Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình không đóng dấu giáp lai các trang thì có hiệu lực không?
Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình là gì?
Theo điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (được bổ sung bởi điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP) hướng dẫn về hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Các loại hợp đồng xây dựng
1. Theo tính chất, nội dung công việc hợp đồng xây dựng có các loại sau:
...
d) Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Engineering - Construction viết tắt là EC) là hợp đồng để thực hiện việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình là hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
...
Theo quy định hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EC) là hợp đồng để thực hiện việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình.
Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình không đóng dấu giáp lai các trang thì có hiệu lực không?
Theo Điều 6 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về hiệu lực và tính pháp lý của hợp đồng xây dựng như sau:
Hiệu lực và tính pháp lý của hợp đồng xây dựng
1. Hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
b) Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định tại Điều 4 Nghị định này;
c) Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.
2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng (đóng dấu nếu có) hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu (đối với hợp đồng có quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng).
3. Tính pháp lý của hợp đồng xây dựng:
a) Hợp đồng xây dựng có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất mà bên giao thầu, bên nhận thầu và các bên liên quan có nghĩa vụ thực hiện;
b) Hợp đồng xây dựng có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Các tranh chấp chưa được các bên thỏa thuận trong hợp đồng sẽ được giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan;
c) Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm soát, cấp phát, cho vay vốn, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan khác phải căn cứ vào nội dung hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng.
Căn cứ trên quy định hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP);
- Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình không có đóng dấu giáp lai các trang hợp đồng thì hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp lý nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Tuy nhiên, trong trường trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.
Dấu giáp lai các trang hợp đồng chỉ đảm bảo tính xác thực của từng tờ văn bản và ngăn chặn thay đổi nội dung, tài liệu sai lệch trong hợp đồng.
Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình không đóng dấu giáp lai các trang thì có hiệu lực không? (Hình từ Internet)
Khi thực hiện hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình phải đáp ứng những nguyên tắc nào?
Theo Điều 5 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Nguyên tắc thực hiện hợp đồng xây dựng
Khi thực hiện hợp đồng xây dựng, các bên hợp đồng phải đảm bảo các nguyên tắc thực hiện hợp đồng xây dựng theo quy định tại Khoản 3 Điều 138 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Dẫn chiếu theo khoản 3 Điều 138 Luật Xây dựng 2014 quy định khi thực hiện hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình phải đáp ứng những nguyên tắc như sau:
- Các bên hợp đồng phải thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng về phạm vi công việc, yêu cầu chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác;
- Trung thực, hợp tác và đúng pháp luật;
- Không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình là tiếng gì?
Theo khoản 4 Điều 138 Luật Xây dựng 2014 quy định như sau:
Quy định chung về hợp đồng xây dựng
...
4. Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng xây dựng là tiếng Việt. Trường hợp hợp đồng xây dựng có sự tham gia của bên nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và ngôn ngữ khác do các bên hợp đồng thỏa thuận.
...
Theo đó, ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình là tiếng Việt.
Trường hợp hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình có sự tham gia của bên nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và ngôn ngữ khác do các bên hợp đồng thỏa thuận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải về mẫu quyết định thưởng lương tháng 13? Công ty có nghĩa vụ thưởng lương tháng 13 cho người lao động?
- Mẫu quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí NSNN để mua sắm tài sản trang thiết bị mới nhất?
- Danh sách kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư đợt 2 năm 2024 chính thức? Xem toàn bộ danh sách ở đâu?
- Loại gỗ nào thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu? Ai có thẩm quyền cho phép xuất khẩu loại gỗ này?
- Thưởng cuối năm là gì? Công ty phải thưởng cuối năm cho nhân viên? Tiền thưởng cuối năm có đóng thuế TNCN?