Hợp đồng thuê nhà đã được công chứng nhưng do dịch bệnh thì bên thuê nhà có được trả nhà và lấy lại tiền đặt cọc hay không?
Các bên muốn thực hiện việc công chứng hợp đồng thuê nhà có được không?
>> Mới nhất Tải Luật Nhà ở 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định như sau:
Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.
Theo đó, hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải được công chứng mà chỉ thực hiện khi có sự yêu cầu của các bên.
Hợp đồng thuê nhà đã được công chứng nhưng do dịch bệnh thì bên thuê nhà có được trả nhà và lấy lại tiền đặt cọc hay không? (Hình từ Internet)
Trả lại nhà đã thuê theo hợp đồng đã được công chứng do dịch bệnh thì người thuê có lấy được tiền đặt cọc hay không?
Thông thường, trong hợp đồng thuê nhà sẽ nêu các điều khoản về đặt cọc. Theo đó, số tiền đặt cọc sẽ được bên cho thuê trả lại cho bên thuê khi chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên.
Ngược lại, nếu hai bên không thỏa thuận được thì theo quy định tại tiểu mục 1 Mục I Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP quy định về tranh chấp hợp đồng dân sự có đặt cọc được giải quyết như sau:
Tranh chấp hợp đồng dân sự có đặt cọc
Theo quy định tại Điều 130 Bộ luật Dân sự (sau đây viết tắt là BLDS) thì thoả thuận về đặt cọc là một giao dịch dân sự; do đó, việc đặt cọc chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 131 BLDS và phải được lập thành văn bản (có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính).
Trong trường hợp có tranh chấp về đặt cọc mà các bên không có thoả thuận khác về việc xử lý đặt cọc, thì việc xử lý được thực hiện như sau:
a. Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu, thì phải chịu phạt cọc theo quy định tại khoản 2 Điều 363 BLDS.
b. Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng mới có sự vi phạm làm cho hợp đồng không được thực hiện hoặc mới phát hiện hợp đồng bị vô hiệu thì không phạt cọc. Việc giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng hoặc xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo thủ tục chung.
c. Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định điều kiện nếu đặt cọc bị vô hiệu là hợp đồng cũng bị vô hiệu, thì hợp đồng đương nhiên bị vô hiệu khi đặt cọc đó bị vô hiệu. Việc xử lý đặt cọc bị vô hiệu và hợp đồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 146 BLDS.
Ví dụ: A và B giao kết hợp đồng mua bán nhà. Khi giao kết hai bên thoả thuận B (bên mua) phải giao cho A (bên bán) một chiếc xe ô tô thể thao để đặt cọc bảo đảm cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở với điều kiện khi hợp đồng mua bán nhà ở được giao kết và thực hiện thì chiếc xe ô tô thể thao đó phải được trừ vào tiền mua bán nhà và nếu A không nhận được chiếc xe ô tô đó do việc đặt cọc bị vô hiệu thì hợp đồng cũng bị vô hiệu.
Khi bắt đầu thực hiện hợp đồng thì phát hiện chiếc xe ô tô đó là của ông C (bố B) và ông C không đồng ý cho B lấy chiếc xe ô tô đó trừ vào tiền mua nhà, có nghĩa là việc đặt cọc bị vô hiệu và do đó trong trường hợp này hợp đồng mua bán nhà cũng bị vô hiệu.
d. Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và c mục 1 này, nếu cả hai bên cùng có lỗi hoặc trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì không phạt cọc.
Từ quy định trên, nếu trong trường hợp bên thuê chứng minh được việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà của mình là sự kiện bất khả kháng thì có thể không bị phạt cọc.
Nói tóm lại, tùy từng trường hợp bên thuê có thể chấm dứt hợp đồng thuê nhà vì dịch bệnh mà không phải bồi thường thiệt hại. Do đó, khi ký hợp đồng, các bên phải chú ý các điều khoản về giá thuê, đơn phương chấm dứt hợp đồng, đặt cọc, phạt cọc và sự kiện bất khả kháng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Muốn hủy bỏ hợp đồng thuê nhà đã được công chứng thì có cần phải ra phòng công chứng hay không?
Theo Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:
Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch
1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.
Vì hợp đồng cho thuê nhà đã công chứng nên giờ hủy bỏ hợp đồng đó thì cũng phải ra văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng để công chứng việc hủy bỏ, không cần thông báo gì thêm với bất kỳ cơ quan nhà nước nào.
Cần lưu ý: cần phải ra tại văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành thì mới được hủy bỏ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị luận về đạo đức của giới trẻ hiện nay hay ý nghĩa? Viết đoạn văn nghị luận về đạo đức chọn lọc? Nhiệm vụ học sinh là gì?
- Tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng hạng 1 phải có bao nhiêu giám sát trưởng có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng?
- Trình tự, nội dung xem xét cấp giấy phép xây dựng 2025? Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng quy định ra sao?
- Nhà mặt đường là gì? Nhà mặt đường có nhiều cửa ra vào từ nhiều đường thì được gắn mấy biển số nhà?
- Hướng dẫn xác định tiền trúng đấu giá của từng người trúng đấu giá tại từng băng tần từ ngày 1/1/2025 như thế nào?