đe dọa đến lực lượng khám nghiệm, thực hiện các biện pháp khẩn cấp để phòng ngừa, ngăn chặn và báo cáo lãnh đạo đơn vị chỉ đạo phối hợp với các lực lượng khác trong Công an nhân dân theo quy định tại Điều 14 Thông tư 62/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Công an nhân dân để tổ chức cứu nạn, cứu hộ, hạn chế thiệt hại;
- Xác định số người chết, bị thương; thông báo kịp thời cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất, nếu có người bị thương cần cấp cứu. Trường hợp người bị thương còn nguyên vị trí tại hiện trường sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ phải đánh dấu vị trí người bị nạn, xét thấy cần thiết thì tổ chức sơ cứu trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu; trường hợp sử dụng phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ để đưa người bị nạn đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí của phương tiện, vị trí dấu vết trên phương tiện, ghi nhận những thông tin liên quan đến phương tiện và người điều khiển phương tiện (nếu có);
- Trường hợp đến hiện trường mà người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông đường bộ bị thương đã được đưa đi cấp cứu hoặc rời khỏi hiện trường, phải cử cán bộ xác minh nhân thân của nạn nhân; thông qua bác sĩ, nhân viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cứu nạn nhân để xác minh nhanh tình trạng tổn thương cơ thể của nạn nhân;
- Trường hợp người bị nạn từ chối đi cấp cứu thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải lập Biên bản theo Mẫu biên bản số 02 ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sau đây viết tắt là Nghị định 118/2021/NĐ-CP), ghi nhận sự việc này, có sự xác nhận của nhân viên y tế (nếu có), người chứng kiến;
- Trường hợp người bị nạn đã chết phải giữ nguyên vị trí và che đậy thi thể, không di chuyển các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ tại hiện trường (nếu vị trí thi thể có thể gây ùn tắc giao thông mà không có phương án phân luồng, giải phóng giao thông thì phải đánh dấu vị trí, chụp ảnh, ghi hình thi thể và vị trí của thi thể rồi nhanh chóng đưa vào vị trí thích hợp để bảo vệ);
- Trường hợp các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ bị hư hỏng, không còn hoạt động được thì phải thông báo cho các đơn vị có chức năng cứu hộ bố trí phương tiện cẩu, kéo chuyên dụng phù hợp đến hiện trường để cứu hộ phương tiện vào nơi thích hợp theo yêu cầu của cán bộ làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ. Mọi chi phí cứu hộ do chủ phương tiện chịu trách nhiệm chi trả.
(2) Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ
- Sử dụng dây căng phản quang, cọc tiêu hình chóp nón, biển báo cấm đường, biển chỉ dẫn hướng đi hoặc biển cảnh báo nguy hiểm và biển phụ, đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo nguy hiểm được trang bị cho Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm để khoanh vùng bảo vệ hiện trường, bảo vệ an toàn cho cán bộ khám nghiệm hiện trường, có biện pháp bảo vệ tài sản của người bị nạn, hàng hoá trên phương tiện trong vụ tai nạn giao thông đường bộ;
- Bố trí cán bộ điều tiết giao thông tại khu vực hiện trường được khoanh vùng bảo vệ tối thiểu khoảng cách 70 mét (đối với đường bộ cao tốc tối thiểu là 100 mét) đồng thời đặt biển cảnh báo nguy hiểm, biển hạn chế tốc độ, biển chỉ dẫn cách 01 mét đến 02 mét phía trước cán bộ điều tiết giao thông để cảnh báo người điều khiển phương tiện đi qua khu vực hiện trường giảm tốc độ, chú ý quan sát không gây nguy hiểm cho lực lượng khám nghiệm hiện trường;
- Nếu có phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyên dụng của Cảnh sát giao thông được trang bị hệ thống còi, đèn ưu tiên, đèn chiếu sáng thì cho phương tiện dừng sát lề đường bên phải phía trước khu vực hiện trường theo chiều đường có nhiều phương tiện lưu thông đến khu vực hiện trường, phía sau phương tiện phải được đặt các cọc tiêu hình chóp nón, biển cảnh báo nguy hiểm, biển hạn chế tốc độ, biển chỉ dẫn theo quy định, đồng thời bật hệ thống còi, đèn ưu tiên, đèn chiếu sáng để cảnh báo cho các phương tiện khác biết.
