Trưởng đoàn thanh tra có quyền quyết định đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ hành vi vi phạm không?
Thế nào là Trưởng đoàn thanh tra? Những ai không được làm Trưởng đoàn thanh tra?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Thanh tra 2022, Trưởng đoàn thanh tra là người đứng đầu Đoàn thanh tra.
Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm sau:
- Tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng phạm vi, nội dung, tiến độ thanh tra;
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra;
- Chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra.
Về các trường hợp không được làm Trưởng đoàn thanh tra, khoản 2 Điều 11 Thông tư 06/2021/TT-TTCP xác định như sau:
Các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra
...
2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trưởng đoàn thanh tra:
a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra.
Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 06/2021/TT-TTCP như sau:
Các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra
1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia Đoàn thanh tra:
a) Người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra;
c) Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Người có hành vi vi phạm bị xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Thông tư này mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích;
đ) Người không đủ các điều kiện khác để tham gia Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu thuộc 01 trong 06 trường hợp nêu trên thì không thể trở thành Trưởng đoàn thanh tra.
Trưởng đoàn thanh tra có quyền quyết định đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ hành vi vi phạm không? (Hình từ Internet)
Trưởng đoàn thanh tra có quyền quyết định đình chỉ hành vi vi phạm không?
Tại khoản 1 Điều 81 Luật Thanh tra 2022 có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra
1. Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra;
b) Kiến nghị người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm thực hiện yêu cầu, mục đích thanh tra;
c) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra;
d) Yêu cầu, đề nghị người có thẩm quyền quyết định việc tạm giữ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị sử dụng trái pháp luật; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc tạm giữ tài sản kiểm kê;
đ) Yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp để ngăn chặn kịp thời đối tượng thanh tra có hành vi hủy hoại, tẩu tán tài sản;
e) Quyết định niêm phong tài liệu;
g) Quyết định kiểm kê tài sản;
h) Đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ hành vi vi phạm;
i) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, chuyển công tác, cho thôi việc, cho nghỉ hưu đối với đối tượng thanh tra hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra nếu có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho hoạt động thanh tra;
k) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;
l) Báo cáo người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó;
m) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật.
Như vậy, theo điểm h khoản 1 Điều 81 Luật Thanh tra 2022 nêu trên thì Trưởng đoàn thanh tra có quyền:
- Đình chỉ hành vi vi phạm;
- Kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ hành vi vi phạm.
Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 81 Luật Thanh tra 2022, khi xét thấy không còn cần thiết thì Trưởng đoàn thanh tra ra quyết định hoặc kiến nghị hủy bỏ ngay việc đình chỉ hành vi vi phạm.
Pháp luật quy định thế nào về việc đình chỉ hành vi vi phạm?
Việc đình chỉ hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra được quy định tại Điều 88 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Đình chỉ hành vi vi phạm
1. Trong quá trình thanh tra, khi phát hiện có hành vi vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm hoặc kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm.
2. Quyết định đình chỉ hành vi vi phạm phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do, nội dung, thời gian đình chỉ, đối tượng có trách nhiệm thực hiện.
Như vậy, việc đình chỉ hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra được quyết định bởi người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra hoặc người có thẩm quyền.
Quá trình này được thực hiện theo nội dung quy định nêu trên.
Từ ngày 01/07/2023, Luật Thanh tra 2022 sẽ chính thức có hiệu lực.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?