Hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là gì? 07 nguyên tắc thuộc bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững?
Hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là gì?
Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được giải thích tại Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
20. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững là văn bản công nhận một diện tích rừng nhất định đáp ứng các tiêu chí về quản lý rừng bền vững.
...
Dẫn chiếu đến Điều 34 Nghị định 156/2018/NĐ-CP giải thích về hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững như sau:
Hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững
1. Hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là hoạt động kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp thuộc danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2. Việc công nhận, đăng ký hoạt động của tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thực hiện theo quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp của Chính phủ.
3. Cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững được quốc tế công nhận hoặc Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo quy định tại khoản 4 Điều 28 của Luật Lâm nghiệp.
Như vậy, hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững được hiểu là hoạt động kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp thuộc danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là gì? 07 nguyên tắc thuộc bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững? (hình từ internet)
Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được cấp dựa trên nguyên tắc gì?
Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được quy định tại Điều 28 Luật Lâm nghiệp 2017 như sau:
Chứng chỉ quản lý rừng bền vững
1. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được cấp cho chủ rừng theo nguyên tắc tự nguyện.
2. Chủ rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong nước hoặc quốc tế khi có phương án quản lý rừng bền vững và đáp ứng các tiêu chí quản lý rừng bền vững.
3. Tổ chức hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí quản lý rừng bền vững.
Theo quy định này thì chứng chỉ quản lý rừng bền vững được cấp cho chủ rừng theo nguyên tắc tự nguyện.
07 nguyên tắc thuộc bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững được quy định ra sao?
Tại Điều 14 Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT quy định như sau:
Tiêu chí quản lý rừng bền vững
Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững gồm 07 nguyên tắc, 34 tiêu chí và 122 chỉ số. Chi tiết Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
Theo đó, bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững gồm 07 nguyên tắc và 34 tiêu chí sau:
Nguyên tắc 1. Chủ rừng tuân thủ các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia
- Chủ rừng thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền sử dụng đất và rừng.
- Chủ rừng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Chủ rừng thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về quản lý rừng bền vững và nguồn gốc gỗ hợp pháp.
- Chủ rừng đáp ứng những yêu cầu trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia.
Nguyên tắc 2. Chủ rừng tôn trọng quyền của cộng đồng dân cư và người dân địa phương
- Chủ rừng đảm bảo quyền sử dụng đất và rừng hợp pháp hoặc theo phong tục, truyền thống của cộng đồng dân cư và người dân địa phương.
- Chủ rừng có trách nhiệm giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng rừng và đất rừng theo quy định của pháp luật.
- Chủ rừng tạo cơ hội việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư và người dân địa phương.
- Chủ rừng cần đáp ứng nhu cầu cơ bản về văn hóa, tín ngưỡng và giải trí của cộng đồng dân cư và người dân địa phương liên quan đến đất và rừng mà chủ rừng đang quản lý theo quy định của pháp luật.
- Chủ rừng thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại và giải quyết đền bù khi hoạt động lâm nghiệp ảnh hưởng xấu đến tài sản (đất, rừng và tài sản khác), sinh kế và sức khỏe của cộng đồng dân cư và người dân địa phương.
Nguyên tắc 3. Chủ rừng đảm bảo quyền và điều kiện làm việc của người lao động
- Chủ rừng đảm bảo công bằng, quyền và lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật.
- Chủ rừng bảo đảm điều kiện làm việc cho người lao động theo quy định của pháp luật.
- Chủ rừng tôn trọng quyền tham gia tổ chức Công đoàn và các quyền thỏa thuận khác giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy định.
- Chủ rừng phải có và duy trì các cơ chế giải quyết khiếu nại và thực hiện bồi thường cho người lao động khi xảy ra tổn thất hoặc thiệt hại về tài sản và sức khỏe trong khi làm việc cho chủ rừng.
Nguyên tắc 4. Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững
- Các hoạt động lâm nghiệp phải được thực hiện theo đúng phương án quản lý rừng bền vững.
- Sản xuất và sử dụng giống cây trồng theo quy định.
- Chủ rừng áp dụng các biện pháp lâm sinh phù hợp với mục tiêu trong phương án quản lý rừng bền vững.
- Chủ rừng nên đa dạng các hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh nhằm nâng cao các lợi ích của rừng.
- Chủ rừng phải có biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại rừng.
- Chủ rừng phải thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng.
- Khai thác hợp lý các sản phẩm từ rừng để duy trì tài nguyên rừng được ổn định lâu dài.
- Xây dựng và bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với mục tiêu quản lý và hạn chế ảnh hưởng môi trường.
Nguyên tắc 5. Quản lý và bảo vệ môi trường trong các hoạt động lâm nghiệp
- Chủ rừng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường của các hoạt động lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Chủ rừng phải thực hiện các biện pháp bảo vệ đất và nguồn nước trong các hoạt động lâm nghiệp.
- Chủ rừng phải quản lý và sử dụng hóa chất và phân bón hóa học đảm bảo an toàn đối với môi trường và con người.
- Chủ rừng phải quản lý chất thải nguy hại đảm bảo an toàn đối với môi trường và con người.
Nguyên tắc 6. Duy trì, bảo tồn và nâng cao đa dạng sinh học
- Chủ rừng phải xác định các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái, khu rừng có giá trị bảo tồn cao cần được bảo vệ hoặc bảo tồn.
- Chủ rừng phải có biện pháp bảo vệ các loài thực vật rừng, động vật rừng theo quy định của pháp luật.
- Chủ rừng phải bảo vệ hoặc bảo tồn các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái, khu rừng có giá trị bảo tồn cao.
- Chủ rừng phải thực hiện các biện pháp duy trì và nâng cao giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của rừng.
- Chủ rừng phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loài nhập nội để tránh những tác hại cho hệ sinh thái rừng.
- Chủ rừng không trực tiếp hoặc gián tiếp chuyển đổi đất có rừng tự nhiên và những diện tích rừng có tầm quan trọng về sinh thái, khu rừng có giá trị bảo tồn cao thành rừng trồng hoặc vào mục đích sử dụng khác.
Nguyên tắc 7. Rừng được theo dõi, giám sát, đánh giá theo phương án quản lý rừng bền vững
- Xây dựng kế hoạch giám sát và đánh giá.
- Thực hiện kế hoạch giám sát và đánh giá.
- Xây dựng hệ thống quản lý và lưu trữ hồ sơ quản lý rừng, kinh doanh rừng và hệ thống bản đồ theo dõi diễn biến rừng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Năm 2025, xe khách không thực hiện đúng về giá cước, giá dịch vụ niêm yết bị phạt bao nhiêu tiền?
- 'Tam giác vàng' là gì? Buôn bán thuốc phiện tại Việt Nam thì hình phạt nặng nhất là gì? Nhẹ nhất là gì?
- Tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước tỉnh Kon Tum là bao nhiêu? Tải về phụ lục?
- Tải mẫu hợp đồng thuê xe cá nhân trong Tết Âm lịch năm Ất Tỵ mới nhất? Giá thuê xe được xác định thế nào?
- Tinh gọn bộ máy cấp huyện: Thay thế những người kém năng lực không hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị quyết 18?