(3) Tổ chức, hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc
- Trường hợp phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ có thể gây ùn tắc giao thông thì phải đánh dấu vị trí của phương tiện, vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh, ghi hình phương tiện và vị trí phương tiện rồi nhanh chóng đưa phương tiện vào vị trí thích hợp để bảo vệ, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 Thông tư 72/2024/TT-BCA;
- Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ đã gây ùn tắc giao thông phải báo cáo lãnh đạo đơn vị để có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, phân luồng giao thông, giải quyết ùn tắc từ xa.
(4) Trường hợp người, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ bỏ chạy, ngoài việc phải thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Thông tư 72/2024/TT-BCA, đồng thời xác minh thông tin chi tiết về đặc điểm người gây tai nạn bỏ chạy; loại phương tiện, màu sơn, biển số của phương tiện (tra cứu trên hệ thống phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện), đặc biệt là những thiệt hại về phương tiện và hướng phương tiện bỏ chạy.
Đối chiếu, xác định những dấu vết hình thành trong quá trình va chạm. Căn cứ đặc điểm phương tiện bỏ chạy, các dấu vết để lại trên phương tiện để tổ chức truy tìm người, phương tiện gây tai nạn, thông báo cho các đơn vị Cảnh sát giao thông trên tuyến phối hợp truy bắt, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để truy tìm.
(5) Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách
Trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn giao thông đường bộ bỏ chạy, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy hoặc nhiệm vụ khẩn cấp khác thì thực hiện quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự theo quy định tại Điều 68 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024.
(6) Thu thập thông tin ban đầu
- Quan sát để phát hiện, thu thập các dấu vết dễ bị thay đổi hoặc mất; những thay đổi ảnh hưởng đến hiện trường trong quá trình tổ chức cấp cứu người bị nạn;
- Tìm người điều khiển phương tiện và những người có liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ; kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ theo quy định; trường hợp thông tin các giấy tờ của người và phương tiện đã được tích hợp cập nhập trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia, trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý;
- Tìm những người chứng kiến, người biết việc để thu thập thông tin về vụ tai nạn giao thông đường bộ (nếu có thì ghi rõ họ tên, nơi cư trú, số điện thoại, số định danh cá nhân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế);
- Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang cấp cho lực lượng Cảnh sát giao thông để kiểm tra ngay nồng độ cồn, chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng đối với người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ tại hiện trường hoặc yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng trong máu của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn đang được cấp cứu hoặc không kiểm tra được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
- Xem xét, thu thập dữ liệu điện tử qua Hệ thống giám sát giao thông của Cảnh sát giao thông; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp cung cấp dữ liệu điện tử của camera giám sát hành trình, thiết bị giám sát hành trình gắn trên phương tiện đi qua khu vực hiện trường hoặc hình ảnh qua camera của cơ quan, tổ chức, cá nhân xung quanh khu vực hiện trường trong khoảng thời gian xảy ra tai nạn giao thông đường bộ (nếu có).
(7) Phối hợp với các đơn vị có liên quan xác định sơ bộ hậu quả thiệt hại ban đầu về người và tài sản ngay tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ
- Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện xác định sơ bộ thiệt hại ban đầu căn cứ vào thực tế tại hiện trường gồm: phương tiện, tài sản bị hư hỏng; thiệt hại về người; lời khai của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, nạn nhân, người có liên quan và các thông tin, tài liệu thu thập được để xác định giá trị sơ bộ thiệt hại ban đầu về người và tài sản;
- Thành phần tham gia với Cảnh sát giao thông xác định sơ bộ thiệt hại ban đầu gồm: đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện hoặc điều tra viên bố trí tại Công an cấp xã nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ (nếu có); đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (nếu có); người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp (nếu có); đại diện chính quyền cấp xã (nếu có); đại diện tổ chức, cá nhân có chức năng, điều kiện đánh giá, xác định thiệt hại về tài sản (nếu có); bác sĩ, nhân viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (nếu có); người chứng kiến, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người có kiến thức chuyên môn (nếu có);
- Việc xác định sơ bộ thiệt hại ban đầu phải được lập Biên bản theo Mẫu số 03/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA. Trường hợp các thành viên có ý kiến khác nhau thì đơn vị chủ trì quyết định việc xác định sơ bộ thiệt hại ban đầu.
