Việc bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng được hướng dẫn thực hiện thế nào?
- Tài sản bao gồm những gì? Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm có bao nhiêu dạng?
- Việc bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng được thực hiện thế nào?
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút bao gồm những gì?
- Thế nào là chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại?
Tài sản bao gồm những gì? Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm có bao nhiêu dạng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Tài sản bao gồm: động sản và bất động sản.
Về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại khác do luật quy định.
Như vậy, hiện nay có 04 dạng thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo như quy định nêu trên.
Việc bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng được hướng dẫn thực hiện thế nào? (Hình từ Internet)
Việc bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng được thực hiện thế nào?
Căn cứ theo Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015.
Tại khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP nêu rõ, việc bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng sẽ căn cứ vào thỏa thuận của các bên.
Trong trường hợp các bên không thể thống nhất thỏa thuận được thì việc xác định bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng như sau:
(1) Trường hợp tài sản là vật:
- Xác định thiệt hại đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại căn cứ vào:
+ Giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng;
+ Mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường.
- Đối với tài sản là tiền thì thiệt hại được xác định là số tiền bị mất, bị hư hỏng.
- Đối với giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà không thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là giá trị của các giấy tờ bị mất, bị hư hỏng tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Trường hợp giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà có thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là các chi phí cần thiết để khôi phục các giấy tờ đó.
(2) Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại là chi phí để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại;
Nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định tương tự như đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại.
Như vậy, việc xác định thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng được thực hiện theo nội dung hướng dẫn nêu trên.
Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút bao gồm những gì?
Dựa vào khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút là hoa lợi, lợi tức mà người bị thiệt hại đang hoặc sẽ thu được nếu tài sản không bị mất, bị hư hỏng.
Ví dụ: A đang chuẩn bị thu hoạch vườn táo của nhà mình nhưng bị B làm gãy các cây táo trước ngày thu hoạch thì lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút trong trường hợp này là số táo mà A có thể thu hoạch được nếu B không làm gãy cây táo.
Việc tính giá trị của hoa lợi, lợi tức được thực hiện như sau:
- Hoa lợi, lợi tức được tính theo giá thực tế đang thu, nếu chưa thu thì theo giá thị trường cùng loại hoặc mức giá thuê trung bình 01 tháng của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định thiệt hại;
- Đối với những tài sản trên thị trường không có cho thuê, hoa lợi, lợi tức được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 03 tháng liền kề do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm thiệt hại xảy ra.
Thế nào là chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại?
Tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại được hướng dẫn xác định như sau:
Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại là những chi phí thực tế, cần thiết tại thời điểm chi trong điều kiện bình thường cho việc áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm:
- Làm cho thiệt hại không phát sinh thêm;
- Sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị xâm phạm.
Ví dụ: T đã có hành vi làm cháy nhà của H. Chi phí dập tắt đám cháy là X đồng; chi phí sửa chữa, khôi phục lại nhà như tình trạng ban đầu là Y đồng. Trường hợp này, X đồng là chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Y đồng là chi phí khắc phục thiệt hại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lùi xe trên đường 1 chiều phạt bao nhiêu? Lỗi lùi xe trên đường 1 chiều ô tô, xe máy theo Nghị định 168?
- Dự toán chi phí sửa chữa công trình xây dựng bao gồm những gì? Công việc sửa chữa công trình phải được bảo hành trong bao lâu?
- Toàn văn Nghị quyết 15/NQ-CP về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy?
- Mừng thọ 100 tuổi gọi là gì? Lời chúc mừng thọ 100 tuổi? Thời gian tổ chức mừng thọ 100 tuổi theo Thông tư 06?
- Giảm biên chế sau sáp nhập, hợp nhất? Thời điểm thực hiện chính sách giảm biên chế sau sáp nhập, hợp nhất?