Xác định việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như thế nào? Trường hợp nào chủ sở hữu nguồn nguy hiểm không phải bồi thường?
Thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ? Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm gì?
Hiện nay pháp luật chưa có khái niệm chính thức về "nguồn nguy hiểm cao độ". Tuy nhiên có thể xác định thông qua những quy định sau:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, các nguồn nguy hiểm cao độ được ví dụ như sau:
(1) Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 là nguồn nguy hiểm cao độ.
(2) Vũ khí theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là nguồn nguy hiểm cao độ.
Từ những nội dung trên có thể hiểu nguồn nguy hiểm cao độ là những sự vật, vật chất, đối tượng mà khi sử dụng, bảo quản, cất giữ, trông coi luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm, rủi ro cao độ đối với tính mạng, sức khoẻ, tài sản của con người.
Về trách nhiệm của chủ sở hữu, theo khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm thực hiện quyền sở hữu đối với nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
Bao gồm những hoạt động sau:
- Vận hành
- Sử dụng;
- Bảo quản;
- Trông giữ;
- Vận chuyển.
Ngoài ra, khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm có trách nhiệm bồi thường.
Xác định việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như thế nào? Trường hợp nào chủ sở hữu nguồn nguy hiểm không phải bồi thường? (Hình từ Internet)
Khi đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì chủ sở hữu có phải bồi thường nữa không?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì sẽ không phải bồi thường khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại. Khi đó, trách nhiệm bồi thường thuộc về người được giao chiếm hữu, sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp có thỏa thuận khác được hiểu tại khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP là trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thỏa thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường.
Ví dụ:
- Thỏa thuận cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
- Thỏa thuận chủ sở hữu bồi thường thiệt hại trước bằng tài sản hợp pháp, sau đó người được giao chiếm hữu, sử dụng sẽ hoàn trả cho chủ sở hữu khoản tiền đã bồi thường trong trường hợp chủ sở hữu có điều kiện bồi thường.
Đồng thời, khoản 3 Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP có đề cập như sau:
Về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định tại Điều 601 của Bộ luật Dân sự
...
3. Trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: Chủ sở hữu biết người đó không có bằng lái xe ô tô nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 và điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP cũng xác định trường hợp liên đới chịu trách nhiệm khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật.
Kết hợp từ những nội dung trên thì khi đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ vẫn phải bồi thường trong 03 trường hợp:
- Đã có thỏa thuận giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng;
- Việc giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không đúng quy định;
- Có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật.
Trường hợp nào chủ sở hữu nguồn nguy hiểm không cần phải bồi thường?
Căn cứ khoản 2 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, khoản 4 Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP và khoản 5 Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP.
Các trường hợp chủ sở hữu không cần phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được xác định như sau:
- Đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng một cách hợp pháp;
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết;
- Nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà chủ sở hữu không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật;
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Số lượng thành viên hội đồng trường cao đẳng sư phạm là số chẵn đúng không? Chủ tịch hội đồng trường có được kiêm nhiệm chức vụ quản lý?
- Mẫu thông báo tuyển dụng nhân viên kế toán cuối năm là mẫu nào? Người lao động có phải trả chi phí cho việc tuyển dụng?
- Lời chúc giáng sinh dành cho người yêu ý nghĩa? Lễ Giáng sinh Noel người lao động có được tạm ứng tiền lương không?
- Đảng viên, tổ chức đảng thiếu trách nhiệm là gì? Trường hợp nào chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật Đảng?
- Lời chúc giáng sinh dành cho bạn bè? Lễ giáng sinh Noel có phải là ngày lễ lớn trong năm không?