Hợp đồng ủy quyền có phải công chứng không? Khi được ủy quyền có được ủy quyền lại cho người khác không?
Hợp đồng ủy quyền có phải công chứng không?
Căn cứ tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định
"Điều 562. Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."
Đồng thời, Luật Công chứng năm 2014 chỉ quy định về thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền nhưng không có quy định về việc bắt buộc phải công chứng hợp đồng này. Việc công chứng hợp đồng ủy quyền mới chỉ được quy định rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau. Bởi vậy, các bên có thể lựa chọn công chứng hoặc không công chứng hợp đồng ủy quyền ngoại trừ một số trường hợp bắt buộc như sau:
Thứ nhất ủy quyền đăng ký hộ tịch căn cứ theo Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định:
"Điều 2. Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh."
Theo đó khi thực hiện yêu cầu đăng ký khai sinh, xác định lại dân tộc…cá nhân có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền. Nếu ủy quyền thì phải lập thành văn bản và có công chứng. Tuy nhiên, nếu người ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ chồng… thì không cần công chứng nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.
Riêng việc đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký nhận cha mẹ con thì không được ủy quyền mà bắt buộc các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Thứ hai ủy quyền khi mang thai hộ theo khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
"2. Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý.
Trong trường hợp thỏa thuận về mang thai hộ giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế này."
Vậy chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận mang thai hộ thì việc ủy quyền này phải lập thành văn bản có công chứng.
Thứ ba ủy quyền kháng cáo trong tố tụng hành chính căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 205 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định:
"6. Việc ủy quyền quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được
Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm."
Theo đó ủy quyền kháng cáo trong tố tụng hành chính phải lập thành văn bản có công chứng trừ trường hợp việc ủy quyền được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công.
Như vậy theo các quy định trên các bên có thể lựa chọn công chứng hoặc không công chứng hợp đồng ủy quyền ngoại trừ một số trường hợp bắt buộc như sau: ủy quyền đăng ký hộ tịch; ủy quyền khi mang thai hộ; ủy quyền kháng cáo trong tố tụng hành chính.
Hợp đồng ủy quyền bắt buộc phải cùng có mặt để lập?
Căn cứ tại Điều 55 Luật Công chứng 2014 quy định công chứng hợp đồng ủy quyền như sau:
"Điều 55. Công chứng hợp đồng ủy quyền
1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.
2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền."
Theo quy định trên trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Do đó hợp đồng ủy quyền không yêu cầu cả hai bên đều phải có mặt tại cùng một tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện việc lập và công chứng.
Hợp đồng ủy quyền
Khi được ủy quyền có được ủy quyền lại cho người khác không?
Căn cứ tại Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015 quy định ủy quyền lại như sau:
"Điều 564. Ủy quyền lại
1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu."
Theo đó để ủy quyền lại cho người khác trong các trường hợp:
- Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
- Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
Ngoài ra việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sản phẩm phái sinh là gì? Kinh doanh ngoại hối và sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại như thế nào?
- Tháng 12 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Xem lịch âm tháng 12/2024 chi tiết, đầy đủ nhất?
- Thiệp chúc mừng năm mới khách hàng đối tác 2025 Ất Tỵ? Thiệp chúc mừng năm mới 2025 khách hàng, đối tác?
- Năm 2025, xe khách không thực hiện đúng về giá cước, giá dịch vụ niêm yết bị phạt bao nhiêu tiền?
- 'Tam giác vàng' là gì? Buôn bán thuốc phiện tại Việt Nam thì hình phạt nặng nhất là gì? Nhẹ nhất là gì?