Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương dựa vào căn cứ nào và bằng những phương pháp nào?
- Mục tiêu xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương là gì?
- Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương dựa vào căn cứ nào?
- Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương bằng những phương pháp nào?
- Nội dung định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương gồm những gì?
Mục tiêu xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương là gì?
Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 47/2018/TT-BCT quy định mục tiêu xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương như sau:
- Làm căn cứ xác định giá dịch vụ sự nghiệp công trong hoạt động sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhằm nâng cao hiệu lực, tiết kiệm và hiệu quả.
- Làm căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý chất lượng trong hoạt động sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
- Thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác ngành Công Thương, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương dựa vào căn cứ nào và bằng những phương pháp nào? (Hình từ Internet)
Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương dựa vào căn cứ nào?
Căn cứ tại Điều 5 Thông tư 47/2018/TT-BCT quy định xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương dựa vào:
- Tiêu chuẩn chất lượng, thông số kỹ thuật, yêu cầu cơ bản, năng lực thực hiện, trình độ tổ chức, hạ tầng công nghệ.
- Quy định pháp luật hiện hành về chế độ làm việc của người lao động.
- Điều kiện thực tế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị, nguồn lực tài chính, đất đai.
- Số liệu thống kê hàng năm và các tài liệu có liên quan.
- Tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, quy trình xác định định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành và quy định đã ban hành để xác định mức tiêu hao đối với từng công việc, trên cơ sở đó tính toán, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương bằng những phương pháp nào?
Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 47/2018/TT-BCT quy định như sau:
Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Phương pháp thống kê tổng hợp
Căn cứ số liệu thống kê hàng năm hoặc trong các kỳ báo cáo (số liệu thống kê phải đảm bảo độ tin cậy, pháp lý trong thời gian ba năm liên tục trước thời điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật) và dựa vào kinh nghiệm thực tế hoặc các thông số so sánh để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
2. Phương pháp tiêu chuẩn
Căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi để xây dựng định mức lao động cho từng công việc.
3. Phương pháp phân tích thực nghiệm
Trên cơ sở triển khai khảo sát, thực nghiệm theo từng quy trình, nội dung công việc để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức (lựa chọn những công việc không xác định được qua hai phương pháp trên hoặc xác định được nhưng chưa chính xác mà cần phải kiểm nghiệm thực tế).
Như vậy theo quy định trên xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành Công Thương bằng 03 phương pháp sau:
- Phương pháp thống kê tổng hợp.
- Phương pháp tiêu chuẩn.
- Phương pháp phân tích thực nghiệm.
Nội dung định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 7 Thông tư 47/2018/TT-BCT quy định nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật ngành Công Thương gồm có:
- Định mức lao động: Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (thực hiện) + Định mức lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ).
+ Định mức lao động trực tiếp là thời gian thực hiện xong một dịch vụ sự nghiệp công;
+ Định mức lao động gián tiếp được quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) của lao động trực tiếp.
- Định mức vật tư:
+ Xác định chủng loại vật tư;
+ Xác định số lượng/khối lượng theo từng loại vật tư: Căn cứ vào chủng loại thiết bị, thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư);
+ Xác định tỷ lệ (%) thu hồi vật tư: Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của vật tư để tính tỷ lệ (%) thu hồi;
+ Xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của vật tư: Mô tả thông số kỹ thuật của từng loại vật tư phù hợp để thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công.
- Định mức máy móc, thiết bị:
+ Xác định chủng loại máy móc, thiết bị.
+ Xác định thông số kỹ thuật cơ bản của máy móc, thiết bị.
+ Xác định thời gian sử dụng từng chủng loại máy móc, thiết bị: Bao gồm thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư) và máy chạy không tải (không tiêu hao vật tư).
+ Tổng hợp định mức máy móc, thiết bị.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?