Tranh chấp thương mại là gì? Có những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại nào hiện nay?
Thế nào là tranh chấp thương mại?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định rằng Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Dựa vào khái niệm trên có thể suy ra rằng tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng) giữa hai bên hợp tác với nhau về quyền, nghĩa vụ trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại.
Tranh chấp thương mại là gì? Có những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại nào hiện nay? (Hình từ Internet)
Có những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại nào?
Tại Điều 317 Luật Thương mại 2005 quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thương mại cụ thể rằng:
Hình thức giải quyết tranh chấp
1. Thương lượng giữa các bên.
2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định.
Theo đó, có thể xác định được rằng có 04 hình thức giải quyết tranh chấp thương mại cụ thể như sau:
Thương lượng giữa các bên
Có thể hiểu hình thức giải quyết tranh chấp thương lượng giữa các bên là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.
Trong quá trình thực hiện giải quyết tranh chấp bằng hình thức thương lượng hòa giải giữa các bên sẽ không có sự ràng buộc của quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết.
Kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.
Hòa giải
Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về khái niệm hòa giải thương mại cụ thể như sau:
Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được quy định tại Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP cụ thể như sau:
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại
1. Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
2. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
Theo đó, những nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại bao gồm:
- Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
- Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
Đối với điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại thì tại Điều 6 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định: Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
Đối với quy định giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại thì tại khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại cụ thể như sau:
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.
Theo đó, phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại được quy định tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 cụ thể như sau:
- Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
- Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
- Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại được quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 cụ thể như sau:
- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án
Về nội dung giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thì tại Chương II Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nêu rõ nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án bao gồm:
- Tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự
- Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
- Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
- Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự
- Bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
- Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
- Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai
- Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự
- Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
- Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án
- Bảo đảm tranh tụng trong xét xử
Những tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Đối với những tranh chấp thương mại thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cụ thể như sau:
- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
- Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại được quy định như thế nào?
Về nội dung thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại thì tại Điều 319 Luật thương mại 2005 quy định Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không đăng ký biến động đất đai khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất bị phạt bao nhiêu? Thời hạn đăng ký biến động?
- Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở của Ngân hàng Nhà nước được phân loại ra sao? Mã số nhiệm vụ được ghi thế nào?
- Tổng hợp mẫu biên bản bàn giao công việc chuẩn pháp lý? Bàn giao công việc là gì? Khi nào cần bàn giao công việc?
- Trang thông tin điện tử (Website) phục vụ cho việc gì? Trang thông tin điện tử bán hàng phải bảo đảm yêu cầu nào?
- Mẫu biên bản bàn giao thiết bị mới nhất hiện nay là mẫu nào? Tải mẫu ở đâu? Biên bản bàn giao thiết bị là gì?