(8) Khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 6 Thông tư 72/2024/TT-BCA
- Nếu phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ có một trong các dấu hiệu về hậu quả: có người chết tại hiện trường, chết trên đường đi cấp cứu, đang cấp cứu mà chết, có nguy cơ chết; có người bị thương dập, nát, đứt, rời tay, chân; chấn thương sọ não; có từ 03 người trở lên bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ xác định tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc có căn cứ xác định thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì thực hiện như sau:
Đối với cán bộ Cục Cảnh sát giao thông thì báo cáo Cục trưởng, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thì báo cáo Trưởng phòng để chuyển ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền điều tra, giải quyết; Đối với cán bộ Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện, báo cáo Trưởng Công an cấp huyện phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết;
- Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ không thuộc điểm a Khoản này mà thuộc trách nhiệm điều tra giải quyết của Cục Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh nếu xác định vụ tai nạn giao thông đường bộ có khả năng có dấu hiệu tội phạm được quy định tại một trong các điều 260, 261, 262, 263, 264 và 281 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì cán bộ của Cục Cảnh sát giao thông phải báo cáo Cục trưởng, cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh phải báo cáo Trưởng phòng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra theo quy định tại Điều 38 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 và Điều 40 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021);
- Đối với vụ tai nạn giao thông đường bộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 8 Điều 6 Thông tư 72/2024/TT-BCA thì phân công cán bộ Cảnh sát giao thông tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.
(9) Trong quá trình xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ, nếu có người bị thương đang điều trị mà chết hoặc có cơ sở xác định nguyên nhân chết do vụ tai nạn giao thông đường bộ gây ra thì thực hiện như sau:
- Đối với cán bộ Cục Cảnh sát giao thông thì báo cáo Cục trưởng, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thì báo cáo Trưởng phòng để chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền điều tra, giải quyết;
- Đối với cán bộ Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện, báo cáo Trưởng Công an cấp huyện phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết.
Hướng dẫn cán bộ Cảnh sát giao thông giải quyết ban đầu khi có vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Thông tư 72 ra sao? (Hình ảnh Internet)
Khi tiến hành điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông đường bộ, cán bộ CSGT có trách nhiệm làm rõ những gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về khi tiến hành điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông đường bộ, cán bộ Cảnh sát giao thông có trách nhiệm làm rõ những điều sau:
- Có hay không có dấu hiệu tội phạm;
- Có hay không có hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; diễn biến, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ;
- Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;
- Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
- Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ gây ra;
- Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ;
- Bất cập, sơ hở, thiếu sót trong tổ chức giao thông, chất lượng hạ tầng giao thông; quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông;
- Trong quá trình điều tra, xác minh có thể đề xuất trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
Khi nào Thông tư 72 2024 có hiệu lực?
Căn cứ tại Điều 28 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và thay thế Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông.
2. Đối với những vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông.
3. Trường hợp những văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới thì nội dung dẫn chiếu thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới.
Như vậy, Thông tư 72/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và thay thế Thông tư 63/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an.
Đối với những vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 63/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đoàn viên bị mất việc làm được tạm dừng sinh hoạt công đoàn trong bao lâu? Đoàn viên chuyển sinh hoạt công đoàn phải thông báo với ai?
- Hoạt động cho thuê lại lao động là gì? Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải báo cáo với cơ quan nào về hoạt động cho thuê lại?
- Mẫu văn bản đề nghị tạm ngừng sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến, mã số sử dụng cơ sở dữ liệu là mẫu nào?
- Tải về mẫu công văn đề nghị gia hạn hợp đồng kinh tế mới nhất hiện nay? Thể thức và kỹ thuật trình bày công văn này thế nào?
- Sổ đăng ký là gì? Việc cập nhật nội dung hủy đăng ký biện pháp bảo đảm vào Sổ đăng ký biện pháp bảo đảm do ai thực hiện?